Từ làn điệu dân ca đến âm nhạc thế giới

- Thứ Hai, 22/02/2021, 06:12 - Chia sẻ
Nói đến sản phẩm nghệ thuật là nói đến cái tôi làm nên sắc màu độc đáo của nghệ sĩ mà các làn điệu dân ca truyền thống có thể góp phần tạo nên nét riêng khác ấy. Theo nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, luôn có con đường để âm nhạc đương đại Việt Nam vươn ra thế giới, bằng cách tìm về chính gốc rễ, cội nguồn của dân tộc mình.

Dân ca và nhạc jazz

Trong chương trình mạn đàm trực tuyến đầu tháng 2 vừa qua của VietNam Centre - tổ chức kết nối và quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các hoạt động tri thức và nghệ thuật, hai nghệ sĩ, hai thế hệ dưới cùng một mái nhà đã chia sẻ những câu chuyện xoay quanh chủ đề “Từ làn điệu dân ca đến âm nhạc thế giới”. Đó là nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và con gái, An Trần. Một người đã kinh qua hàng nghìn sân khấu, đưa âm nhạc Việt Nam đến khán giả trong nước và quốc tế. Một người trẻ mang theo truyền thống gia đình và kho tàng âm nhạc dân gian, đi trên cung đường đương đại của riêng mình. Cả hai đều gắn bó với kèn saxophone, trình diễn nhạc jazz nhưng mong muốn thổi vào đó âm hưởng ngọt ngào của làn điệu dân ca dân tộc.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần trình diễn một tiết mục nhạc jazz kết hợp với dân ca Việt Nam

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chia sẻ, ông có cơ duyên tiếp cận và đam mê kèn saxophone từ năm 8 tuổi, nhưng ngấm vào máu không phải âm nhạc phương Tây mà là thanh âm của các loại nhạc cụ cổ truyền. Sinh ra trong một gia đình cả bố mẹ, chị đều theo cải lương, ngay từ nhỏ, Trần Mạnh Tuấn đã tham gia đoàn cải lương, chơi các bài vọng cổ. “Những năm tháng đó đã ảnh hưởng nhất định đến tôi. Đến khi đi học nhạc, tôi mới nhận ra giai điệu âm nhạc dân gian Việt Nam mang lại giá trị đặc biệt, có đặc tính rất riêng, gây ấn tượng với khán, thính giả thế giới. Cho nên, từ năm 1991, tôi cùng ban nhạc Phương Đông đã tổ chức đêm nhạc riêng tại Hà Nội, trong đó trình diễn 4 - 5 tác phẩm nhạc jazz do tôi tự sáng tác theo cách kết hợp giao thoa với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Bấy giờ, điều đó khá lạ lẫm với khán thính giả”.

Sau đó, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn ra nhiều album như “Ru rừng”, “Thằng Cuội”, hay “Bèo dạt mây trôi” kết hợp nhạc jazz với dân ca 3 miền. Gần đây, An Trần tham gia nhiều sản phẩm âm nhạc cùng cha mình, như một sự tiếp bước thế hệ trong niềm đam mê chung với nhạc jazz và với dân ca.

“Âm nhạc dân tộc kết hợp với nhạc jazz đương đại mang lại một cái gì rất mới mẻ cho mọi người. Họ có thể thấy tính ngẫu hứng trong jazz, cả tính bản địa, tiết tấu phóng khoáng... Tất cả càng thôi thúc nghệ sĩ đi theo con đường như vậy. Vì nói đến sản phẩm nghệ thuật là phải nói đến tính đặc trưng là cái tôi trong đó, mà tính dân gian giúp chúng ta phát triển cái tôi ấy. Không phải theo trào lưu, thực sự âm nhạc dân gian Việt Nam nếu biết khai thác sẽ tạo nên màu sắc, phong cách rất khác biệt để giới thiệu đến bạn bè quốc tế”, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn khẳng định.

"Làm cho mình, chia sẻ với khán giả"

Nói vậy, nhưng con đường giao thoa âm nhạc đương đại với truyền thống đầy thách thức. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn lý giải, không phải làn điệu dân ca nào cũng có thể kết hợp với nhạc jazz, mà nghệ sĩ buộc phải nghiên cứu, chọn lựa. Chẳng hạn, dân ca Bắc bộ, Nam bộ thường sử dụng giai điệu ngũ cung đặc trưng, dễ phát triển, hòa âm với nhạc đương đại, trong khi dân ca miền Trung khó kết hợp, phát triển hơn. Cùng là 5 cung nhưng cách thể hiện khác nhau cũng tạo nên khác biệt rõ ràng, làm nên nét độc đáo của âm nhạc dân gian truyền thống.

Nhớ lại kỷ niệm cũng là bài học sâu sắc trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn tâm sự, khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi đi học ở nước ngoài trở về Việt Nam, anh làm một album nhạc jazz nhằm giới thiệu các tác phẩm kinh điển thế giới. Tiếc rằng, album đó không thành công, chỉ được một số ít người đón nhận. “Lúc đó, tôi cứ tự tin mình làm tốt, làm hay những tác phẩm kinh điển thế giới, không để ý khán giả thích nghe thể loại gì, thấu hiểu đến đâu, chỉ thích thì làm. Rồi tôi ngồi lại, thấm thía rằng nghệ sĩ bao giờ cũng muốn đưa cái tôi vào sản phẩm, nhưng vấn đề còn phải xem là cái tôi như thế nào, có vị trí ở đâu, được khán giả đón nhận ra sao...”

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn quyết định thực hiện một sản phẩm khác, mang tên “Về quê” - tên một ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương vốn được rất nhiều người nghe yêu thích, rất nhiều ca sĩ hát... Ngoài bài hát đó, album còn gồm hàng loạt tác phẩm không thuần túy là giai điệu dân ca mà được phỏng theo hơi hướng làn điệu dân ca, như "Mẹ yêu con", "Quê hương", "Ngược dòng Hương Giang"... “Những tác phẩm đó rất gần gũi với khán thính giả, nhưng được khoác áo mới. Album ngay khi phát hành (2003) đã được đón nhận nhiệt liệt. Thứ âm nhạc vừa quen vừa lạ khi làn điệu dân ca được hòa âm, phối khí, thể hiện bằng saxophone. Từ trải nghiệm này, tôi thấu hiểu hơn rằng làm cho mình cũng là chia sẻ với khán thính giả”.

Những sản phẩm âm nhạc được đón nhận đã cho nghệ sĩ năng lượng để đi tiếp hành trình. Như nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chia sẻ: "Tôi đã biểu diễn tại rất nhiều festival trên thế giới và càng hiểu được rằng tính bản địa, màu sắc riêng của dân tộc thực sự quan trọng đến nhường nào. Có lẽ chất dân ca đã ăn vào máu của tôi, nên nó sẽ luôn được rèn giũa, chảy mãi”. Hay như lời của nghệ sĩ trẻ An Trần khi cô đang nỗ lực để tiếp nối dòng chảy đó: “Tôi đang học tập ở nước ngoài, dự định sẽ trở về để chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam những gì đã học được ở nước ngoài, và chia sẻ với những người bạn nước ngoài về âm nhạc dân gian Việt Nam”.

Hải Đường