Tư liệu quý hiếm về văn hóa, lịch sử Chămpa

- Thứ Năm, 07/03/2013, 08:36 - Chia sẻ
Theo PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM UNESCO NGHIÊN CỨU VÀ BẢO TỒN VĂN HÓA CHĂM, TS THÔNG THANH KHÁNH, thư tịch Hoàng gia Chăm chứa đựng nhiều chủ đề di sản văn hóa Chăm độc đáo như lịch sử, văn học, ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng, tôn giáo... Tuy nhiên, đến nay di sản tư liệu quý hiếm này vẫn chưa thực sự được quan tâm bảo tồn, nghiên cứu và khai thác đúng mức nhằm lý giải những vấn đề bí ẩn về nền văn hóa Chăm và cộng đồng Chăm ngày nay.
 
Lễ hội văn hóa của người Chăm

- Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm đang nghiên cứu và xử lý hàng triệu trang ghi chép các thư tịch cổ Hoàng gia Chăm. Các thư tịch này đã được phát hiện và tìm thấy như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay bên cạnh tiếng Việt, người Chăm còn sử dụng ngôn ngữ riêng, trong đó thư tịch cổ đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Hầu hết, làng Chăm nào cũng lưu giữ thư tịch cổ, đặc biệt là những gia đình chức sắc, tu sĩ... Bên cạnh đó, một số dòng họ thuộc Hoàng tộc Chăm vẫn còn lưu giữ khối lượng lớn tư liệu của các triều đại Chămpa. Hiện Viện Viễn Đông bác cổ Pháp đang giữ khoảng 10.000 trang, còn ở Việt Nam chỉ có duy nhất một gia tộc thuộc Hoàng tộc của triều đại Chămpa cuối cùng ở Ma Lâm (Bình Thuận) lưu giữ. Gia tộc này đã đồng ý chuyển giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm nghiên cứu và xử lý khoảng 3.650 tập, với trên 10 triệu trang ghi chép.

- Các thư tịch Hoàng gia Chăm đề cập đến những vấn đề gì, thưa ông?

- Tư liệu Hoàng gia Chăm phân thành 4 loại: tư liệu dùng cho tu sĩ, chức sắc; tư liệu thuộc văn bản hành chính; tư liệu liên quan đến ghi chép lịch sử và các tư liệu về địa bạ, đinh bạ, điền bạ, ngưu bạ, thuyền bạ, sổ bộ đời. Tư liệu dùng cho tu sĩ, chức sắc được làm bằng lá buông, viết bằng ngòi tre vót nhọn, mực đen, nâu được chế ra từ loại cây gõ đỏ, được sử dụng trong các lễ cúng tế ở đền, tháp... dành cho Hoàng gia. Tư liệu thuộc văn bản hành chính chiếm số lượng nhiều nhất, xuất hiện từ năm Chính Hòa đến Cảnh Hưng, Gia Long, Minh Mạng... Tư liệu liên quan đến việc ghi chép lịch sử được biên soạn rất công phu, phản ánh nhiều khía cạnh lịch sử của vương quốc Chămpa qua những giai đoạn khác nhau (giới hạn từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX); gồm tài liệu bang giao của các nước mà Chămpa từng quan hệ, đặc biệt đối với nhà Nguyễn và Tây Sơn. Các tài liệu còn lại cũng khá đồ sộ về khối lượng, thông qua đó chúng ta biết được vấn đề quản lý đất đai, dân số, giao thông, chăn nuôi, cách thu thuế... của triều đình Chămpa.

- Giá trị của các di sản tư liệu này được đánh giá và nhìn nhận như thế nào?

- Di sản tư liệu Hoàng gia Chăm là tư liệu cực kỳ quý hiếm. Nó là tài liệu chính thống để hiểu thêm về lịch sử của vương quốc Chămpa mà hiện nay các nhà khoa học, sử học còn đang tranh cãi. Các văn bản có chữ viết rõ ràng, thống nhất, theo thể thức nhất quán. Mỗi văn bản đều có ấn triện của triều đình và các địa phương, riêng với người dân có dấu điểm chỉ. Các thư tịch Hoàng gia Chăm chứa đựng nhiều chủ đề di sản văn hóa Chăm độc đáo như: lịch sử, văn học, ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng, tôn giáo... Các thư tịch này cũng cho chúng ta biết nhiều hơn về mối bang giao cũng như chính sách ngoại giao của triều Nguyễn với những tiểu quốc phía Nam. Đặc biệt, có những văn kiện liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó có vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Trong các công văn gửi đi và đến giữa Triều đình với các địa phương, chúng tôi đã phát hiện rất nhiều văn thư liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, như văn bản của làng Chăm Plei Koh, nay là đảo Phú Quý thuộc Bình Thuận, vào năm 1836 ghi: “…Làng Koh trình tấu với quan phủ về việc cử 3 chiếc thuyền đến Trường Sa (Kulao Cuah Atah) và Hoàng Sa (Kulao Cuah Bhong) hỗ trợ việc cắm các mốc giới theo chỉ dụ. Việc này làng Koh đã tập hợp dân đinh và ngư phủ nhưng bây giờ biển động không thể ra khơi nên làng xin quan phủ cho dời đến tháng Mười sẽ khởi hành”.

- Các di sản tư liệu quý hiếm này đang được bảo tồn và khai thác như thế nào, thưa ông?

- Là người Chăm, tôi rất buồn khi phải nói rằng, đến nay di sản tư liệu Hoàng gia Chăm vẫn chưa thực sự được quan tâm bảo tồn, nghiên cứu và khai thác đúng với giá trị của nó. Trên 10 triệu trang ghi chép quý giá của kho tàng thư tịch Hoàng gia này đang được chúng tôi nghiên cứu, phân loại, lưu giữ, bảo quản trong điều kiện khá khó khăn. Đa số tư liệu vì lâu năm nên đã đến giai đoạn phân hủy, trong khi đó chủ nhân của chúng đã già, không có người tiếp nối bảo quản. Thế hệ trẻ thì ít người quan tâm và đọc được các văn bản này. Tôi mong muốn Nhà nước sớm quan tâm đầu tư kinh phí để phân loại, bảo quản và tổ chức biên dịch, xuất bản để giới thiệu kho tư liệu quý báu này cho các nhà nghiên cứu và đặc biệt bổ sung làm phong phú tư liệu cho ngành lưu trữ và thư viện nước ta.

- Xin cám ơn ông!

Nhữ Phong thực hiện