Từ Đường Cách mệnh đến Tuyên ngôn Độc lập
Chiều mồng 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố trước nửa triệu nhân dân và phái bộ Đồng Minh, sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Tuyên ngôn Độc lập là kết quả tất yếu của con đường cách mệnh đã được Nguyễn Ái Quốc mở ra từ lớp huấn luyện tại Quảng Châu 18 năm trước đó.
Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Trung Quốc, xúc tiến công cuộc giải phóng dân tộc. Tại đây, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp huấn luyện chính trị, ra báo Thanh niên, truyền giảng cho đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên của Việt Nam những nội dung cơ bản của học thuyết Marx - Lenin, chuẩn bị cho sự ra đời một chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam. Năm 1927, những bài giảng của Người được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hợp các dân tộc bị áp bức in thành tập bài giảng mang tên: Đường Cách mệnh.
“Vũ khí tư tưởng” của thời đại
Đường Cách mệnh được viết một cách mộc mạc, đơn giản, ngắn gọn nhưng nội dung phong phú, hàm chứa những tư tưởng lớn mang tính quốc gia và quốc tế vĩ đại của Hồ Chí Minh.
Đường Cách mệnh đề cập trước tiên vấn đề tư cách người cách mạng, với một hệ tiêu chuẩn gồm 3 bộ phận cấu thành (với mình, với người, với công việc). Với 23 điều răn, Người chỉ rõ: Tự mình phải cần, kiệm, vị công vong tư, hy sinh, ít lòng ham muốn về vật chất… Đối với từng người thì phải khoan thứ, với đoàn thể thì phải nghiêm, có lòng bày vẽ cho người… làm việc phải dũng cảm quyết đoán, nhưng không phiêu lưu, mạo hiểm, phải phục tùng đoàn thể… thể hiện một quan niệm mới về nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng, về ý thức và phương pháp tư tưởng của giai cấp công nhân.
![]() |
Đường Cách mệnh xác định rõ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khẳng định con đường cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn, đó là dân tộc cách mệnh (quốc gia) và cách mạng xã hội chủ nghĩa (quốc tế). Đường Cách mệnh trình bày một cách khái quát những quan điểm cốt lõi của chủ nghĩa Marx - Lenin về con đường cách mạng Việt Nam, con đường: Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội, nhưng trước hết phải tập trung vào nhiệm vụ “dân tộc cách mệnh”, giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình, để chuẩn bị những tiền đề cho cuộc cách mạng thứ hai (thế giới cách mệnh) về chính trị, tổ chức, kinh tế, văn hóa. Đối tượng của “dân tộc cách mệnh” là đánh đổ chính quyền thuộc địa Pháp. Chủ thể là toàn dân tộc, lấy quần chúng công nông làm nền tảng. Thông qua việc đánh giá cao sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước truyền thống và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Đường Cách mệnh chỉ ra: “Công nông là người chủ cách mệnh”, còn học trò, nhà buôn nhỏ “chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”.
“Đảng có vững, cách mệnh mới thành công”
Hồ Chí Minh coi việc giáo dục đạo đức cách mạng là một trong những nguyên tắc cơ bản, nhằm xây dựng những con người cách mạng chân chính, để tiến tới xây dựng một Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam. Có thể nói, việc lấy tiêu chuẩn đạo đức làm một trong hai tiêu chuẩn (đức và tài) của người cán bộ cách mạng, người đảng viên cộng sản, ngay từ khi chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sáng tạo độc đáo, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh. |
Đường Cách mệnh nhấn mạnh vai trò quan trọng hàng đầu của Đảng - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và việc lựa chọn mô hình nhà nước trong tương lai. Nhận thức sâu sắc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước, Hồ Chí Minh đã luận giải về bản chất của thời đại mới, về nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, về vai trò của những nhân tố bảo đảm cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo quỹ đạo của cách mạng vô sản đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong Đường Cách mệnh nêu rõ: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lenin”.
Cùng với những định hướng cụ thể về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, lực lượng và tổ chức tiền phong lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, Đường Cách mệnh cũng đồng thời nêu lên mô hình nhà nước trong tương lai khi cách mạng thành công. Mặc dù đồng ý với tư tưởng dân chủ tiến bộ mà cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp đã tuyên bố trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791, nhưng theo Hồ Chí Minh: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi”, nên: Muốn dân tộc được độc lập, muốn nhân dân lao động khỏi thân phận người nô lệ, thì phải làm cách mạng một cách triệt để, không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, không thể thiết lập mô hình nhà nước cộng hòa tư sản, nơi chính quyền chủ yếu thuộc về giai cấp hữu sản. Người đã viết: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.
Khởi nguồn cho Tuyên ngôn Độc lập
18 năm sau khi Đường Cách mệnh ra đời, chiều mồng 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố trước nửa triệu nhân dân và phái bộ Đồng Minh, sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuyên ngôn Độc lập là kết quả tất yếu của con đường cách mệnh đã được Nguyễn Ái Quốc mở ra từ lớp huấn luyện Quảng Châu.
Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam; khẳng định nhân dân Việt Nam “có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” bình đẳng như các dân tộc khác; tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xác lập chính thể Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh cũng thay mặt nhân dân Việt Nam thề kiên quyết bảo vệ nền độc lập: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Do điều kiện lịch sử khi đó, Tuyên ngôn độc lập không thể công khai mục tiêu xã hội chủ nghĩa, cũng như vai trò lãnh đạo nhà nước của Đảng Cộng sản Đông Dương, song những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời công bố trước quốc dân và phái bộ quốc tế, đều chỉ rõ cội nguồn được bắt đầu từ Đường Cách mệnh.
_______________
* Các trích dẫn trong bài từ Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 2011.