Thời khắc Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO
Từ năm 1992, Quốc hội ta tiếp cận AIPO với tư cách là quan sát viên. Liền theo đó, AIPO đã cử đoàn đại biểu sang thăm Việt Nam tìm hiểu tình hình. Báo cáo của Đoàn về chuyến thăm này đã được trình lên Kỳ họp thứ 10 Đại hội đồng AIPO (Kuala Lumpur, Malaysia, tháng 9.1993), với sự có mặt của Đoàn Đại biểu Quốc hội ta do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu dẫn đầu.
Đầu tháng 9.1995, được sự nhất trí tuyệt đối của các Nghị viện thành viên AIPO, Chủ tịch Nghị viện Singapore Tan Soo Khoon, Chủ tịch AIPO nhiệm kỳ 1994 - 1995 đã tới Hà Nội trực tiếp trao Thư của AIPO cho Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, mời Quốc hội Việt Nam tham dự và gia nhập chính thức AIPO tại Đại hội đồng lần thứ 16 (Singapore).
Để chuẩn bị cho việc gia nhập AIPO, Quốc hội ta đã tranh thủ tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ các nước thành viên sáng lập. Quốc hội Singapore khi đó đã rất nhiệt thành ủng hộ và giúp đỡ, trao đổi cởi mở với đại biểu ta về các kinh nghiệm trong hoạt động tại AIPO, tận tình giúp ta chuẩn bị chu đáo cho lễ kết nạp.
Tôi còn nhớ, chiều hôm đó, cho tới tối muộn trước ngày khai mạc, Tổng Thư ký Quốc hội Singapore và một số quan chức Văn phòng Quốc hội bạn đã cùng với nhóm đại biểu và chuyên viên Quốc hội ta còn trao đổi thêm, duyệt lại phương án cuối cùng tại Lễ thượng cờ Việt Nam sẽ diễn ra ở buổi kết nạp. Tại lễ kết nạp năm đó, GS.TSKH. Phạm Quang Dự, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, được vinh dự trao trách nhiệm chuyển Quốc kỳ Việt Nam từ vị trí Quan sát viên lên lễ đài cho Tổng thư ký Quốc hội Singapore cùng đội danh dự long trọng thực hiện Lễ thượng cờ Việt Nam lên vị trí thành viên chính thức của AIPO, đánh dấu thời khắc Quốc hội Việt Nam hội nhập sâu rộng vào cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực. Hình ảnh đó đã để lại một dấu ấn và tình cảm rất đặc biệt đối với tôi trong suốt những năm tháng hoạt động ngoại giao.
Sau khi kết nạp Quốc hội Việt Nam, AIPO có 6 thành viên chính thức và một Quan sát viên đặc biệt là Brunei (do Brunei chưa có cơ quan lập pháp, mặc dù họ tham gia nhiều hoạt động với AIPO từ sau khi gia nhập ASEAN năm 1984). Cũng tại Đại hội đồng lần thứ 16 này, AIPO quyết định thay biểu trưng cũ thành biểu trưng mới cho phù hợp với thực tế tình hình, thể hiện được tinh thần hướng tới tương lai của cả 10 nước thành viên, phát triển vững chắc, với sự gắn bó giữa người dân, chính quyền và cơ quan lập pháp đại diện cho họ.
Tới năm 2006, AIPO quyết định đổi tên thành AIPA đồng thời có điều chỉnh phần chữ viết tên tổ chức trên biểu trưng AIPO thành AIPA. 10 năm sau, theo đề xuất của một số thành viên, vào năm 2017, AIPA một lần nữa quyết định sửa đổi biểu trưng của mình. Đó là biểu trưng chính thức của AIPA cho tới nay.

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh ký văn bản gia nhập AIPO tại Singapore năm 1995 |
Ảnh tư liệu
Không chỉ là đổi tên...
