Tự giáo dục - cái gốc của trí tuệ
“Muốn xây dựng con người có tri thức thì quan trọng nhất là việc chính con người tự giáo dục. Nhà trường hay gia đình chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ sự phát triển mỗi cá nhân. Cái gốc của trí tuệ vẫn là do con người tự nhận thức, tự khai sáng và tự lĩnh hội” - Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang - Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ.
Cần xuất phát từ thực tiễn
“Với xu hướng hội nhập hiện nay, đòi hỏi con người phải có tri thức khác biệt và được mọi người ghi nhận. Mỗi cá nhân phải độc lập về tư duy, nền giáo dục phải giúp con người tự nhận thức, tự mình khai thác tất cả năng lực tư duy tạo thành những sản phẩm sáng tạo. Nguyễn Hà Đông với trò chơi flappy bird có thể xem là một biểu hiện cụ thể của sáng tạo trong hội nhập có cạnh tranh”. Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang |
Ở Việt Nam, vấn đề xây dựng con người hiện vẫn mang tính khẩu hiệu và thuần túy lý thuyết. Lý do là những người đóng vai trò hoạch định, xây dựng mô hình con người mới thường tham khảo các mô hình của các nước khác để học hỏi, hoặc tự sáng tạo ra lý thuyết riêng, nhưng khi đi vào thực tiễn thì chưa phù hợp. Một số nước có mô hình hợp lý đã đúc rút các tiêu chí xây dựng con người từ thực tiễn. Nhận thấy cộng đồng này hay nhóm người kia có những biểu hiện chưa đúng đắn, từ đó mới xác định sẽ cải tạo dưới góc độ thế nào và rút ra lý thuyết. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, lý thuyết thường mang tính hàn lâm, chúng ta tham khảo sách vở, nghiên cứu những mô hình tiến bộ của nước khác nhưng khi áp dụng vào thực tế thì bị lệch chuẩn. Tư tưởng chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn, cơ chế để xây dựng con người còn nhiều thiếu sót. Hệ thống lý thuyết đầy đủ nhưng lại đóng băng với thực tiễn... đã khiến cho chúng ta không đạt được những mục tiêu đề ra trong chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Đặc biệt, cái khó trong nghiên cứu cũng như xây dựng con người Việt Nam là quá lệ thuộc vào phương pháp. Nếu như ở một số nước phương Tây, người ta xem phương pháp như là công cụ thì chúng ta không những xem phương pháp là công cụ mà còn coi đó như một biện pháp chỉ huy nhận thức. Từ khi xuất hiện phương pháp hiện thực chủ nghĩa, sau đó là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, chúng ta dường như mới chỉ nghiên cứu thiên về con người giai cấp mà quên đi con người nhân tính.
Đề cao tư duy độc lập
Để xây dựng con người toàn diện hay con người nhân tính thì phải có 2 yếu tố: Xây dựng thể chế giáo dục tri thức lành mạnh theo hướng tiến bộ, tự do; xây dựng văn hóa tinh thần theo xu hướng tìm về các giá trị nhân văn của dân tộc. Con người luôn đóng vai trò là trung tâm của sự phát triển văn hóa, vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa vừa là sản phẩm của văn hóa. Do đó, xây dựng con người thì phải bồi đắp tri thức và văn hóa, vốn được con người truyền cho nhau, từ đời này sang đời khác. Đó có thể là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm ăn, nhận thức xã hội, học tập, thẩm thấu nghệ thuật...
Một quốc gia hay một nền văn hóa muốn xây dựng con người tương đối toàn diện thì cần xuất phát từ nền tảng tri thức. Để có nền tảng tri thức thì nền giáo dục phải nghiêm minh, tự do trong trao đổi, phản biện, không có sự giới hạn hay khoảng cách giữa thầy và trò. Khi người thầy coi học trò như đồng nghiệp, họ sẽ học hỏi và tự hoàn thiện ngay ở chính học trò của mình chứ không chỉ áp đặt kiến thức cho học trò. Người học không chỉ tiếp nhận kiến thức từ thầy mà còn có thể phản biện, từ đó góp phần hình thành thói quen tư duy và phản biện xã hội. Ngoài ra, mỗi cá nhân còn phải biết phản biện ý kiến của chính mình, tức là tự nhận thức. khi chúng ta nhận thức được suy nghĩ của mình là đúng hay sai thì sẽ dẫn đến hành động và lời nói tuân theo sự đúng - sai của tư duy ấy. Từ đó mới hình thành nên con người nhân văn, con người trách nhiệm hay con người sáng tạo.
Nhìn lại giáo dục Việt Nam 20 năm trở lại đây, mặc dù có tình trạng bão hòa về bằng cấp nhưng phải thừa nhận rằng, nền giáo dục của chúng ta đang dần hướng đến xây dựng con người tư duy, học sinh đã bớt phụ thuộc vào những khuôn mẫu trong sách vở và có sự độc lập về nhận thức. Trước đây có tình trạng áp đặt kiến thức, giáo viên được xem như chân lý, còn ngày nay, học sinh, sinh viên sẵn sàng phản biện nếu không đồng tình với quan điểm mà thầy cô giáo đưa ra. Ngay cả việc ra đề thi những năm gần đây cũng đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Tóm lại, con người Việt Nam hiện đại không chỉ cần giữ những phẩm chất chung của dân tộc mà còn phải tự nhận thức, tự rèn luyện và hình thành cho bản thân một khung giáo dục, từ đó mới sáng tạo nên tri thức. Những người làm quản lý giáo dục, văn hóa, phải bớt lý thuyết, nhìn vào thực tiễn của con người để kích thích khả năng của họ; tạo ra cơ chế thoáng trong đó có sự đối thoại, tất cả vì con người và giúp con người thỏa sức sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh.