Gửi gắm sâu sắc, tinh tế lòng yêu nước, thương dân
Từ xa xưa, những đôi trai gái yêu nhau ở quê hương Nguyễn Du thường ví von, thề thốt: “Bước xuống sông Lam bắt con cá lội/ Trèo lên Ngàn Hống hái một trái sim/ Có thương em, anh mới đi tìm/ Bây giờ kháp mặt như Kim kháp Kiều” (kháp: gặp). Khi tình yêu gặp trắc trở, sóng gió: “Đôi ta như Kim Trọng, Thúy Kiều/ Đã thừa lúc đắng, đã nhiều lúc cay”. Khi nói về một phụ nữ đanh đá, cay nghiệt: “Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan”. Từ tầng lớp bình dân đến các bậc nho sỹ, ai cũng say mê, thông thuộc Truyện Kiều, tích Kiều: “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống chè Chính Thái, xem Nôm Thúy Kiều”.
Cuối năm 2015, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du - Đại thi hào của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Không phải chờ đến “tam bách dư niên hậu”, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là năm 1965, chúng ta đã kỷ niệm trọng thể 200 năm sinh của Nguyễn Du, trân quý, tôn vinh Truyện Kiều và nhiều tác phẩm xuất sắc của ông. Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành máu thịt, hồn cốt của dân tộc, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với hơn 30 bản dịch. Có nhà nghiên cứu đã dày công tìm tòi, thống kê, phân tích và đi đến nhận định: Truyện Kiều đạt 5 kỷ lục thế giới và 7 kỷ lục quốc gia.
Năm 1830, vua Minh Mệnh viết bài “Tổng thuyết” đầu tập “Thanh Tâm tài tử và tập Ngự chế Vịnh Kiều”. Năm 1870, vua Tự Đức cũng có bài “Tổng từ” in đầu bản Kiều (bản Kinh). Phạm Quý Thích viết Đề từ Đoạn trường tân thanh in đầu bản Kiều Nôm do ông cho khắc ván, trở thành đề tài ngâm vịnh trong tầng lớp nho sĩ. Tiến sĩ Hà Tôn Quyền làm tập Ứng chế Vịnh Kim Vân Kiều 15 bài tuyệt cú và 30 bài lục bát bằng quốc âm. Từ đầu thế kỷ XX, các cuộc đàm đạo, thi đố để vịnh Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều khá sôi nổi. Đó là cuộc thi “Vịnh Kiều” do Tổng đốc Hưng Yên Lê Hoan tổ chức năm 1905, nhà thơ Nguyễn Khuyến làm chủ khảo. Tập thơ của Chu Mạnh Trinh được chấm giải nhất. Sinh hoạt Vịnh Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều phổ biến cả giới nho sỹ và tầng lớp bình dân, những người yêu mến Truyện Kiều. Dù chỉ là thú vui, là trò chơi văn chương, các cuộc thi, đàm luận đó cũng gửi gắm sâu sắc, tinh tế tấm lòng yêu nước, thương dân, nỗi niềm của giới nho sỹ, tao nhân mặc khách.
Cảm phục, tâm đắc
Nói về vịnh Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều thời hiện đại, nhiều người nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự cảm phục, tâm đắc. Trên con đường hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đặt chân lên hầu khắp các châu lục, nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, thông thuộc nhiều thứ tiếng nước ngoài. Vậy mà một đêm ở Thái Lan xa xôi, nghe tiếng người mẹ gốc Việt ru con, Người thốt lên: “Xa nhà chốc mấy mươi niên/ Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”. Ở câu thơ thứ nhất, Bác đã mượn câu lục (câu 6) trong Truyện Kiều “Chốc đà mười mấy năm trời”. Sau hàng chục năm xa quê tìm đường cứu nước, ngày trở về thăm nhà, thăm quê, Người xúc động nói: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Trong cuốn sách: “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, tác giả T. Lan kể: “Khi đi công tác, Bác đọc cho nghe và dạy cán bộ đi theo học từng đoạn và giải thích ý nghĩa từng câu, từng chữ trong Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm…”. Bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy”, Bác viết: “Dòng sông lạnh ngắt như tờ/ Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo/ Bốn bề phong cảnh vắng teo/Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan/Lòng riêng riêng những bàn hoàn/ Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng/ Thuyền về trời đã rạng đông/ Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi. Ở câu 5 và câu 6, Bác đã tập Kiều một cách tài tình (nguyên văn Truyện Kiều là “Nỗi riêng riêng những bàn hoàn/ Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn”).
Những năm tháng trực tiếp lãnh đạo cách mạng ở núi rừng Việt Bắc, Bác làm thơ kêu gọi: “Yêu nhau xin nhớ lời nhau/ Việt Minh hội ấy mau mau phải vào” hay “Trên vì nước, dưới vì nhà/ Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh”. Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, nữ sỹ Hằng Phương kính tặng Bác gói cam nhỏ. Bác đáp lễ bằng mấy câu thơ: “Cảm ơn bà biếu gói cam/ Nhận thì không tiện, từ làm sao đây?/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?”. Năm 1960, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, kết thúc bài diễn văn quan trọng, Bác nói:“Công ơn Đảng như bể rộng, như núi cao/ Ba mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Với miền Nam ruột thịt, luôn đau đáu trong tim Bác, Bác viết: “Đến ngày thống nhất nước nhà/ Bắc Nam sum họp là ta vui mừng”.
Đón tiếp, cảm ơn các đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản anh em dự Đại hội lần thứ III của Đảng ta, Bác Hồ nói: “Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”. Nhiều người còn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp của Bác với ngài Tổng thống Indonesia. Trong lễ đón Tổng thống Sukarno thăm Việt Nam, Bác ứng tác mấy câu thơ: “Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên”. Khi tiễn khách quý về nước, Bác bày tỏ:“Nhớ nhung trong lúc chia tay/ Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo Người/ Người về Tổ quốc xa khơi/ Chúc Người thắng lợi, chúc Người bình an”. Trong một lần Bác đi công tác nước ngoài, sau khi nắm chặt tay các đồng chí ra tiễn, Bác căn dặn: “Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay/ Vui mừng xin đợi ngày này tháng sau”…
Còn rất nhiều, rất nhiều thí dụ sinh động, tâm đắc về việc Bác Hồ lẩy Kiều, tập Kiều. Trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, trong Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ căn dặn đồng chí, đồng bào, các thế hệ mai sau: Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.
Tài tình, đắc địa
Thú lẩy Kiều, tập Kiều, vịnh Kiều còn được các chính khách, nhà văn, nhà thơ nước ngoài tâm đắc, nghiên cứu, sử dụng. René Crayssac, một học giả người Pháp sau khi dịch Kim Vân Kiều ra thơ Pháp, đã làm bài sonnet Kim và Kiều. Có lẽ đây là bài thơ vịnh Kiều sớm nhất của người nước ngoài. Còn phải kể đến nhà thơ Hung-ga-ri Hô-nô An-đra-đơ, các nhà thơ Hoa Kỳ Mu-ri-ơn Ru-kai-đơ và Rích-mân. Bản dịch gần đây nhất của các nhà thơ Nga và Việt Nam ra mắt bạn đọc đầu tháng 11.2015 thêm một lần nữa khẳng định giá trị to lớn của tác phẩm này. Nhà thơ Nga Vaxili Pôpôp, người dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga đã nói: “Đọc xong Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi đã trở thành một con người khác”.
Nói về cách lẩy Kiều, tập Kiều của các chính khách nước ngoài, không thể không nhắc đến 2 trường hợp đều thuộc về các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam năm 2000, Tổng tống Hoa Kỳ Bill Clinton đã lẩy Kiều một cách tài tình, đắc địa: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. 15 năm sau, trong Lễ chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm lịch sử Hoa Kỳ, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng lẩy hai câu thơ thật đắc ý: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Hơn hai trăm năm qua và nhiều nhiều năm sau này nữa, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã, đang và sẽ làm mê đắm bao người; hiển hiện ở nhiều nơi, nhiều người, nhiều hoàn cảnh, số phận. Sức sống của Truyện Kiều và những giá trị nhân văn, nghệ thuật của Truyện Kiều, vì thế, trường tồn, vĩnh cửu.