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trong bối cảnh ASEAN đẩy nhanh quá trình liên kết nội khối và hội nhập quốc tế, có ý kiến từ một số nhà lập pháp một vài nước thành viên AIPO đề xuất ý tưởng thành lập một Cơ quan lập pháp chung cho một ASEAN thống nhất, đó sẽ là Nghị viện ASEAN (ASEAN Parliament). Các nhà lập pháp Philippines, với sự hỗ trợ của Quỹ KAS (Konrad Adenauer Stifftung), thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, CHLB Đức, đã nghiên cứu mô hình cấu trúc của thể chế Liên minh châu Âu (EU) với cơ cấu hoạt động của Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu - Cơ quan lập pháp của EU thống nhất. Họ mong muốn sớm học tập mô hình của Liên minh này và áp dụng tại ASEAN. Tuy nhiên, ý tưởng trên không nhận được sự ủng hộ, do có quá nhiều khác biệt rất cơ bản giữa EU và ASEAN. Thực tế, EU là một thể chế liên minh chặt chẽ với trình độ phát triển cao và khá đồng đều của các quốc gia thành viên, họ vốn có truyền thống hòa nhập về văn hóa - xã hội từ lâu đời. Trong khi đó, ASEAN là một liên minh lỏng lẻo gồm những quốc gia có trình độ phát triển khác nhau, có nước còn ở trình độ trung bình hoặc thấp. Mặt khác, thể chế chính trị, đặc điểm lịch sử, bản sắc văn hóa cũng khác biệt. Ngoài ra, còn hàng loạt những vấn đề khác như: Tư cách đại diện quốc gia tại Nghị viện ASEAN? Việc thành lập đơn vị bầu cử và phân bổ số lượng đại biểu theo dân số hay tính bình quân theo quốc gia? Sự tham gia của các chính đảng như thế nào?... Vì lẽ đó, AIPO đã phải thành lập Nhóm nghiên cứu về mô hình Nghị viện châu Âu và khả năng thiết lập Nghị viện chung ASEAN, do ông Camilo Sabio, trợ lý cao cấp của Chủ tịch Hạ viện Philippines Jose De Venecia, làm trưởng nhóm. Tuy nhiên sau nhiều năm nghiên cứu, Nhóm này vẫn không đưa ra được phương án khả dĩ nào cho việc thành lập Nghị viện ASEAN.
Cho tới Đại hội đồng AIPO 23 tại Hà Nội, các đại biểu cũng chỉ đạt được đồng thuận chung là tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng hơn về khả năng này và sẽ báo cáo Đại hội đồng vào thời điểm thích hợp. Nhiều năm sau AIPO vẫn không tìm ra được bước đi phù hợp cho việc thành lập cơ quan lập pháp chung của ASEAN. Khi đó, Quốc hội ta ủng hộ xu thế chung là từng bước đổi mới, hoàn thiện AIPA, phù hợp với tình hình thực tiễn trong ASEAN, sao cho AIPA hoạt động ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn, tránh hình thức, phô trương. Ý tưởng đó được thể hiện từng bước qua những đóng góp cụ thể của ta vào các Hội nghị của Ủy ban chuyên đề, tiến trình cải tiến và hoàn thiện nội dung các kỳ Đại hội đồng, gắn AIPA với thực tế diễn biến của cuộc sống thông qua các Hội nghị chuyên đề, các hoạt động lập pháp quốc gia. Thêm vào đó là tăng cường gắn kết ASEAN-AIPA, thúc đẩy mở rộng quan hệ của AIPA với các tổ chức quốc tế khác, đặc biệt là Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Đại hội đồng Nghị viện châu Á (APA), Nghị viện châu Âu (EP) thông qua cơ chế đối thoại định kỳ ASEP.
Mãi cho tới năm 2006, trước đòi hỏi của thực tế tình hình khu vực Đông Nam Á (yêu cầu gắn kết nội khối cần được tăng cường, với sự lớn mạnh của ASEAN và sự phát triển mới của hệ thống lập pháp của các quốc gia thành viên), AIPA quyết định đưa ra một giải pháp nhằm bước đầu đổi mới hoạt động của mình. Với tinh thần đó, tại Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 27 (Manila, Philippines) AIPO đổi tên từ Tổ chức (Organization) Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á - AIPO (ASEAN Interparliamentary Organization) thành Hội đồng (Assembly) Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - AIPA (ASEAN Interparliamentay Assembly). Tên gọi ở đây hàm ý AIPA là một cơ chế liên hiệp có tính pháp lý hơn, tính nghị viện rõ hơn, chứ không còn là một tổ chức lỏng lẻo giống như bất kỳ một tổ chức quốc tế nào khác.