“Tư lệnh” ngành nào cũng có thể được gọi tên!
Đó là cái hay của phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này. Với chủ đề là việc thực hiện 6 nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn chính là đánh giá lại nửa nhiệm kỳ qua, các thành viên Chính phủ đã làm được đến đâu, các lời hứa, cam kết trước QH và đồng bào, cử tri cả nước được thực hiện thế nào? Các vấn đề đại biểu chất vấn rất đa dạng, nhưng với sự tham gia của các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan, vì thế trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ cũng rất rõ. Không khí chất vấn, tranh luận dân chủ, sôi nổi.
ĐBQH Sùng A Hồng (Điện Biên): Đã hứa thì phải làm

Qua theo dõi hai ngày chất vấn, tôi cho rằng, các thành viên Chính phủ đều có câu trả lời thỏa đáng. Tôi quan tâm đến câu trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH và Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là hai lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm có liên quan đến an sinh xã hội, các bộ trưởng đã chú trọng đến vùng đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nguyện vọng của chúng tôi là giải pháp của các bộ trưởng phải đi vào thực tiễn cuộc sống. Các giải pháp càng cụ thể càng tốt, giải pháp chung chung thì không thể giải quyết rốt ráo vấn đề. Bộ trưởng đã hứa thì phải làm, chỉ đạo cấp dưới, địa phương xử lý triệt để những hạn chế, vướng mắc. Trước đó, các thành viên Chính phủ đã trải qua cuộc “sát hạch”, thông qua lấy phiếu tín nhiệm. Có những thành viên Chính phủ phiếu tín nhiệm rất cao, nhưng có những thành viên Chính phủ phiếu “tín nhiệm cao” thấp. Ngay sau cuộc sát hạch này, nhân dân, cử tri và các ĐBQH có thêm sự đánh giá về khả năng tham mưu, hoàn thành nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Rõ ràng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm rất khách quan, công bằng.
Cũng tại Kỳ họp thứ Sáu này, chúng ta không thực hiện chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ, mà các ĐBQH trực tiếp chất vấn về các nội dung liên quan đến việc thực hiện 6 nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn. Đây là cách làm rất tốt. Thành viên Chính phủ nào cũng có thể được gọi tên, các vấn đề chất vấn nêu ra cũng rất đa dạng. Trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ cũng rất rõ, không thể đổ đi, đổ lại.
ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình): Đi thẳng vào vấn đề
|
Việc tất cả các thành viên Chính phủ đều tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp này là rất cần thiết. Đây là cơ hội để các tư lệnh ngành xem mình đã làm tốt vấn đề gì, vấn đề gì tồn tại. Qua chất vấn này, ĐBQH cùng với tư lệnh ngành tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn mà thực tiễn đã và đang đặt ra.
Qua theo dõi phần trả lời chất vấn cho thấy, các bộ trưởng, trưởng ngành đã đi thẳng vào vấn đề. Thời gian qua, có vụ việc mà cử tri rất quan tâm, đó là vụ bác sĩ Hoàng Công Lương (Hòa Bình) có đến 3 lần phải thay đổi tội danh. Về vấn đề này, tôi thấy phần trả lời của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao rất xác đáng, thuyết phục, đúng tinh thần khoa học, khách quan. Mặc dù đã xác định tội danh nhưng quá trình điều tra phát sinh tình tiết mới, chứng cớ mới thì tội danh thay đổi. Việc này cần xem xét thấu đáo để bảo đảm đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, đúng người, đúng tội, không để oan sai.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Giải pháp cụ thể, tích cực hơn
|
So với nhiệm kỳ trước thì ở nhiệm kỳ này, lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành và giải pháp đưa ra cụ thể hơn, tích cực hơn và quá trình thực hiện hiệu quả hơn.
Là người chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trong quy trình thực hiện giải quyết các vụ án theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm thì nhanh chóng, nhưng kháng nghị lên Tòa án Nhân dân Tối cao còn chậm, qua phần trả lời của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tôi thấy hợp lý. Xét xử sơ thẩm, phúc thẩm là giải quyết vụ án ban đầu nên giải quyết nhanh hơn. Còn ở tòa án cấp cao thì chậm hơn bởi những vụ án đã được xét xử rồi. Do đó, tòa án cấp cao muốn xử lý chính xác thì cần có thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ để có quyết định đúng pháp luật. Về vấn đề này, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã hứa sẽ có giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, và chúng tôi sẽ theo dõi đến cùng vấn đề này.
ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước): Tinh tế trong lựa chọn vấn đề chất vấn
|
Phiên chất vấn lần này mang tính chất đánh giá lại 2 năm rưỡi thực hiện 3 nghị quyết chuyên đề và 3 nghị quyết về chất vấn của QH. Thông qua những đánh giá lại thời gian thực hiện các công việc, các vấn đề bộ trưởng đã cam kết khi trả lời trước QH, đã cho thấy rõ những chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, giúp QH, các ĐBQH và cử tri rõ các công việc đã được triển khai đến đâu, những công việc cần ưu tiên trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Đồng thời đặt ra áp lực cho các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Với đổi mới cách thức chất vấn, điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân rất linh hoạt. Thực tế, có những vấn đề nhạy cảm, tưởng chừng rất khó điều hành, nhưng với kinh nghiệm và bản lĩnh, Chủ tịch QH đã tạo sự xuyên suốt, liền mạch cho các phiên chất vấn, mang lại sự hài lòng cho các ĐBQH và các thành viên Chính phủ.
Trong bối cảnh chỉ hỏi “một phút”, các ĐBQH cũng nghiên cứu kỹ tài liệu, chắt lọc thông tin, nêu ra những vấn đề mang tính trọng yếu, nóng trong thực tiễn cuộc sống. ĐBQH cũng rất tinh tế trong việc lựa chọn vấn đề, không bỏ sót bất cứ lĩnh vực nào từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng - an ninh, khúc mắc ở đâu cũng được chỉ rõ và đề nghị các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Câu hỏi ngắn gọn, rõ trách nhiệm, tiết kiệm thời gian cho các đại biểu khác có cơ hội đặt câu hỏi.
Với các thành viên Chính phủ, thời gian trả lời chỉ có 3 phút, nên cũng phải đi thẳng vào vấn đề, không trả lời vòng vo. Và, nếu câu trả lời của bộ trưởng, trưởng ngành chưa thỏa đáng, ĐBQH có quyền chất vấn, tranh luận lại.
Với câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về biên chế giáo viên nói riêng và tinh gọn bộ máy nói chung, điều tôi muốn chuyển đến Bộ trưởng, Chính phủ và các cơ quan có liên quan là, tinh giản biên chế đối với giáo viên cần phải bảo đảm cơ sở lý luận và thực tiễn, cách làm phải chắc chắn. Vì mục tiêu của tinh giản biên chế không phải tinh giản giáo viên cơ học, dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh. Rất mừng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời được một phần của vấn đề, phát hiện ra những tồn tại, hạn chế và phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Thủ tướng Chính phủ để có quyết định khắc phục thừa, thiếu cục bộ. Tuy nhiên, kết quả đó chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay chỉ có một số quyết định liên quan đến giáo viên mầm non, còn đối tượng giáo viên tiểu học, THCS vẫn chưa được giải quyết, khiến nhiều nơi học sinh phải dồn lớp, sỹ số quá đông. Mong rằng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để rà soát số lượng giáo viên, có giải pháp nhất quán, sát đúng, kịp thời, bảo đảm giáo dục là quốc sách hàng đầu, có đủ giáo viên đứng lớp, phục vụ cho học sinh tốt hơn.