Từ đôi tay mộc mạc đến lá cờ thiêng liêng
Làng Từ Vân từ lâu đã được biết đến là một trong những địa phương có truyền thống làm nghề thêu cờ ở huyện Thường Tín (Hà Nội). Thế nhưng, trước bối cảnh nghề truyền thống bị mai một, không còn kiếm đủ thu nhập cho gia đình nên số lượng người bám trụ được với nghề khá hiếm hoi.
Chị Vương Thị Nhung (50 tuổi, Thường Tín) là một trong những người còn giữ nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho một số người trong làng. Gia đình có truyền thống làm cờ Tổ quốc nên ngay từ nhỏ chị đã được dạy nghề, được làm từ những việc nhỏ nhất.
Năm 14 tuổi, chị Nhung được học thêu cờ rồi bén duyên với nghề. Từ đó đến nay, suốt hơn 30 năm, chị vẫn cần mẫn bên khung vải, từng đường kim mũi chỉ như chắt chiu tất cả sự tự hào về đất nước, về quốc kỳ Việt Nam.
Không giống như các sản phẩm thêu mang tính trang trí hay tín ngưỡng, lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng thiêng liêng của quốc gia, do đó quy trình làm ra một lá cờ đạt chuẩn đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trong từng chi tiết – từ kích thước, tỉ lệ ngôi sao đến sắc độ màu vải. Chính vì vậy, số người theo nghề thêu cờ không nhiều, và số người gắn bó lâu dài lại càng hiếm.

Mỗi lá cờ Tổ quốc được chị Nhung làm ra đều trải qua một quy trình cẩn thận. Vải được chọn kỹ từ màu sắc đến độ bền, rồi cắt theo kích thước chuẩn. Sau đó, cẩn thận xác định vị trí ngôi sao vàng nằm chính giữa, từng mũi kim được thêu tay tỉ mỉ, đều đặn để ngôi sao nổi bật, sắc nét mà vẫn mềm mại. Khi hoàn thành, cờ được là phẳng, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi giao cho khách – như một sự tôn trọng với chính biểu tượng thiêng liêng của đất nước.




Bên cạnh việc thêu cờ hiện nay cờ in được ưa chuộng hơn. Dù vậy, cờ thêu hay cờ in thì cũng có một nét đẹp riêng, mỗi loại mang một giá trị đặc trưng. Cờ thêu nổi bật với sự tinh xảo và độ bền lâu dài, thường được sử dụng trong các dịp trang trọng. Trong khi đó, cờ in lại phù hợp với các sự kiện lớn, nhờ vào khả năng sản xuất nhanh chóng và chi phí hợp lý, đồng thời vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và độ sắc nét.





Cờ thêu giờ đây không còn được ưa chuộng nhiều như ngày trước và cũng không còn nhiều người trẻ muốn theo nghề.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nhung cho biết: “Giờ ở đây ít người trẻ muốn theo nghề, tôi đang cố gắng truyền lại nghề cho con với mong muốn sẽ giữ được nghề cũng như giữ được nét truyền thống ở làng Từ Vân”.
Xã hội phát triển, máy móc hiện đại khiến cờ in được ưa chuộng hơn vì giá cả phải chăng cũng như thời gian làm nhanh hơn. Thế nhưng, những lá cờ thêu tay vẫn là một nét đặc biệt riêng, là công sức, sự tỉ mỉ của những người thợ thêu và là biểu tượng của làng Từ Vân. Trong số những lá cờ thêu tay đó, có những lá cờ vinh dự được treo tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.