Từ “Âm thanh cuộc đời” đến âm nhạc cách mạng
“Nhạc sĩ - chiến sĩ Đỗ Nhuận luôn hòa mình, dấn thân, chung nhịp đập cuộc sống, hơi thở nhân dân. Con đường đến với âm nhạc cũng như con đường bước vào cuộc đời người chiến sĩ cách mạng của Đỗ Nhuận tự nhiên như suối nguồn tuôn chảy vào dòng sông để đi ra biển cả”. Đó là lời kết trong bài chia sẻ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc tại hội thảo “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời” sáng 25.12.
Nhạc sĩ - chiến sĩ kiên trung
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc nhắc lại, năm 1939, khi viết tác phẩm âm nhạc đầu tiên, bài hát “Trưng Vương”, cũng chính là thời điểm Đỗ Nhuận đến với cách mạng từ lòng yêu nước thiết tha. Từ đó, tài năng âm nhạc của ông đã được khơi chảy. Ông thực sự giác ngộ cách mạng, bắt đầu dấn thân vào con đường của một nhạc sĩ - chiến sĩ đầy gian lao thử thách. Từ những bài hát mang cảm hứng ban đầu như “Chim than”, “Lời cha già”, “Đường lên Ải Bắc”, ông soạn nên ca kịch “Nguyễn Trãi - Phi Khanh”. Đây cũng là thời gian Đỗ Nhuận nôn nóng tiếp cận các đầu mối cách mạng, tham gia vận chuyển hàng qua biên giới giao cho Hội Giải phóng do Đảng ta thành lập ở Vân Nam giúp Chính phủ Vân Nam kháng Nhật. Lời ca “Hề non sông! Con ơi nhìn non sông/Nuốt hận sao? Kìa dấu xưa anh hùng” trong ca cảnh “Nguyễn Trãi - Phi Khanh” như muốn gieo vào lòng khán giả tinh thần đấu tranh anh dũng chống kẻ thù ngoại bang.
Theo nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, những ngày bị bắt giam tại Hỏa Lò rồi Sơn La, Đỗ Nhuận cắn răng chịu tra tấn, xiềng xích. Những bản nhạc ra đời trong lao tù và tiếng hát từ chốn ngục tù vang lên đầy khích lệ, thúc đẩy tinh thần chiến đấu như: “Chiều tù”, “Côn Đảo”, “Hận Sơn La”, “Tiếng gọi tù nhân”, “Du kích ca”, “Viếng mồ tử sĩ”. Không giấy bút, không nhạc cụ, những giai điệu, lời ca hiện lên, ngân nga và chỉ có cách nhớ thuộc lòng để truyền khẩu cho đồng chí, đồng đội…
Cùng thời gian này, Đỗ Nhuận và các chiến sĩ thành lập tờ báo “Xuân tù” để cổ vũ tinh thần đấu tranh. Với phương châm “Tinh thần cao chưa đủ, phải có văn hóa mới làm được cách mạng”, cuộc đấu tranh tuyệt thực, rồi đấu tranh “Hò la” liên tiếp nổ ra trong âm vang các bài ca của Đỗ Nhuận...

Sau Cách mạng tháng Tám, Đỗ Nhuận vẫn phát triển dòng nhạc cách mạng trong âm hưởng dân tộc độc đáo như “Tiếng súng Nam Bộ”, “Bé yêu già Hồ” và đặc biệt là “Nhớ chiến khu”. Nói về tác phẩm này, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết: Đỗ Nhuận viết “Nhớ chiến khu” là muốn đem dòng nhạc cách mạng cạnh tranh với dòng nhạc lãng mạn trên sân diễn phòng trà và quả nhiên, “Nhớ chiến khu” đã được hát ở đó cùng “Thiên thai” của Văn Cao…
Khao khát sáng tạo
Các nhà nghiên cứu cho rằng, với năng khiếu bẩm sinh và ham học hỏi, Đỗ Nhuận đến với âm nhạc hết sức tự nhiên, sự nghiệp của ông luôn đồng hành với tiến trình phát triển chung của âm nhạc cách mạng, in dấu những thăng trầm của đất nước. Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhận xét, do được lăn lội trong đời và tôi luyện trong tù đày nên Đỗ Nhuận luôn tự coi mình là nhạc sĩ xuất thân “từ một người du kích cầm súng” và sáng tác trên quan điểm nghệ thuật phải phục vụ quần chúng. Tác phong bình dị hòa đồng, bám thực tế, giỏi quan sát và nhạy bén trước thời cuộc là những thuận lợi tạo nên tính hiện thực và tính thời sự trong sáng tác của ông. “Chiến thắng Điện Biên” đã ra đời như thế ngay đêm thắng trận kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời chống Mỹ có những ca khúc được viết ngay tại trận địa và tác giả đã đứng hát phục vụ chiến sĩ bên cạnh nòng pháo còn nóng bỏng ("Bài ca Cao xạ pháo").
Về vấn đề này, PGS. TS. Trần Thế Bảo đồng tình, Đỗ Nhuận là tác giả lớn của âm nhạc thế kỷ XX với nhiều ca khúc bất tử, trong đó “Du kích sông Thao” là một nét son trong hành trình sáng tạo của ông, một hành trình khao khát được sáng tạo những tác phẩm lớn miêu tả sự vĩ đại của cuộc kháng chiến, những chiến công lẫy lừng, những tình cảm cao đẹp mà hình như ca khúc chưa nói hết được. “Chính bản trường ca trong kháng chiến chống Pháp “Du kích Sông Thao” của Đỗ Nhuận đã tạo đà cho sáng tác hợp xướng sau hòa bình 1954 như “Sóng cửa Tùng” của Doãn Nho, “Ca ngợi Tổ quốc” của Hồ Bắc, hợp xướng “Bình minh thế kỷ” lời Nguyễn Đình Thi, nhạc Hoàng Vân, “Tiếng hát biên thùy” - đại hợp xướng của Tô Hải cũng như những giao hưởng thơ và giao hưởng của các nhạc sĩ Việt Nam cuối những năm 1950”.

Nhạc sĩ, TS. Nguyễn Đình San nhắc lại kỷ niệm ông trả lời phỏng vấn trên một tờ báo, khi được hỏi: “theo ông, ở Việt Nam, nhạc sĩ nào là số 1?”, ông đã trả lời: “Đỗ Nhuận”. “Vâng. Tôi trả lời như vậy mà không ngại có thể bị phản bác hoặc có nhạc sĩ nào đó phật ý. Có thể Đỗ Nhuận không là tác giả quốc ca như Văn Cao, không có những ca khúc từng là bài hát chính thức của những chính thể như Lưu Hữu Phước, nhưng sự nghiệp âm nhạc của ông quá đồ sộ cả về số lượng và chất lượng, lại đa dạng gồm cả thanh nhạc lẫn khí nhạc, với nhiều đề tài, bao quát những chặng đường lịch sử dài với nhiều tìm tòi độc đáo. Có lẽ mãi mãi, người ta không thể quên những ca khúc cách mạng bất hủ của ông. Có được thành quả này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng quan niệm, muốn sáng tác tốt nhất thiết phải nắm được phương châm văn nghệ của Đảng là Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Ông coi đó là kim chỉ nam cho hoạt động nghệ thuật và luôn tự kiểm tra, nhắc nhở mình phải thực hiện đúng phương châm bất biến đó. Người nghệ sĩ cách mạng phải biết nuôi dưỡng tâm hồn”.