Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19.4)

Tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc

- Thứ Hai, 19/04/2021, 05:56 - Chia sẻ
"Văn hóa các dân tộc - Hội tụ và phát triển" - chủ đề chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tối 16.4 cũng là mạch nguồn xuyên suốt Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4 hàng năm, nhằm ngợi ca truyền thống lâu đời của dân tộc, từ đó khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa.
		Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tôn vinh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Nguồn dangcongsan.vn
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tôn vinh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Nguồn dangcongsan.vn

Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời tôn vinh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 17.11.2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 19.4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

12 năm qua, bằng nhiều hoạt động, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19.4) đã góp phần tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng 54 dân tộc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân trên mọi miền Tổ quốc. Đây còn là dịp để tuyên truyền, vận động làm cho các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Chuyển biến trong nhận thức và thực tiễn

Ở quy mô quốc gia, không chỉ trong dịp này mà trải dài suốt cả năm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, đã trở thành “ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cũng là nơi giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Với phương châm, để các chủ thể giới thiệu văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, từ cuối năm 2015, Làng đã tổ chức đưa đồng bào về sinh sống. Tính đến nay đã có 16 cộng đồng dân tộc sinh sống, tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng như: Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi... Đồng bào các dân tộc đã tự tin tái hiện đời sống sinh hoạt, giới thiệu không gian văn hóa của dân tộc mình, trình diễn các hoạt động dân ca, dân vũ giao lưu với du khách tham quan. Qua đó góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của các dân tộc; cho thấy sự đa dạng trong chỉnh thể thống nhất của văn hóa Việt Nam.

Tại các địa phương, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức gắn với những hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện thực tế để tạo được hiệu ứng lan tỏa, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ tổ chức các hoạt động phong trào như tôn vinh nghệ nhân dân gian, trình diễn văn hóa nghệ thuật, thi tài thể thao… nhiều địa phương đã triển khai các dự án bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, khôi phục lễ hội truyền thống. Nhờ các dự án như thế, nhiều nét văn hóa tưởng chừng mai một thì nay đã sống lại; đặc biệt là đã tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của Nhân dân.

Văn hóa - tài sản tinh thần, động lực phát triển

Nguồn toquoc.vn
Nguồn toquoc.vn

Di sản văn hóa là tài sản, nguồn lực quan trọng góp phần thực sự vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Hoàng Thị Hoa từng chỉ ra thực tế là, kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc vẫn trong tình trạng bị mai một, thậm chí nhiều truyền thống văn hóa có nguy cơ biến mất, do quan điểm bảo vệ chưa thích hợp; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp còn thiếu, nội dung hoạt động chưa đáp ứng nhu cầu của đồng bào; nhiều di sản văn hóa khó hoặc không thể giữ gìn, phát huy giá trị do không được kế thừa, trao truyền và do sự thu hẹp không gian thực hành…

Vì thế, “rất cần sự nhất quán trong nhận thức và sự đồng bộ trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, phát triển đời sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, như tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa nói.

Phát biểu tại chương trình nghệ thuật "Văn hóa các dân tộc - Hội tụ và phát triển", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm, đó là: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế…". Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn và tin tưởng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc ấy sẽ được khơi dậy từ không gian văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc. Đồng thời, các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc sẽ tiếp tục được quan tâm bảo tồn, trao truyền và phát huy, không chỉ trở thành tài sản tinh thần cho con cháu mà còn là tài nguyên vô tận, là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Hương Linh