Từ huyện 30A đến huyện nông thôn mới
Không phải ngẫu nhiên, Quỳnh Nhai tuy ở top cuối trong phát triển kinh tế - xã hội so với mặt bằng chung của Sơn La nhưng lại được Tỉnh ủy lựa chọn tổ chức đại hội điểm.
Ở bản Bung Lanh, xã Mường Giàng, ai cũng nghe “tiếng” bà Trần Thị Sáo. Một phần bởi bà vốn là Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quỳnh Nhai, nhưng phần nhiều hơn vì bà làm kinh tế giỏi.

Nhà bà Sáo nằm trong một khu vườn rộng chừng 13 nghìn mét vuông, hai bên lối vào là những rặng nhãn sai trĩu sắp cho thu hoạch. “Cách đây 5 năm (2015), tôi nghỉ hưu và bắt tay gây dựng trang trại VAC”, bà Sáu kể. Bao kinh nghiệm tích luỹ được khi tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả trong thời gian còn công tác đã được bà áp dụng vào vườn chuồng nhà mình. Trên vườn, bà trồng các loại cây ăn quả như nhãn chín muộn, bưởi da xanh, xoài Đài Loan... và các loại rau xanh để bán thường nhật. Dưới gốc cây ăn quả, bà trồng cây sa nhân để vừa tăng thêm thu nhập, vừa giữ ẩm cho đất.
Khu vực chăn nuôi khoảng 1 nghìn mét vuông được bố trí khoa học. Khu nuôi gà chia làm hai, một chuồng hàng trăm nuôi gà còn nhỏ, một chuồng dành nuôi đàn gà đã có thể xuất bán. Kế đó là khu nuôi lợn thương phẩm. Bình quân một năm, bà Sáo xuất bán 3 tấn thịt lợn hơi và gần 1 tấn gà hơi, trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng. Một hai năm trở lại đây, cây ăn quả cho thu hoạch cũng mang lại cho bà Sáo một khoản thu nhập không nhỏ. Có lưng vốn, bà lại bắt đầu mở rộng sản xuất. Mới đây, bà Sáo đầu tư nhà lưới 200 triệu đồng để trồng mướp đắng.
Điều đáng nói là mô hình kinh tế của nguyên Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quỳnh Nhai đã tác động, làm thay đổi tư duy sản xuất của một số hộ dân tộc La Ha trong bản Bung Lanh. Nhiều nhà đã thâm canh trồng 3 vụ trên diện tích đất ruộng, chuẩn bị trồng cả chục hecta cây sa nhân và đã chuyển sang chăn nuôi kiểu nhốt chuồng...
Bầu không khí vươn lên làm kinh tế không chỉ xuất hiện ở Mường Giàng mà còn lan tỏa khắp các nơi trong huyện. Ở xã Mường Giôn, trên cơ sở rà soát quỹ đất, thấy nơi nào đủ điều kiện như thổ nhưỡng, đất đai và tập trung được đất đai, lãnh đạo xã liền vận động bà con trồng những loại cây ăn quả (qua trồng thí điểm thấy phù hợp) như xoài, mận tam hoa, mơ, bưởi, mít Thái Lan… Đến nay, toàn xã có khoảng trên 156ha cây ăn quả. Nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên làm giàu hiệu quả từ trồng cây ăn quả với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như gia đình ông Tòng Văn Bước ở Bản Cút, ông Tòng Kim Hùng ở bản Bo Xanh… “Gia đình tôi trồng mận hậu trên đất dốc 3 năm nay, mỗi năm thu hoạch gần 1 tấn, thu nhập 50 - 60 triệu đồng, so với làm nương, làm lúa thì lợi hơn nhiều, lại không vất vả”, ông Hùng cho biết.

