Từ hát xẩm nghĩ về bài chòi

- Thứ Hai, 09/09/2013, 08:23 - Chia sẻ
Càng đi sâu tìm hiểu, tôi cảm nhận dường như giữa bài chòi và hát xẩm có số phận gần giống nhau. Tất nhiên, về âm nhạc thì khác nhau bởi hai hệ dân ca Nam, Bắc đều mang nét riêng về âm điệu vùng, miền...

Khi còn học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), tôi đã được đọc và được xem bài chòi, nhưng thực sự còn mơ hồ, chưa hiểu hết nguồn gốc và đặc trưng của môn nghệ thuật dân gian độc đáo ở miền Trung này. Càng đi sâu tìm hiểu, tôi cảm nhận dường như giữa bài chòi và hát xẩm có số phận gần giống nhau. Cả hai loại hình nghệ thuật này cùng sinh ra trong lòng nhân dân lao động ở nông thôn Việt Nam, cũng nay đây mai đó khi ở sân đình, lúc ở bãi chợ góc đường, ngõ xóm... Nghệ nhân đều tay đàn, tay phách và hát lên những bài thơ, hoặc câu chuyện dân gian về nhân tình thế thái, về tình yêu con người, hoặc phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội. Tất nhiên, về âm nhạc thì khác nhau bởi hai hệ dân ca Nam, Bắc đều mang nét riêng về âm điệu vùng, miền...

Gần đây, khi trở thành thành viên Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, rồi phụ trách Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, tôi mới có cơ hội nghe Gs Hoàng Chương nói về cái hay, cái đẹp của bài chòi, được nghe những giai điệu mượt mà đậm chất trữ tình sâu lắng của các điệu Xuân Nữ, Xàng Xê, Cổ Bản, Hồ Quãng của bài chòi... Từ đó, tôi mới hiểu và yêu thích bài chòi, mong muốn được nghiên cứu sâu về nghệ thuật bài chòi. Cũng chính vì lẽ đó nên tôi đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ thuyết phục Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL Hoàng Tuấn Anh phê duyệt dự án Phục hồi nghệ thuật bài chòi trên miền Bắc (năm 2010). Từ đây, tôi có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về bài chòi, cũng như tôi đã nghiên cứu học tập hát xẩm. Càng đi sâu, càng tìm hiểu thì càng thấy bài chòi hay. Có lẽ vì thế mà không chỉ người miền Trung mê, người miền Bắc cũng thích bài chòi. Cũng như hát xẩm, lúc đầu tôi cứ nghĩ người miền Nam không thích nghe lối hát này, nhưng thật bất ngờ khi tôi hát lên một câu hát Xẩm thì người Bình Định, người Quảng Nam, Quảng Ngãi đều thích nghe. Rõ ràng nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc ta dù ở miền Bắc hay miền Nam khi những giai điệu đẹp được cất lên thì ai cũng thích nghe và dễ nhớ.

Bài chòi là bộ môn nghệ thuật đặc thù của miền đất Nam Trung bộ, miền đất vô cùng phong phú về văn nghệ dân gian, trong đó có nghệ thuật truyền thống hát bội. Và cũng chính từ cái nôi hát bội này mà hội bài chòi cổ đã được phục hồi. Năm 2012, Bộ VH, TT và DL cũng đồng ý cho NXB Âm nhạc Việt Nam làm đĩa nhạc Bài Chòi do Gs Hoàng Chương làm cố vấn và nhạc sỹ Quang Long - Trưởng ban Biên tập NXB Âm nhạc Việt Nam trực tiếp thực hiện. Trước đó, đầu năm 2011, Bộ VH, TT và DL đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Liên hoan Bài chòi toàn quốc lần thứ I tại TP Quy Nhơn. Như vậy, cơ quan quản lý văn hóa đã chọn đúng cái nôi của bài chòi mà tổ chức những hoạt động quan trọng về loại hình nghệ thuật này, cũng giống như chọn Gia Lai để tổ chức những sự kiện về cồng chiêng Tây Nguyên, chọn Bắc Ninh để tổ chức sự kiện về dân ca quan họ. Mặc dù, quan họ đang tồn tại khắp vùng Kinh Bắc và nghệ thuật cồng chiêng rải khắp không gian Tây Nguyên.

Đọc cuốn Bài chòi và Dân ca Bình Định Bài chòi và Dân ca Liên khu 5 của Gs Hoàng Chương, rồi xem hội đánh bài chòi càng thấy rõ Bình Định chính là cái nôi sinh ra nghệ thuật bài chòi rồi lan tỏa khắp các tỉnh, thành Nam Trung bộ. Đây cũng là nhận định của các nhà nghiên cứu bài chòi trong vòng 60 - 70 năm qua. Dĩ nhiên, các loại hình nghệ thuật dân gian từ gốc đến cành luôn được tiếp biến bởi nền văn nghệ dân gian bản địa. Ví dụ, hát xẩm ở Nam Định, Ninh Bình có khác ít nhiều với hát xẩm ở Hà Nội về giai điệu và nội dung câu xẩm. Bài chòi ở Bình Định cũng khác bài chòi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, từ hình thức tổ chức hội đánh bài chòi đến cách hô hát. Quy luật tiếp biến văn hóa là như vậy nhưng để được UNESCO quan tâm thì phải giữ cho được cái gốc của bài chòi như các nghệ sỹ Nguyễn Kiểm, Nguyễn Đốc, Đinh Thái Sơn biểu diễn. Chính các nghệ nhân dân gian mới giữ được hồn cốt, bản sắc của nghệ thuật bài chòi. Cũng như nghệ thuật hát xẩm hiện nay đang phục hồi, có rất nhiều người trẻ hát xẩm, nhưng có lẽ tiếng hát của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu - người hát xẩm cuối cùng - mới chính là hồn cốt của nghệ thuật xẩm dân gian, mới hát đúng những làn điệu và âm điệu của xẩm.

Thời gian gần đây, tôi nghe hát bài chòi ở một số nơi cũng như qua làn sóng phát thanh, truyền hình thấy không giống như bài chòi xưa ở hội đánh bài chòi Bình Định mà tôi từng được xem. Thiết nghĩ, bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi chính là gìn giữ và phát huy từ cái gốc, cái nôi đã sản sinh ra nó. Hy vọng trong tương lai không xa, bài chòi sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và Bình Định lại là điểm xuất phát để nghệ thuật bài chòi lan tỏa trong đời sống đương đại.

____________

Ngày 10 - 11.9, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi, hướng tới làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhạc sỹ Mai Tuyết Hoa