Quốc tế

Tự do và chủ động

Quốc Đạt 10/05/2025 07:24

Những gì Indonesia thể hiện thời gian qua đã cho thấy chính sách hiệu quả của nước này trong cân bằng quan hệ an ninh với Hoa Kỳ và quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khi củng cố vị thế ở các tổ chức đa phương. Kết quả đó nhờ sự nhất quán trong chính sách đối ngoại của Indonesia với học thuyết “Bebas dan Aktif” hay “Tự do và Chủ động”.

Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực tế

Trong suốt tháng 4 và tháng 5/2025, một nhóm đàm phán từ Indonesia đã có mặt tại Washington để thảo luận về mối quan hệ thương mại giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới và một nền kinh tế khác, được dự báo sẽ lọt vào Top 5 thế giới trong vòng một thế hệ.

Quốc gia Đông Nam Á này nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mức thuế quan toàn diện mà Tổng thống Donald Trump công bố vào ngày 2/4/2025, với mức thuế đề xuất là 32% đối với hàng xuất khẩu của nước này sang Mỹ. Mặc dù hiện tại, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tạm dừng trong 90 ngày đối với bất kỳ mức thuế bổ sung nào vượt quá mức tối thiểu mới 10%.

file-20250502-62-958461.jpg
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tham gia một cuộc hội thảo tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 11/4/2025. Ảnh: Ahmet Serdar Eser/Anadolu/Getty Images

Cho đến nay, Indonesia, quốc gia có thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là Hoa Kỳ, đã thể hiện thiện chí đàm phán thay vì đáp trả bằng các biện pháp đối phó. Nước này thậm chí sẵn sàng nới lỏng các chính sách bảo hộ nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước như một sự nhượng bộ. “Những người biết tôi từ lâu sẽ hiểu tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc… nhưng chúng ta phải thực tế”, Tổng thống Prabowo Subianto cho biết.

Hoa Kỳ giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm trí Tổng thống Subianto. Khi còn là một người lính trẻ, Subianto đã dành thời gian tại các căn cứ quân sự ở Hoa Kỳ, nơi ông trải qua khóa huấn luyện lực lượng đặc biệt và chống khủng bố.

Washington là điểm đến thăm chính thức thứ hai của ông với tư cách là Tổng thống vào tháng 11/2024. Trong chuyến thăm, Tổng thống Subianto đã gặp người đồng cấp Joe Biden để thảo luận về quan hệ song phương Indonesia - Hoa Kỳ, các vấn đề an ninh khu vực và nhiều vấn đề toàn cầu khác. Ông Subianto cũng đã có cuộc điện đàm ngắn với Tổng thống đắc cử Donald Trump để chúc mừng ông về chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2024.

Mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump có thể đóng vai trò quan trọng vào thời điểm này, đặc biệt là khi xét đến lợi ích của mối quan hệ thương mại song phương. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia, sau Trung Quốc. Giá trị thương mại giữa hai bên đạt khoảng 38,3 tỷ USD vào năm 2024, trong đó Indonesia xuất khẩu 28,1 tỷ USD và nhập khẩu 10,2 tỷ USD.

Để tránh mức thuế quan 32%, một phái đoàn thương mại Indonesia đã đàm phán với các quan chức chính quyền Trump, thể hiện ý định mua thêm hàng hóa của Mỹ, nhượng bộ thương mại và thậm chí hạ thấp yêu cầu về hàm lượng nội địa đối với hàng hóa do Indonesia sản xuất để cho phép nhập khẩu nhiều linh kiện do Mỹ sản xuất hơn.

Tất nhiên, vẫn còn những bất đồng đang diễn ra giữa Indonesia và Hoa Kỳ - không chỉ trong vấn đề thương mại đang diễn ra mà còn những lĩnh vực khác, bao gồm cả cuộc chiến tranh Israel-Hamas. Indonesia, quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, là nước ủng hộ mạnh mẽ quyền của người Palestine và chỉ trích gay gắt chính sách của Israel. Tuy nhiên, ngay cả trong vấn đề này, Tổng thống Subianto dường như vẫn cởi mở với chủ nghĩa thực dụng, với các báo cáo cho biết chính phủ Indonesia đang ủng hộ ý tưởng bình thường hóa quan hệ với Israel nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập OECD.

Không chỉ Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng là một trong hai mối quan hệ quan trọng, được ưu tiên đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Indonesia.

Trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, Trung Quốc là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Subianto. Chuyến thăm đã dẫn đến các thỏa thuận giữa Trung Quốc và Indonesia trị giá lên tới 10 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào năng lượng xanh và công nghệ.