Toàn huyện Quỳnh Nhai hiện có trên 1.250ha diện tích cây ăn quả với sản lượng ước đạt trên 15.500 tấn; giá trị bình quân trên 1ha đất canh tác đạt khoảng 25,2 triệu đồng, tăng 22,3% so với năm 2015. Ngoài trồng cây ăn quả trên đất dốc, Quỳnh Nhai đã khai thác tiềm năng mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
Người đi đầu mô hình nuôi cá lồng ở xã Chiềng Bằng là ông Lò Văn Khặn. “Khởi nghiệp” năm 2010 với 1 lồng cá và 55kg cá giống các loại do huyện hỗ trợ, đến nay, ông đã có trong tay 114 lồng, chủ yếu là cá trắm cỏ, cá lăng, cá nheo… trung bình một năm xuất bán ra thị trường 18 tấn cá các loại, trừ chi phí thu trên 500 triệu đồng/năm. Không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, cuối năm 2012, ông Khặn vận động các hộ dân trong xã tham gia thành lập Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng. Hiện Hợp tác xã có 46 thành viên với 962 lồng cá, thu nhập của mỗi thành viên khoảng 50 triệu đồng/năm.
Đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 46 Hợp tác xã thủy sản với gần 7.000 lồng nuôi cá. Tổng sản lượng cá nuôi năm 2019 đạt trên 2.000 tấn. Thương hiệu cá lòng hồ sông Đà Quỳnh Nhai bước đầu được người tiêu dùng ưa chuộng, được thị trường đón nhận. Năm 2019, huyện có 10 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu Cá sông Đà. Đây là đòn bẩy cho sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá lồng ở Quỳnh Nhai.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thu cho biết, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ trồng cây hàng năm sang phát triển thủy sản (nuôi cá lồng) và trồng cây ăn quả trên đất dốc là định hướng đã làm thay đổi gần như cơ bản bức tranh toàn cảnh về phát triển sản xuất của Quỳnh Nhai những năm qua. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo từ 48% năm 2005 đến nay chỉ còn 16%. “Mười lăm năm trước, thu nhập bình quân của người dân khoảng 5 - 7 triệu đồng, năm 2015 tăng lên 16 - 17 triệu đồng, đến năm nay thu nhập 28 - 30 triệu đồng là bình thường”, ông Thu nói.
Đặc biệt, vào năm 2018, Quỳnh Nhai đã ra khỏi danh sách các huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ và từng bước vươn mình phát triển. Như vậy, mục tiêu “đưa huyện Quỳnh Nhai vươn lên thoát nghèo” của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã được thực hiện thắng lợi.
Vào thời điểm bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (năm 2010), Quỳnh Nhai vẫn đang là huyện 30a. Nhờ tìm được hướng đi, cách làm phù hợp, chục năm sau, Quỳnh Nhai không chỉ thoát nghèo mà còn thay đổi đột phá về diện mạo, đời sống người dân được cải thiện. 11/11 xã đã có đường ô tô được cứng hóa; 100% các bản được đầu tư công trình điện sinh hoạt, lớp học cắm bản và cứng hóa các tuyến đường giao thông đến bản; 11/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Đến hết năm 2019, toàn huyện có 8/11 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 11/11 trạm y tế xã có bác sĩ, đạt tỷ lệ 8,8 bác sĩ/1 vạn dân. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 21% năm 2015 xuống còn 16% năm 2019. Tỷ lệ che phủ bảo hiểm y tế đạt 95,99%, tăng 1,2% so với chỉ tiêu được giao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển sâu, rộng, chất lượng, hiệu quả. Nhiều giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được bảo tồn và phát huy.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thu cho biết hết năm nay, toàn huyện có 6 xã được nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra. Bước sang nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Quỳnh Nhai phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có từ 1 - 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. “Mục tiêu xuyên suốt của chúng tôi là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện”, ông Thu chia sẻ.
Nhìn lại hành trình vươn lên thoát nghèo, vươn mình phát triển vượt bậc và thay đổi hoàn toàn diện mạo của Quỳnh Nhai - nhờ Đảng bộ, chính quyền các cấp đã tìm được hướng đi, cách làm phù hợp và đồng lòng, đoàn kết thực hiện nhiệm vụ, huy động sức dân - sẽ hiểu vì sao huyện được Tỉnh ủy Sơn La chọn tổ chức đại hội điểm. Dù nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là hết sức nặng nề, chặng đường phía trước có những thời cơ, vận hội mới, đồng thời cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức nhưng Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thu khẳng định: “Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Nhai sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo quyết tâm nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra”.