ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

Tự coi mình chỉ là thừa hành thì rất khó

- Thứ Bảy, 02/04/2016, 07:47 - Chia sẻ
Cán bộ là gốc của mọi công việc. Nhưng tiêu chí đánh giá cán bộ hiện nay rất mơ hồ. Chính sự mơ hồ đó tạo kẽ hở cho tiêu cực, cho tham nhũng… Vẫn biết, chất lượng cán bộ không phải là câu chuyện riêng của ngành nội vụ nhưng, theo ĐBQH DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai) nếu tư lệnh ngành không năng động, chủ động kiến nghị giải pháp trên cơ sở khoa học và thực tiễn, nếu cứ loanh quanh với tư duy tự cho mình chỉ là cơ quan thừa hành thì những yếu kém hiện nay sẽ không khắc phục được.

Về logic hình thức thì quy trình đánh giá cán bộ rất chặt chẽ

- Theo quy định, Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương… Quản lý cán bộ cũng có thể hiểu là Bộ này đang quản chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả bộ máy hành chính nhà nước, thưa ông?


Ảnh: Vũ Quang
Chúng ta đang tạo ra một xã hội quá lụy vào bằng cấp mà thực tế, bằng cấp cũng chưa phải là yếu tố đủ để nói lên năng lực, trí tuệ thực sự của một con người. Tại sao cả xã hội phát hiện ra việc ấy, ngành nội vụ phát hiện ra việc ấy mà không làm gì cả? Vì có khi, Bộ Nội vụ cũng xác lập quyền lực của mình trên chính những hệ thống giá trị ấy để mang lại lợi ích cho mình thì sao? 

- Tôi chia sẻ với khó khăn và trách nhiệm mà Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình phải gánh vác. Ai cũng biết cơ chế, thể chế là quan trọng. Nhưng cơ chế, thể chế nào thì cuối cùng vẫn là con người. Mỗi người lại có năng lực, động lực, phong cách và cả những giá trị tư tưởng, đạo đức riêng. Bộ Nội vụ đã cho thấy những yếu tố không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Đương nhiên, với vai trò là tư lệnh ngành, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, làm thế nào để bộ máy nhà nước vận hành tích cực, có hiệu quả thì không chỉ là việc riêng của ngành nội vụ. Lĩnh vực quản lý của Bộ Nội vụ rất khó vì dù được gọi là nội vụ nhưng việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ này lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Ví dụ, vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm nhất hiện nay và cũng bị coi là trì trệ nhất hiện nay là biên chế. Một mặt thì Đảng đưa ra chủ trương, đường hướng mới, QH ban hành các luật mới, Chính phủ hình thành các tổ chức mới. Bộ Nội vụ phải có trách nhiệm đáp ứng tất cả các yêu cầu đó. Nhưng một mặt, lại phải thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Để thực hiện được cả 2 yêu cầu này là rất khó.

- Như ông nói, cơ chế, thể chế nào thì cuối cùng vẫn là con người. Phiên họp đầu tuần này của QH về tổng kết nhiệm kỳ QH, Chính phủ, nhiều ĐBQH cũng đã chỉ rõ, những nỗ lực lập pháp, đàm phán hợp tác quốc tế có thể bị vô hiệu hóa bởi một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực…

- Câu chuyện đó thì mênh mông lắm. Nguyên nhân thì theo tôi, trước hết là ở chế độ lương bổng. Nếu chúng ta còn duy trì chế độ lương bổng như hiện nay thì không có tiêu cực trong cán bộ mới là lạ. Tại sao vỉa hè bị chiếm dụng? Tại sao phép tắc quản lý xây dựng không được chấp hành nghiêm minh? Vì đó là nguồn thu, kể cả thu cho công quỹ và thu cho cá nhân. Chúng ta phải nhìn cái gốc đó chứ đừng nên lý tưởng hóa, chỉ nhìn cái ngọn. Trong khi đó, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ thì rất mơ hồ. Tất nhiên, mơ hồ thì sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực, sẽ lẩn khuất các yếu tố không minh bạch khác.

- Nhưng ngành nội vụ cũng đã ban hành một quy trình đánh giá cán bộ khá chặt chẽ, thưa ông?

- Đúng là đã có một quy trình đánh giá cán bộ. Nếu nhìn vào logic hình thức của quy trình này thì phải nói là rất chặt chẽ, phải có ý kiến của cấp này, cấp kia rồi ý kiến của quần chúng… Nhưng quy trình ấy vận hành trên thực tế có chặt chẽ không, có minh bạch không hay việc quyết định thực chất chỉ nằm ở một số khâu nào đó thôi còn những khâu khác chỉ là hình thức, trang điểm, biện minh cho kết quả cuối cùng? Tôi nghĩ cũng phải xem xét lại chuyện này vì quy trình hiện nay đang phụ thuộc vào người lãnh đạo, kể cả không khí dân chủ ở một số nơi, cũng là bỏ phiếu đấy, phiếu kín hẳn hoi nhưng chưa chắc lá phiếu ấy đã phản ánh đúng ý nguyện của người bỏ phiếu.

Phải cụ thể hóa tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ

- Như ông nói, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành nội vụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng rõ ràng, vai trò chủ động vẫn phải là Bộ Nội vụ, vẫn phải là tư lệnh ngành nội vụ?

- Để khắc phục những tồn tại, yếu kém hiện nay trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không phải là việc trong tầm tay của Bộ Nội vụ mà còn ở vấn đề thể chế. Ngành nội vụ phải tập trung hơn nữa vào việc nghiên cứu và chủ động đề xuất với Trung ương, với QH và Chính phủ các kiến nghị trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Nếu ngành nội vụ, tư lệnh ngành nội vụ không năng động, chủ động trong vấn đề này, tự xác định vị thế, vai trò của mình chỉ là cơ quan thừa hành, thực hiện các yêu cầu, chủ trương của cấp trên thì những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ hiện nay sẽ vẫn cứ luẩn quẩn như thế, không khắc phục được. Tôi nói thực, nếu cứ loanh quanh với tư duy coi mình là cơ quan thừa hành thì không khéo ngành nội vụ sẽ trở thành nạn nhân của chính mình.

- Cái khó nằm ở tư duy. Vậy theo ông, tư lệnh mới của ngành nội vụ cần phải làm gì?

Tôi kỳ vọng tư lệnh mới của ngành nội vụ phải là người từ trong thực tiễn thừa hành, phát hiện được những tồn tại, yếu kém, mạnh dạn đề xuất giải pháp khắc phục và thuyết phục cơ quan có thẩm quyền chấp nhận ý tưởng, giải pháp của mình. Ví dụ, cũng là một ông chủ tịch, cũng là một ông bí thư, tại sao mỗi người lại có một phong cách khác nhau và mang lại hiệu quả thực tế khác nhau mặc dù vẫn nằm trong một hệ thống tiêu chí cán bộ chung đối với chủ tịch, bí thư? Vậy thì ngành nội vụ phải tổng kết lại, đánh giá, nghiên cứu kỹ càng xem quy trình, tiêu chí cán bộ như vậy có điểm gì tích cực thì phát huy, việc gì không được, còn yếu kém thì phải đề xuất biện pháp khắc phục, đặc biệt là không được tạo ra những rào cản. Đặc biệt là, Bộ Nội vụ phải tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền cụ thể hóa hơn nữa các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, không thể để chung chung, mơ hồ như hiện nay được.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Bình thực hiện