Tư duy cầu thị!
Bắt đầu bằng những lời như mở lòng, sẵn sàng lắng nghe các ĐBQH chất vấn về thực trạng của ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận giáo dục còn nhiều việc yếu kém khiến dư luận bức xúc, bất bình! Tiếng nói của các ĐBQH trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chính là nỗi niềm của cử tri cả nước, không chấp nhận cách làm chắp vá hiện nay.
Thời gian qua, ngành giáo dục có quá nhiều ý tưởng, đề xuất đổi mới không đi vào cuộc sống. Có ý tưởng vừa hé ra đã bị phản bác. Chạy đua đổi mới thi cử đại học liệu đã trúng đích chưa trong khi người dân cần dạy thật và học thật? Nhìn rõ chất lượng giáo dục đang chạy sau các nước thì phải tính dạy và học thế nào để đẩy chất lượng lên? Cái gốc của dạy và học là phải đổi mới, cải cách ngay từ mầm non, tiểu học thì lại không được quan tâm trong khi cứ nhắm vào cái ngọn là thi cử đại học.
Các ĐBQH chỉ thẳng: Phải nâng niu, đầu tư cho giáo dục mầm non, nhưng thực tế, cấp học này đang là vấn đề nóng. Hơn 15.000 cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước liệu đã đủ chỗ cho các cháu chưa? Biết bao cặp vợ chồng trẻ ở các khu công nghiệp đang loay hoay từng ngày tìm chỗ gửi con? Tuổi thơ là thời điểm các cháu phát triển não bộ để hình thành tố chất một con người khi trưởng thành. Nhưng ngay từ nhỏ, các cháu đã phải sống trong môi trường mà sự tử tế, ân cần đang được đo đếm bằng tiền, liệu có nên? Cần hiểu: Khi trẻ vào mẫu giáo cho đến lúc ngồi trên giảng đường đại học mà cách dạy dỗ đuổi theo giá trị đồng tiền, thì đấy là “cái họa” lớn của tương lai.
Để tình trạng bạo hành trẻ “tư lệnh” ngành giáo dục nghĩ gì? Để không ít bà mẹ trẻ khóc thương con chỉ vì không đủ tiền, phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc thì chiến lược của ngành giáo dục đã trúng thực tiễn chưa? Không chuẩn bị kịp cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nên không lường hết tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu cô, giải thích như vậy sao nghe lọt tai? Quyền được đến lớp, đến trường của trẻ em, chả lẽ người đứng đầu ngành giáo dục chưa thấu? Nói giáo dục là quốc sách thì mầm non phải được đặt ở vị trí hàng đầu của quốc sách!
Đừng nói đầu tư cho giáo dục còn ít, khi 20% ngân sách được dành cho lĩnh vực này. Đừng biện minh khó khăn, yếu kém do khách quan, mà không nhìn thẳng vào yếu kém từ điều hành vĩ mô. Không thể quên những dự án, đề án với khoản ngân sách từ vài trăm tỷ đồng cho đến cả nghìn tỷ đồng... giờ vẫn chả đâu vào đâu.
Nhìn về quá trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học, cử tri chỉ thẳng: Bộ mới chỉ như ban phát quyền “tự chủ nửa vời”, chỉ làm khó thêm cho các cơ sở giáo dục đại học! Tư duy đổi mới giáo dục đại học nói rất hay, tự khen là “đột phá”, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học nghĩ gì khi hàng năm các gia đình Việt Nam chi tới 3 - 4 tỷ USD cho con cái đi du học? Nhiều liên kết đào tạo với nước ngoài được mở ra, nhưng xuất hiện không ít cơ sở “ma”. Từ những chuyện như vậy, ngành giáo dục nói gì? Phải nhìn rõ, đất nước hiếu học, rất nhiều thầy cô dành cả đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Nhưng đã lộ ra tình trạng coi giáo dục là nơi kinh doanh, mở trường vì mơ lợi nhuận lớn nên không ít nhà giáo đánh mất mình.
Chất lượng cử nhân và thực chất đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng là những vấn đề nổi cộm. Bảo hơn 200.000 cử nhân không có việc làm là không đáng lo, nghe quá lạ! Rõ ràng đào tạo cử nhân mới chỉ ở vòng ngoài của thực tiễn. Nhiều nhà tuyển dụng và doanh nghiệp “lắc đầu” với các cử nhân vì không đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Tình trạng chạy điểm, chạy học phần, chứng chỉ đang làm cho giáo dục đại học ngày càng yếu kém và méo mó trong con mắt của xã hội, “tư lệnh” ngành giáo dục nghĩ gì về trách nhiệm của người đứng đầu?
Người đứng đầu ngành giáo dục từng khẳng định “đang nghe, vẫn nghe” dư luận. Nhưng cử tri cả nước lại cần cái văn hóa “biết nghe”! Chỉ có biết nghe, mới biết phải làm gì để mở lối ra cho bức tranh giáo dục hiện nay. Chỉ soi thẳng vào những yếu kém với tư duy cầu thị thực sự, người đứng đầu ngành giáo dục mới có cách nhìn mới hơn, rõ hơn về tồn tại, hạn chế của giáo dục hiện nay để từ đó tìm ra những hướng đi, quyết sách cho tương lai của giáo dục nước nhà.