Giải thưởng này giúp anh nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm cao cả của một giảng viên trẻ trong việc truyền ngọn lửa say mê về kiến thức trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp đến sinh viên.
Đam mê với nghề giáo và kết nối các nhà khoa học
Một ngày có 24 giờ nhưng đối với TS. Chu Đức Hà - giảng viên trẻ Khoa Công nghệ Nông nghiệp luôn cảm thấy không đủ để làm việc. Với sức trẻ, Chu Đức Hà luôn nung nấu suy nghĩ làm thế nào để gần gũi với giới trẻ, từ đó truyền đạt những thông điệp ý nghĩa về công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp vào từng bài giảng và hoạt động kết nối với sinh viên.
Ngay từ những năm tháng trên giảng đường đại học, Chu Đức Hà đã nuôi dưỡng một niềm đam mê với nông nghiệp công nghệ cao. Cậu sinh viên học chuyên ngành Công nghệ Sinh học luôn mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa vào lĩnh vực nông nghiệp, để giúp người nông dân tăng năng suất lao động và cung cấp nông sản sạch đến với người tiêu dùng.
Cho đến khi lựa chọn làm giảng viên và trở thành một thành viên của ngôi nhà chung UET, TS. Chu Đức Hà đã lựa chọn Khoa Công nghệ nông nghiệp - một điểm sáng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ nông nghiệp, đồng thời đây là môi trường thúc đẩy anh phát triển đam mê nghiên cứu.
Thời gian được làm việc, nghiên cứu trong môi trường năng động của Trường ĐH Công nghệ cùng đội ngũ cán bộ đam mê phát triển khoa học luôn thúc đẩy và là cơ hội để bản thân anh nuôi dưỡng đam mê đối với lĩnh vực công nghệ nông nghiệp. Hình ảnh những thầy cô lớn tuổi đồng hành cùng các giảng viên trẻ và sinh viên trao đổi, làm thí nghiệm ngày đêm để có kết quả là động lực giúp TS. Chu Đức Hà ngày càng nỗ lực hơn nữa.
“Đó là cảm hứng để tôi biết Trường ĐH Công nghệ và Khoa Công nghệ nông nghiệp sẽ tiếp thêm sức mạnh cho tôi trên con đường sự nghiệp giáo dục vinh quang này”, TS. Hà tự hào.
Vừa là giảng viên, vừa là nhà khoa học, TS. Hà luôn tràn đầy năng lượng sức trẻ. Bên cạnh đó, anh còn mong muốn được lan tỏa hình ảnh giảng viên trẻ nhiệt huyết, năng động trong đào tạo, nghiên cứu và kết nối mạng lưới các nhà khoa học.
“Bởi vì, không thể phủ nhận việc giảng viên là những người được tiếp xúc và định hướng đối với thế hệ trẻ. Ngày nay, giới trẻ rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới đặc biệt là công nghệ. Vì vậy, những giảng viên trẻ không được phép đứng im mà phải luôn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để dấn thân và cống hiến. Bản thân tôi dù đã đạt học vị tiến sĩ với 3 tấm bằng đại học nhưng vẫn đang theo học một trường nữa để có khối kiến thức sâu rộng để có thể truyền đạt cho sinh viên” - TS. Chu Đức Hà cho biết.
Không chỉ đam mê trong công tác giảng dạy, nghiên cứu mà TS. Chu Đức Hà luôn sắp xếp thời gian kết nối các nhà khoa học trẻ trong Khoa với Nhà trường và các thầy cô với sinh viên thông qua các buổi seminar học tập hoặc các buổi thảo luận trực tuyến với chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp trong và ngoài nước. Từ đó, anh đã xây dựng các nhóm nghiên cứu nhỏ trong sinh viên để triển khai các ý tưởng, nghiên cứu đề tài liên ngành.
Nghiên cứu nông nghiệp ứng dụng thực tiễn
Những năm tháng học tập, làm việc và nghiên cứu đã giúp TS. Chu Đức Hà công bố 172 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, 05 giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu được công nhận cấp quốc gia.
Tuy nhiên, anh lại tâm đắc với kết quả nghiên cứu về việc xác định và phân tích đặc tính của các protein giàu Methionine liên quan đến đáp ứng các điều kiện bất thuận trên cây đậu tương. Đây là công trình được anh nghiên cứu khi bảo vệ luận án tiến sĩ, là bước khởi đầu cho một hành trình nghiên cứu độc lập sau khi nhận tấm bằng tiến sĩ Công nghệ Sinh học năm 2019.
Kết quả này của Chu Đức Hà cũng là ghi nhận đầu tiên trên thế giới báo cáo một cách toàn diện về tất cả những phân tử protein giàu Methionine, một trong những đối tượng dễ dàng bị ôxi hóa bởi sự dư thừa của các gốc ôxi nguyên tử hoạt động (reactive oxygen species, ROS) trong tế bào ở cây đậu tương nói riêng và thực vật 2 lá mầm nói chung.
Bằng cách tiếp cận theo hướng Tin - Sinh học dữ liệu lớn, các dữ liệu genome, proteome và transcriptome ở cây đậu tương đã được khai thác để xem xét số lượng, đặc tính và mức độ biểu hiện của các gene mã hóa cho nhóm protein này trong các điều kiện xử lý stress phi sinh học (hạn, mặn...).
Các kết quả thu được từ nghiên cứu này đã được ứng dụng nhằm đề xuất các gen ứng viên có khả năng đáp ứng đa yếu tố bất thuận cho phân tích chức năng gen, đồng thời cũng mở ra một trong những cơ chế làm cải thiện chất lượng protein (hàm lượng amino acid) ở cây trồng.
Con đường nghiên cứu của TS. Chu Đức Hà tiếp tục dấu ấn với sản phẩm “Hệ thống bẫy sâu keo mùa thu tự động” của nhóm nghiên cứu Nông nghiệp số thuộc Khoa Công nghệ nông nghiệp, đang trong quá trình đăng ký giải pháp hữu ích. Thiết bị được thiết kế dựa trên bẫy sâu trưởng thành sử dụng pheromone.
Các cảm biến được tích hợp vào thiết bị nhằm đếm số lượng sâu trưởng thành bị bẫy và thu thập thông số môi trường, bao gồm nhiệt độ và độ ẩm không khí. Tóm lại, kết quả của nghiên cứu này đã đề xuất một giải pháp hữu hiệu trong việc bẫy và đếm sâu, từ đó đưa ra cảnh báo về sự xuất hiện của sâu keo mùa thu tại các tỉnh phía Bắc.
Đây là một trong những công trình nghiên cứu, đồng thời là giải pháp mang lại giá trị khoa học và ứng dụng thực tiễn trong bài toán sản xuất nông nghiệp hiện nay.