Từ chiếc vỏ bánh rơi xuống đất nghĩ về hành tinh chật chội rác thải

Một chiều lang thang ở vùng ven đô, dừng lại trước hàng bánh nướng nhỏ bên đường. Cô bé bán hàng chừng mười lăm tuổi, gói chiếc bánh vào túi nilon, rồi nhanh tay cắt thêm một lớp vỏ nhựa để lót. Vừa bước ra vài bước thì phía sau lưng nghe tiếng “soạt”, một khách hàng khác vừa bóc vỏ bánh, tiện tay vứt túi nilon xuống lề cỏ. Như thể đó là điều hiển nhiên...

Không trách cô bé bán hàng. Cũng chẳng vội trách người khách vừa ăn bánh. Vì đâu đó, chúng ta đều đã quen với một lối sống tiện tay, tiện miệng và… tiện vứt. Mỗi ngày chúng ta tạo ra rác, vứt rác, gom rác, đốt rác, chôn rác, rồi lại tạo ra rác. Như một vòng xoay không lối thoát.

Rác - chuyện nhỏ mà thành chuyện lớn
Rác không tự nhiên sinh ra. Rác là hệ quả của một lối sống thiếu suy nghĩ đến điểm dừng cuối cùng của vật thể mình vừa dùng. Từ chiếc ống hút nhựa, ly cà phê mang đi, đến hộp xốp đựng đồ ăn sáng, những tiện ích nhỏ bé ấy, khi cộng lại mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, đã thành những núi rác thầm lặng bủa vây môi trường sống.
Chúng ta từng nghĩ rác là chuyện của công nhân vệ sinh, là việc của nhà máy xử lý. Nhưng giờ đây, rác là chuyện của mỗi người. Là thứ mà chính bàn tay ta thải ra, và cũng chính chúng ta đang chịu hậu quả: ô nhiễm đất, nước, không khí, vi nhựa trong cá, trong rau, trong muối, và cuối cùng… trong máu người.

“Sống không rác” - không phải cực đoan, mà là thức tỉnh
Có người cho rằng “sống không rác” là điều viển vông. Nhưng thực ra, đó không phải là sống không thải ra thứ gì, mà là sống có ý thức về vòng đời của mọi vật.
Trong cuốn sách Sống không rác, đã chia sẻ triết lý 5 chữ R: Refuse - Reduce - Reuse - Recycle - Rot (Từ chối - Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế - Phân hủy). Đó không chỉ là cách sống, mà còn là một hệ giá trị, dạy ta biết tiết chế nhu cầu, yêu thương tài nguyên, và nghĩ xa hơn cái tiện lợi nhất thời.
Không cần phải trở thành “chiến binh xanh” ngay lập tức. Chỉ cần mỗi người giảm đi một cái túi nylon, từ chối một lần dùng hộp xốp, đem theo chai nước cá nhân, tái sử dụng chiếc áo cũ… là đã gieo vào đất một hạt mầm tốt lành.

Tư duy tuần hoàn - từ phế thải thành tài nguyên
Thế giới đang chuyển mình theo tư duy mới: Tuần hoàn - Circular Thinking. Thay vì “sản xuất - tiêu dùng - vứt bỏ”, chúng ta nghĩ theo hướng “thiết kế - sử dụng - tái tạo”. Nghĩa là mọi vật được tạo ra đều có thể quay về phục vụ cuộc sống, không tạo ra phần kết là bãi rác.
Một vỏ trái dừa không còn bị vứt bỏ mà trở thành chậu cây. Một bộ quần áo cũ được tái thiết thành túi vải. Một bãi rác hữu cơ trở thành phân vi sinh cho nông nghiệp. Không có gì là vô dụng, chỉ có điều ta có nhìn ra vòng đời tiếp theo của vật thể hay không.

Tư duy tuần hoàn không chỉ là việc của nhà máy, xí nghiệp. Nó bắt đầu từ căn bếp nhỏ, từ bàn học sinh, từ mỗi công sở, từ chợ quê đến siêu thị hiện đại. Và sâu xa hơn, nó là cách chúng ta học lại bài học “khiêm nhường với thiên nhiên”: Mọi thứ không thuộc về ta mãi mãi, nhưng hành động của ta có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau.
Một hành tinh không thể khỏe mạnh nếu con người tiếp tục sống vô tư giữa rác thải của chính mình. Một tương lai xanh không thể bắt đầu nếu hôm nay ta vẫn coi rác là chuyện bên lề. Nhưng hy vọng không nằm ở những chiến dịch rầm rộ một ngày, mà nằm ở hành vi nhỏ mỗi ngày.

Khi ta thay đổi cách nhìn về rác, ta đang mở ra một cách sống mới. Khi rác không còn bị xem là thứ bỏ đi, môi trường sẽ không còn là nơi gánh chịu. Và khi mỗi người chọn sống ít rác hơn, hành tinh này sẽ có thêm cơ hội hồi sinh.
Chuyện bắt đầu đơn giản từ… một cái túi vải mang đi chợ. Hay từ việc nhặt lại chiếc vỏ bánh ai đó vừa vô tình để rơi xuống đất.
Các nhóm học sinh yêu môi trường đã hành động, làm gương cho người lớn. Những nhóm thanh niên thiện nguyện hành động bằng cách dọn rác trên những dòng kênh. Những người nước ngoài cũng đang thu gom rác thải ở bờ biển.

Khi mỗi chúng ta bức xúc, lo lắng về sự suy thoái môi trường, hãy nhìn lại những hình ảnh cảm xúc ấy. Xem chừng bức xúc nhưng không làm ta vô can.
Câu chuyện ngụ ngôn Cậu bé và con sam biển, để lại nhiều suy nghĩ. Một cậu bé đi dọc bãi biển, nhặt từng con sam bị sóng đánh dạt vào bờ và thả chúng trở lại biển. Người lớn bảo: “Có hàng ngàn con sam, làm thế nào cháu cứu hết được?”. Cậu bé tìm thêm một con nữa, nhẹ nhàng thả xuống nước và nói: “Với con này, điều đó có ý nghĩa”. Một hành động nhỏ vẫn có giá trị lớn.
Chặn rác từ đầu nguồn hơn gom rác cuối dòng. Giữ xanh hơn dọn sạch.

Trình bày: Duy Thông