Dân số đông đảo của Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu rộng lớn cho hàng hóa của Indonesia. Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Indonesia. Trong chuyến công du Trung Quốc vào năm ngoái, hai bên đã có những tuyên bố quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế và an ninh. Tiến trình này có thể sẽ diễn ra nhanh hơn do thuế quan của Chính quyền Donald Trump, khi Jakarta tìm cách bù đắp chi phí thương mại ngày càng tăng từ Mỹ.

“Một nghìn bạn bè, không có kẻ thù”

Kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Hà Lan cách đây gần 80 năm, chính sách đối ngoại của Indonesia đã gắn liền với học thuyết “Bebas dan Aktif” hay “Tự do và Chủ động”.

Được khởi xướng bởi Tổng thống đầu tiên của đất nước Sukarno vào thời điểm bắt đầu Chiến tranh Lạnh, chính sách này nhằm mục đích giữ Indonesia vị thế trung lập, không liên kết với bất kỳ khối quyền lực nào.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2024, Tổng thống Subianto đã cam kết thực hiện cái gọi là triết lý chính sách đối ngoại “một nghìn bạn bè, không có kẻ thù”. Cách tiếp cận đó xuất phát từ hai cân nhắc chính. Đầu tiên, ông tìm cách đảm bảo các thỏa thuận kinh tế sẽ giúp thực hiện lời hứa tăng trưởng kinh tế 8%. Thứ hai, ông đặt mục tiêu tăng cường hợp tác an ninh và mua sắm quốc phòng để củng cố vị thế quân sự của Indonesia.

ASEAN trong vòng tròn đồng tâm đối ngoại

Là một phần trong tầm nhìn của mình, Subianto đã cố gắng định hình lại một số cân nhắc từ lâu đã định hướng cho chiến lược chính sách đối ngoại của Jakarta.

Trong nhiều thập kỷ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đóng vai trò là vùng đệm an ninh tập thể của Indonesia, hình thành nên một thành phần quan trọng trong quan điểm chính sách đối ngoại “Mandala” hay "các vòng tròn đồng tâm" đối ngoại của nước này.

Tuy nhiên, chính quyền hiện tại cho đến nay vẫn tỏ ra thờ ơ với việc sử dụng tổ chức khu vực này như một cơ chế thể hiện quyền lực. Điều nà điều này được thể hiện qua việc Indonesia không tham gia các cuộc tham vấn không chính thức của ASEAN về Myanmar đang xảy ra xung đột vào tháng 12/2024.

Hướng tới chủ nghĩa toàn cầu

Đây là một trong số nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Subianto đang cố gắng chuyển đổi vai trò của Indonesia từ một quốc gia khu vực thành một quốc gia toàn cầu năng động.

Một bước phát triển quan trọng trong cách tiếp cận quyết đoán này là sự kiện Indonesia gia nhập nhóm các quốc gia BRICS vào tháng 1/2025, đánh dấu quốc gia Đông Nam Á đầu tiên được kết nạp.

Trong nỗ lực tiếp theo nhằm thúc đẩy chính sách đa phương, Indonesia đã khởi xướng kế hoạch theo đuổi tư cách thành viên của hai nhóm kinh tế xuyên quốc gia là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong những ngày sắp tới, Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump là thử thách đối với ông Subianto, một người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu có thế giới quan được hình thành từ nhiều thập kỷ kinh nghiệm quân sự. Ông nhìn nhận Indonesia và vị thế của nước này trong thế giới rộng lớn hơn thông qua lăng kính của chính trị quyền lực thực tế - muốn đảm bảo Indonesia sở hữu đủ sức mạnh quân sự cứng rắn và hiệu suất kinh tế mạnh mẽ. Bằng cách thúc đẩy cả hai, ông Subianto hy vọng sẽ đảm bảo rằng Indonesia có thể giữ vững quyền tự chủ, không để bị ảnh hưởng từ các thế lực bên ngoài trong khi có thể tránh được thái độ bất mãn trong nước do kinh tế bất ổn.

Cùng với chính sách đối ngoại duy trì và cân bằng quan hệ song phương mạnh mẽ và tích cực với cả Trung Quốc và Mỹ, Indonesia đang khẳng định vị thế của mình trong nhiều tổ chức đa phương. Phần lớn lý do thúc đẩy chủ nghĩa đa phương của Indonesia bắt nguồn từ thế giới quan của ông Subianto có thể tóm tắt ngắn gọn như sau: "Nếu bạn không là người ngồi tại bàn ăn, bạn có thể trở thành món ăn".

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tự do và chủ động
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO