Từ hai chữ P và hai chữ C

- Thứ Hai, 06/12/2021, 05:00 - Chia sẻ
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã diễn ra thành công trọn vẹn với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, hơn 20 diễn giả tại hơn 60 điểm cầu trong, ngoài nước và thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Không chỉ thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong hỗ trợ phục hồi kinh tế, Diễn đàn còn là minh chứng sống động cho sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm từ xa với tinh thần chủ động của Quốc hội trước những vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, Quốc hội điện tử đã cung cấp những công cụ tương tác hiệu quả để huy động trí tuệ chuyên gia, nhà khoa học vào công việc của Quốc hội. Hôm qua, các chuyên gia ở Pháp, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ… đã dự họp và góp ý trực tuyến cho Quốc hội mà không cần phải có mặt ở Ba Đình!

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chủ đề của Diễn đàn gồm hai chữ P - “phục hồi” và “phát triển bền vững”. Theo đó, các giải pháp cấp bách trước mắt để hỗ trợ phục hồi kinh tế phải gắn với mục tiêu dài hạn là tăng trưởng bền vững, bảo đảm ổn định vĩ mô; bên cạnh kinh tế phải quan tâm tới vấn đề xã hội, môi trường.

Ngoài hai chữ P, Chủ tịch Quốc hội lưu ý hai chữ C - “chính sách” và “cuộc sống”. Nếu không xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, chính sách sẽ sai lệch; nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào chính sách thì khi ban hành cũng không đi vào cuộc sống được.

Đáp lại “đề bài” Chủ tịch Quốc hội đặt ra, các chuyên gia, các nhà khoa học đã cung cấp cái nhìn tổng thể về tình hình kinh tế trong nước và thế giới, trong đó có những đối tác quan trọng, chiến lược của Việt Nam; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sớm vượt qua khó khăn do đại dịch Covid gây ra. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân phục hồi cả thể chất, tinh thần, năng lực kinh doanh sau cơn “bạo bệnh” và không loại trừ khả năng có thêm những đợt bùng phát mới còn khốc liệt hơn. Thiếu các gói hỗ trợ như vậy, có thể kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra.

Liên quan đến gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, xã hội -  vấn đề dự kiến được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường tới đây, “tiếng nói chung” của các chuyên gia là Việt Nam còn dư địa để triển khai. Trong đó, dư địa chính sách tài khóa rộng hơn chính sách tiền tệ, với thu ngân sách năm nay vẫn tăng so với dự toán, bội chi ngân sách duy trì trong mức cho phép, nợ công thấp so với ngưỡng an toàn và mức trần Quốc hội đã phê chuẩn.

Giữ vai trò chủ đạo, quy mô gói ngân sách hỗ trợ Chương trình tổng thể  phục hồi kinh tế, xã hội có thể nâng lên 5 - 7% GDP, thông qua giảm thuế phí (VAT, thuế bảo vệ môi trường, phí bảo hiểm xã hội); hỗ trợ lãi suất; bảo lãnh vay vốn và ứng trước chi phí (chống dịch, tiền lương…) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Về chính sách tiền tệ, với lạm phát năm nay khả năng dưới 3%, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn... để đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm thêm 0,5 - 1 điểm phần trăm; đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đến ít nhất là hết năm 2022.

“Cuộc đời này không có gì chỉ được mà không mất”, câu nói của một chuyên gia tại Diễn đàn cũng đúng với gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi. Nếu liều lượng không hợp lý, dòng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh thì lạm phát, bong bóng bất động sản, chứng khoán sẽ ập đến. Vì vậy, để có được chữ P - phát triển bền vững, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn và kiểm soát dòng tiền, thúc đẩy giải ngân đầu tư công thông qua cơ chế đặt hàng tư nhân giải ngân… Đặc biệt, chuyên gia lưu ý dư địa lạm phát hiện vẫn còn để chúng ta xoay xở, nhưng nếu không may do tình hình thế giới tác động, lạm phát vọt lên vào giữa năm tới thì rất có thể chúng ta phải siết lại chính sách tiền tệ. Đó sẽ là cú phanh gấp với nền kinh tế và để tránh nó, Quốc hội cần xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong 3 - 5 năm thay vì từng năm như hiện nay.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là một trong rất nhiều sự kiện cho thấy luồng sinh khí mới trong hoạt động của Quốc hội - giàu trí tuệ, đa chiều, sôi động và gắn bó chặt chẽ, mật thiết với đời sống dân sinh. Như vậy, chất lượng các quyết sách sẽ ngày càng tốt hơn; chất lượng hoạt động của Quốc hội ngày càng cao hơn. Chính điều đó thể hiện cao nhất trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội với đất nước và người dân.

Hà Lan