Truyện tranh và iPad
Ý tưởng đưa truyện tranh vào sản phẩm mới ra mắt của Apple, iPad để kinh doanh đang vấp phải sự phản đối dữ dội của độc giả. Với họ, truyện tranh “còn sống” khi nó được trao đổi, thanh lý, mua lại, bỏ vào túi và mang đi khắp nơi, chứ không đơn giản là load về và đọc một mình.

Thời gian này, một trong những đề tài gây chú ý nhất trên các diễn đàn số là tương lai kỹ thuật số của truyện tranh và những ảnh hưởng của iPad đối với truyện tranh. Rất nhiều chủ đề trở đi trở lại quanh vấn đề này: Việc chia sẻ truyện tranh giống như những viên đá đặt nền đối với các fan của truyện tranh, nhưng đối với iPad lại không thể làm được điều đó. Những cửa hàng truyện tranh đang đứng trước nỗi lo rằng một khi mọi người chia sẻ truyện tranh theo kiểu kỹ thuật số, thì việc kinh doanh của họ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Thông thường, một cuốn truyện tranh 24 trang giá khoảng 4USD, nhưng đọc truyện tranh trên iPad, người đọc chỉ phải trả 1,99USD cùng với rất nhiều quảng cáo. Hiện nay, mới có một vài website cung cấp ứng dụng truyện tranh cho iPad, nhưng trên các diễn đàn, vấn đề này đang được thảo luận sôi nổi, không ít người háo hức đón chờ “truyện tranh số”, và cũng không ít người phản đối kịch liệt.
Biên tập viên trang boingboing.net Cory Doctorow cho biết sẽ không lựa chọn hình thức truyện tranh mới này, và phân tích dựa trên ứng dụng truyện tranh của NXB Marvel trên iPad: “Tạo ra một cái mới kiểu như thế này chưa hẳn đã hay. Tôi lớn lên cùng với truyện tranh, điều làm nên truyện tranh, đối với tôi, là chia sẻ chúng. Với truyện tranh, chia sẻ là nhân lên số truyện mà bạn đang có. Nếu có một động cơ nào đấy đối với bọn trẻ ham mê truyện tranh, đó chính là chia sẻ. Có cả một thị trường dành riêng cho truyện tranh cũ, một thị trường lớn, vô cùng sống động và phong phú. Tôi không thể nhớ được đã bao nhiêu lần lang thang và mầy mò trong các quầy truyện tranh cũ kỹ, ẩm mốc để tìm lại những cuốn truyện ưa thích hoặc tìm những cuốn mới ra được thanh lý với giá rẻ”.
Cory Doctorow cho biết thêm: “Đó là một phần truyền thống của nhiều thế hệ trong gia đình tôi. Cha mẹ tôi cũng thường đưa con cái và anh chị em, họ hàng đến cửa hàng truyện tranh Dragon Lady Comics ở Toronto vào cuối tuần để tìm truyện tranh cũ và mới. Vậy Marvel làm gì để nâng cao truyện tranh? Họ lấy đi quyền cho - tặng, mua - bán hoặc vay - mượn truyện tranh của độc giả. Khó có thể coi đó là sự cải tiến. Họ không biết đến thú vui cho mượn, chia sẻ truyện tranh, mà coi việc đọc một mình là hay hơn”.
Cùng ý kiến này, Scott Kurtz, một game thủ và fan truyện tranh cho biết: “Truyện tranh với những bản in khổ lớn, màu sắc tươi sáng và rực rỡ, khiến bạn có cảm giác háo hức mỗi khi lật trang sách. Tôi không chọn được từ nào ngoài từ “vui” để diễn đạt điều đó. Ban đầu, tôi cho rằng ứng dụng của Marvel là rất tuyệt. Tôi đã load thử một vài bản của bộ Fantastic Four về xem và thực sự thích thú. Thế nhưng sau đó tôi đã hoàn toàn thất vọng. Việc mà ngành công nghiệp truyện tranh hiện nay đã phủ nhận một cách rõ ràng ý kiến iPad đang đem lại cuộc cách mạng cho truyện tranh. Đáng ngạc nhiên nếu vẫn có những người công nhận và tiếp tục ngồi chờ những ứng dụng này”.
Scott Kurtz cũng nhận định: “Những người bán lẻ truyện tranh, hơn ai hết, sẽ mong dịch vụ này phá sản, bởi họ muốn vẫn tiếp tục bán được những cuốn truyện của mình. Các fan cũng mong vậy, bởi họ muốn giữ độc quyền về những cuốn truyện tranh mình có, đặc biệt là những cuốn truyện cũ. Hơn nữa, đối với họ, truyện tranh chỉ “còn sống” khi trao đổi, bỏ vào túi và mang đi khắp nơi, chứ không chỉ để đọc. Các tác giả cũng muốn vậy, bởi họ là nghệ sỹ, không hiểu gì về mẫu kinh doanh mới và làm thế nào để kiếm tiền, họ đơn giản chỉ không muốn phải lo lắng về nó”.