Từ La Mã cổ đại
Thời La Mã cổ đại, từ năm 417 trước công nguyên, người ta đã biết hỏi ý kiến thần dân về một số vấn đề của vương quốc, kết quả trưng cầu ý dân có giá trị bắt buộc đối với quốc vương và mọi thần dân. Từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên khái niệm referendum (điều cần phải được thông báo) đã được phổ biến rộng rãi tại các vương quốc La Mã cổ đại, thậm chí thay thế cho khái niệm “luật”. Referendum là sự bỏ phiếu của cử tri nhằm thông qua các quyết định có tính chất quốc gia hoặc địa phương. Trong tiếng Latin còn có một thuật ngữ nữa đồng nghĩa với thuật ngữ referendum - đó là plebiscitum (cái mà dân đã nói), đó cũng là ý kiến của cử tri, tuy nhiên plebiscitum thường là các cuộc trưng cầu ý dân về các vấn đề quan trọng hơn cả đối với đất nước như vấn đề lãnh thổ, vấn đề quốc tế. Thực ra trong ngôn ngữ của nhiều nước hai thuật ngữ này không được phân biệt rõ, nhất là các ngôn ngữ ngoài châu Âu.
Theo một giáo sư luật học người Đức, định nghĩa về trưng cầu ý dân được chấp nhận rộng rãi nhất hiện nay là “Trưng cầu ý dân là phương thức bỏ phiếu toàn dân, thông qua đó nhân dân thể hiện ý kiến hoặc nguyện vọng của mình về một biện pháp mà một chủ thể quyền lực khác đã hoặc dự định áp dụng”. Ông cũng cho rằng, bằng cách sử dụng thuật ngữ “thể hiện”, định nghĩa này bao hàm được cả trưng cầu ý dân mang tính chất tham khảo (trưng cầu ý dân tư vấn) lẫn trưng cầu ý dân mang tính ràng buộc. Định nghĩa này không phân biệt nguồn gốc của việc bỏ phiếu toàn dân, do đó nó bao hàm cả trưng cầu ý dân theo đề nghị của một cơ quan quyền lực nhà nước, trưng cầu ý dân theo yêu cầu của nhân dân và trưng cầu ý dân đương nhiên theo quy định của hiến pháp. Ở góc độ cụ thể hơn, có thể định nghĩa “trưng cầu ý dân là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa những vấn đề quan trọng để nhân dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định”.
Điểm khác biệt cơ bản giữa lấy ý kiến nhân dân với trưng cầu ý dân ở chỗ: thông qua trưng cầu ý dân, người dân trực tiếp quyết định đồng ý hay không đồng ý (thông qua bỏ phiếu) đối với vấn đề đưa ra trưng cầu; còn thông qua việc lấy ý kiến nhân dân, người dân chỉ đưa ra ý kiến (bằng văn bản hoặc góp ý trực tiếp) để các cơ quan nhà nước tham khảo, việc quyết định về vấn đề đưa ra lấy ý kiến như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào cơ quan nhà nước.
Việc trưng cầu ý dân có thể được quy định trong một bản hiến pháp thành văn, trong một đạo luật chung hay trong một văn bản luật quy định việc trưng cầu ý dân chỉ phục vụ cho việc bỏ phiếu lấy ý kiến về một vấn đề cụ thể nào đó. Ở châu Âu, đa số các quốc gia quy định việc tổ chức trưng cầu ý dân cấp quốc gia được quy định trong hiến pháp (Armenia, Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ…). Tuy nhiên, quy định trong một số hiến pháp về trưng cầu ý dân chỉ đưa ra nguyên tắc chung và phải được cụ thể hóa trong luật để có thể thực hiện trên thực tiễn.