Từ chuỗi liên kết sang chuỗi giá trị

- Thứ Sáu, 16/04/2021, 06:37 - Chia sẻ
“Điều tôi trăn trở là sự bất cân xứng thông tin thị trường, kết nối cung - cầu chưa chặt. Thời gian qua, chúng ta làm tốt được một phần là liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã thông qua việc ký kết các hợp đồng để đưa nông sản ra thị trường. Nhưng để bền vững hơn, tránh rủi ro mùa vụ hơn, phải chuyển từ chuỗi liên kết sang chuỗi giá trị, phải định hình tư duy nông nghiệp là ngành kinh tế”. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi ông bắt đầu đảm nhận trọng trách mới là "tư lệnh" ngành nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, với chuỗi liên kết, nông sản từ ruộng vườn ra thị trường thì khi có chuỗi giá trị, nông sản được phân loại, sơ chế, chế biến một phần rồi mới cung ứng đến thị trường giúp giảm thiểu rủi ro mùa vụ. Lý thuyết là vậy nhưng làm sao người nông dân, các hợp tác xã nắm bắt thông tin, tiếp cận công nghệ, chính sách hỗ trợ để đảm trách được việc này? Làm sao để người nông dân không bị đứng ngoài cuộc?

Thực tế, phát triển các chuỗi liên kết nông sản vẫn luôn là nút thắt của ngành nông nghiệp, nhất là khi tình trạng được mùa, mất giá liên tiếp xảy ra trong những năm qua. Cuối tháng 2 vừa qua, nông sản Mê Linh (Hà Nội) ùn ứ, hạ giá 1.000 đồng/kg rau củ vẫn chẳng ai mua, hàng trăm tấn củ cải, su hào, cà chua vẫn đang phải đổ bỏ. Nhưng đến giữa tháng 3, nông dân nơi đây lại tiếp tục chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Dường như người dân không cần biết thị trường mùa vụ tiếp theo sẽ ra sao, trông chờ vào may rủi. Vì chạy theo sản lượng, nên nếu được giá là do “ăn may”, chẳng may rớt giá thì trông chờ “giải cứu”, nếu “giải cứu” mà cũng không hết thì đổ bỏ.

Ngoài những doanh nghiệp lớn có kho bãi lớn, kho lạnh bảo quản, có nhà máy chế biến thì còn hàng chục triệu nông dân, hàng chục nghìn hợp tác xã đang phải tự “bơi” giữa cơ chế thị trường, mất phương hướng trong sản xuất, bị thương lái ép giá, thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá. Bởi sản xuất quy mô nhỏ và cá thể, nên họ không đủ năng lực để liên kết với doanh nghiệp, không bán được giá cao bởi những đòi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán... Càng hội nhập sâu rộng thì sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ càng khó cạnh tranh.

Liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp được xem là yếu tố sống còn vì nông dân không thể nào đi vào sản xuất mà không biết thị trường ở đâu, cần bao nhiêu, cần sản phẩm với quy chuẩn, tiêu chuẩn như thế nào. Những điều này doanh nghiệp lại rất am tường thông qua các kênh đàm phán, nắm bắt thông tin. Vậy nhưng, hiện trên cả nước mới có 11-14% sản lượng nông nghiệp tiêu thụ thông qua liên kết. Mối liên kết giữa doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã chưa gắn kết lợi ích và trách nhiệm của các chủ thể với nhau, hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua, mức độ tiêu thụ nông sản cho người dân còn thấp, giá cả lên xuống bấp bênh, không ổn định…

Có thể nói, câu chuyện thời sự muôn thuở "được giá mất mùa, được mùa mất giá" khiến người nông dân điêu đứng quy về căn nguyên vẫn là do thiếu sự liên kết chặt chẽ, thậm chí là đứt mạch trong mô hình “4 nhà”, lợi ích và trách nhiệm giữa các bên không gắn kết. Vì vậy, chỉ khi nào nút thắt đó được bền chặt, có sự tương tác, hỗ trợ nhau thực sự hiệu quả từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, lúc đó ngành nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và đời sống nông dân hết bấp bênh.

Để phát triển chuỗi liên kết bền vững, giải pháp quan trọng là nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan thừa nhận rằng, lâu nay chính ngành nông nghiệp cũng quan niệm đầu ra thuộc trách nhiệm một đơn vị khác, một ngành khác, ví dụ như công thương, trung tâm xúc tiến thương mại... Điều này sẽ phải thay đổi, trong bảng kế hoạch phát triển một ngành hàng, mọi khâu phải nhất quán, xuyên suốt, giải pháp thị trường phải được đặt ra ngay trong kế hoạch, quy hoạch từ đầu. Với mục tiêu đặt ra cho ngành cụ thể như vậy, người dân kỳ vọng tân Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ giải được bài toán được mùa mất giá, bắt đầu từ việc thay đổi và định hình tư duy nông nghiệp là ngành kinh tế chứ không chỉ là ngành sản xuất, kỹ thuật với chăn nuôi, trồng trọt đơn thuần.

Duy Anh