Từ cuộc bầu cử, thấy sự sàng lọc dân chủ và thẳng thắn của cử tri

Bình Nguyên 08/04/2011 07:36

Hội đồng bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vừa tiến hành Phiên họp thứ Ba. Theo đánh giá của Hội đồng bầu cử, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử đã được các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương triển khai khẩn trương, nghiêm túc, nhịp nhàng, dân chủ và đúng pháp luật.

Từ sau Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Hội đồng bầu cử và UBTVQH đã ban hành 40 văn bản hướng dẫn các địa phương các công tác chuẩn bị cho bầu cử. Các địa phương cũng đã kịp thời ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử; thành lập Ban chỉ đạo bầu cử. Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử, UBTVQH, MTTQ và Chính phủ về công tác bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ chủ chốt của tỉnh. Qua đó, quán triệt mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; dự báo cả những thuận lợi, khó khăn có thể phát sinh để chủ động ứng phó. Nhiều địa phương đã tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản liên quan đến nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ cấp huyện, cấp xã, cán bộ ở các thôn, xóm, tổ dân phố.

Theo ghi nhận của Hội đồng bầu cử và UBTVQH thì công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã được chủ động triển khai thực hiện sớm, có kế hoạch cụ thể và chuẩn bị các phương án, các biện pháp phòng ngừa. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc bầu cử cũng đã được các địa phương quan tâm và tiến hành chu đáo. Hiện, các địa phương đã chuẩn bị điểm bầu cử, in ấn các tài liệu nghiên cứu phục vụ bầu cử, in hồ sơ ứng cử, in thẻ cử tri và danh sách cử tri, khắc dấu, đóng hòm phiếu, mở các lớp tập huấn về việc lập danh sách cử tri, niêm yết danh sách, viết, cấp phát thẻ cử tri cho cán bộ phục vụ bầu cử từ tỉnh đến xã. Một số địa phương cũng đã rà soát các cơ sở vật chất cũ còn sử dụng được để tận dụng cho cuộc bầu cử lần này như hòm phiếu, con dấu của Tổ bầu cử và con dấu đã bỏ phiếu, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí. Tiểu ban chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền phục vụ bầu cử cũng cho biết, công tác thông tin tuyên truyền bầu cử đã được các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện với hình thức khá đa dạng, phong phú, đi vào chiều sâu, thu hút và làm cho người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của cuộc bầu cử lần này.

Đợt I của cuộc bầu cử, Hội đồng bầu cử và UBTVQH đã tổ chức 10 Đoàn giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các nội dung: thành lập Ủy ban bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã, thành lập Ban bầu cử phụ trách bầu cử ĐBQH và Ban bầu cử phụ trách bầu cử đại biểu HĐND; tình hình và kết quả giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH và ứng cử đại biểu HĐND các cấp; việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác để nhận xét và lấy phiếu tín nhiệm đối với người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND; việc triển khai công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử ở địa phương... Kết quả giám sát cho thấy, các địa phương đều đã bảo đảm  dân chủ, thẳng thắn, cởi mở trong quá trình hiệp thương, thống nhất cao về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, số lượng người được giới thiệu ra ứng cử đã bảo đảm đúng cơ cấu, thành phần theo dự kiến của UBTVQH và Thường trực HĐND tỉnh. Các địa phương cũng đã tích cực chuẩn bị cơ cấu đại biểu nữ, đại biểu trẻ và đại biểu là người ngoài Đảng. Số lượng người ứng cử ĐBQH và ứng cử đại biểu HĐND các cấp bảo đảm nhiều hơn số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH Khóa XIII. Theo đó, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ở cả Trung ương và địa phương là 1.086 người, gồm 183 người ở Trung ương và 903 người ở địa phương; trong số này có 83 người tự ứng cử. Đáng chú ý là trình độ học vấn của người ứng cử ĐBQH Khóa XIII khá cao, có đến 386 người có trình độ trên đại học, đạt tỷ lệ 35,54%; 648 người có trình độ đại học, đạt tỷ lệ 59,66%. Điều này cho thấy, chất lượng, trình độ của người ứng cử vào cơ quan dân cử ngày càng cao.

Hiện nay, các cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH. Các địa phương cũng đang tiến hành bước bốn của quy trình hiệp thương lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu HĐND. Chậm nhất là ngày 10.4 tới, các địa phương sẽ hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu HĐND.

Thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử không còn nhiều. Với đặc thù là lần đầu tiên tổ chức bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày, khối lượng công việc chuẩn bị cho giai đoạn II của cuộc bầu cử còn rất lớn, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức tham gia chuẩn bị và phục vụ cuộc bầu cử cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt các bước tiếp theo để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, lựa chọn được những người có đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân địa phương và nhân dân cả nước trong cơ quan quyền lực nhà nước.

Có một điều không nằm trong những con số, những báo cáo của các địa phương, các Tiểu ban chỉ đạo bầu cử nhưng có thể cảm nhận rất rõ, đó là cơ quan quyền lực nhà nước ngày càng có sức hút mạnh mẽ với người dân. Sức hút ấy khiến cử tri ngày càng ý thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn những người có đủ đức tài vào cơ quan quyền lực nhà nước tối cao và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Sức hút ấy khiến cử tri thẳng thắn từ chối, không  tín nhiệm những người ứng cử mà không chứng minh được mình có đủ trình độ, bản lĩnh và tâm tài của người đại diện cho dân ngay trong cuộc sát hạch đầu tiên – hội nghị lấy ý kiến cử tri về người ứng cử. Rất nhiều người đã không vượt qua được cửa ải này của cử tri để có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử.

Từ sự sàng lọc dân chủ, thẳng thắn, thậm chí là khắt khe của cử tri đối với người ứng cử ngay từ vòng sát hạch đầu tiên, có thể khẳng định rằng, người dân sẽ lựa chọn chính xác những người thực sự gánh vác được sứ mệnh của người đại diện trong ngày 22.5 tới. Cơ quan quyền lực nhà nước sẽ lại có thêm một nhiệm kỳ thăng hoa bắt đầu từ sự lựa chọn chính xác đó của nhân dân...

Từ cuộc bầu cử, thấy sự sàng lọc dân chủ và thẳng thắn của cử tri ảnh 1
Nguồn: uyme.vn

Người dân đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử

Công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử ở cả Trung ương và địa phương bước đầu được triển khai có hiệu quả. Nhân dân đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Các cấp, các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về bầu cử, sớm tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn bầu cử rộng rãi; soạn thảo, in ấn và giới thiệu các tài liệu liên quan đến bầu cử như Hiến pháp, các luật về bầu cử, Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức HĐND và UBND; phác thảo, in, kẻ vẽ panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động cho ngày bầu cử. Đài phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương đều dành thời lượng phát sóng thường xuyên chuyên mục về bầu cử nhằm tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử, về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử. Các báo in, báo điện tử cũng có chuyên mục đưa tin về công tác chuẩn bị bầu cử; phổ biến, tuyên truyền các nội dung liên quan đến bầu cử, kết hợp tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ KT-XH. Ủy ban bầu cử của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã theo dõi sát sao thông tin trên các tờ báo điện tử trong và ngoài nước phản ánh dư luận xã hội về cuộc bầu cử.

Một số địa phương đã có sự sáng tạo, chủ động trong công tác tuyên truyền về bầu cử. Sơn La đã phiên dịch, thu thanh, in sao băng đĩa bài tuyên truyền và tài liệu hỏi đáp về bầu cử thành 3 thứ tiếng Mông, Thái, Kinh và phát hành đến tận cơ sở. Ninh Bình lấy nguồn tăng thu ngân sách của địa phương để bổ sung cho công tác tuyên truyền. Hà Nam lồng ghép công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử với tuyên truyền về tình hình phát triển KT-XH, văn hóa, xã hội của đất nước và địa phương...

Những việc cần tiếp tục thực hiện

Từ nay đến hết tháng 4.2011, theo tiến độ thời gian quy định của Luật bầu cử, UBTVQH và Hội đồng bầu cử chỉ đạo thực hiện các công việc chủ yếu sau:

Chỉ đạo việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử ĐBQH Khóa XIII và người ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ Ba, lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Chỉ đạo việc thành lập Ban Bầu cử đại biểu HĐND các cấp và các Tổ bầu cử. Chỉ đạo việc niêm yết danh sách cử tri đúng thời hạn. Triển khai công tác giám sát, kiểm tra bầu cử đợt 2 và chỉ đạo việc lập và công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp

Theo Hội đồng bầu cử

    Nổi bật
        Mới nhất
        Từ cuộc bầu cử, thấy sự sàng lọc dân chủ và thẳng thắn của cử tri
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO