Thay đổi định kiến
- Điều gì đã đưa một cựu sinh viên chuyên ngành kinh tế quốc tế trở thành một họa sĩ truyện tranh?
- Truyện tranh đến với tôi từ thời mẫu giáo, tiểu học. Hồi đó, tôi rất thích đọc Doraemon và thấy không phải bạn nào trong lớp cũng có truyện để đọc, vì thế tôi vẽ lại và đưa cho các bạn đọc. Kể từ đó, tôi mày mò vẽ, tự sáng tác. Tuy nhiên, mãi đến nghỉ hè năm thứ nhất đại học, khi nhận làm thêm ở một công ty truyện tranh, tôi mới bắt đầu nghĩ về công việc đó như một nghề. Năm 2014, tốt nghiệp đại học cũng là thời điểm cuốn truyện tranh đầu tiên - Nhật ký Mèo Mốc xuất bản. Lúc đó, tôi dùng số tiền nhuận bút, cùng sự hỗ trợ của gia đình, để đăng ký theo học ngành thiết kế đồ họa ở Singapore, quyết tâm theo đuổi đường nghề bài bản.
- Trong quá trình sáng tác, anh thấy truyện tranh mang lại ý nghĩa như thế nào?
Đặng Quang Dũng sinh năm 1992 là tác giả, họa sĩ của 16 đầu truyện tranh, trong đó nổi tiếng như Nhật ký Mèo Mốc (Diary of Meo Moc), Tây Du Hí (Humorous Journey to the West) và các truyện lẻ như Nào ta cùng ăn!, Ly & Chũn (Ly & Chun)… có tổng số lượng xuất bản hơn 300.000 bản.
- Truyện tranh với tôi là sở thích. Trở thành họa sĩ truyện tranh, tôi cố gắng mang đến những tác phẩm an toàn, thân thiện. Ngoài các tiêu chí cần có khi vẽ truyện tranh, tôi luôn chú ý xây dựng tính cách nhân vật, chú ý diễn giải các kiến thức, câu chuyện sao cho có ý nghĩa đối với độc giả. Ví dụ trong Nhật ký Mèo Mốc, điều tôi hài lòng nhất chính là Mèo Mốc là một nhân vật gây cười, cuộc sống của Mèo Mốc mang nhiều giá trị tích cực cho bạn đọc. Nhiều em nhỏ đọc Nhật ký Mèo Mốc nên tôi muốn Mèo Mốc luôn tích cực và không làm việc xấu.
- Thực tế nhiều bố mẹ không thích các con đọc truyện tranh, định kiến đây là thể loại vô thưởng vô phạt, đơn thuần giải trí. Anh nghĩ sao về điều này?
- Thực ra định kiến ấy cũng dễ hiểu, bởi mỗi thế hệ có mối quan tâm khác nhau. Đối với phụ huynh có tuổi thơ không lớn lên với truyện tranh mà với tác phẩm văn học chẳng hạn, khi đứng trước loại hình mới không tránh khỏi băn khoăn. Nhưng tôi cho rằng định kiến ấy đang dần thay đổi, người ta dần nhận ra truyện tranh cũng hàm chứa rất nhiều giá trị, mang tính giáo dục, truyền tải kiến thức.
Cá nhân tôi cũng luôn ý thức sáng tác các tác phẩm giúp mọi người nhìn thấy được giá trị của truyện tranh như một loại hình nghệ thuật có giá trị xã hội. Chẳng hạn, tập truyện Ly Và Chũn - Tết Là Nhất, Nhất Là Tết! (2021) kể về hành trình về quê ăn Tết của hai em nhỏ cùng bố mẹ. Hành trình này có sự góp mặt của ông bà từ cõi âm về thăm con cháu ngày Tết. Cùng một truyện có hai góc nhìn khác nhau, góc nhìn của trẻ con và góc nhìn của ông bà. Trẻ em thì thấy thú vị và học hỏi được thêm về truyền thống ăn tết của Việt Nam, còn người lớn lại cảm thấy như được trở về tuổi thơ.
Họa sĩ truyện tranh chưa thể sống được bằng nghề!
- Anh nhìn nhận như thế nào về thị trường truyện tranh Việt Nam?
- Những năm gần đây, thị trường truyện tranh Việt Nam đã bắt đầu sôi động. Ngày càng nhiều họa sĩ ra mắt tác phẩm, nhiều người gặt hái thành không chỉ ở trong nước mà còn ra quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, vẫn còn mối lo tác giả có bị giữa đường đứt gánh hay không. Những vấn đề cơm áo gạo tiền nhiều khi rất khó để nghệ sĩ cân bằng với việc sáng tác.
- Theo anh, những cái khó của họa sĩ truyện tranh cụ thể là gì?
- Ở Việt Nam, hầu hết tác giả đều tự “bơi”. Họ không có bất kỳ khoản đặt cọc hay ứng trước để phục vụ quá trình sáng tác. Thời gian từ lúc bắt đầu vẽ, biên tập, duyệt bản thảo… đến khi nhận được thành quả tài chính khá lâu, thậm chí lên tới cả năm. Bởi vậy, họa sĩ truyện tranh chưa thể sống được bằng nghề. Bản thân tôi cũng mất 5 - 6 năm đầu chật vật vừa sáng tác, vừa làm thêm công việc khác. Mãi sau này, nhờ những cuốn trước được tái bản, cho nguồn thu tạm đủ mới có thể chuyên tâm sáng tác các truyện tranh sau.
Nói chung, để truyện tranh mang lại nguồn sống cho tác giả đòi hỏi thời gian dài kiên trì. Tôi hy vọng tác giả truyện tranh Việt Nam sẽ có thêm hỗ trợ từ phía nhà xuất bản hoặc có chính sách hỗ trợ nào đó để họ yên tâm sáng tác.
- Chúng ta không thiếu họa sĩ có thực lực nhưng số lượng đầu sách ra mắt của tác giả Việt lại không nhiều. Liệu những gì anh vừa nói có phải là nguyên nhân?
- Chúng ta có rất nhiều họa sĩ giỏi nhưng vì nhiều lý do nhiều bạn lựa chọn những mặt khác liên quan đến mỹ thuật, ví dụ vẽ minh họa, vẽ game, gia công cho các sản phẩm hoạt hình của nước ngoài... Nhìn ra một số nước như Nhật Bản, truyện tranh trở thành ngành công nghiệp với quy chuẩn nhất định. Chỉ cần phát hiện tài năng, ngay lập tức họ sẽ đi vào một dây chuyền với các bước hỗ trợ cụ thể về hợp đồng, văn phòng làm việc, đội ngũ trợ lý… Chưa kể, hàng loạt sản phẩm phái sinh cũng sẽ “ăn theo”, để cộng hưởng giá trị. Còn ở Việt Nam, phần lớn tác giả tự lo, nhà xuất bản hay các đơn vị phát hành chủ yếu chỉ đảm nhiệm khâu biên tập, góp ý nội dung, đưa sách ra thị trường.
- Được biết, kế hoạch của anh là tập hợp những bạn trẻ có đam mê sáng tác truyện tranh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thể loại này ở Việt Nam?
- Tôi đang bắt tay mở studio riêng kết nối những người trẻ cùng sở thích, đam mê. Ngoài sáng tác, studio cũng hướng đến nghiên cứu, phát triển sản phẩm khác như đồ chơi, văn phòng phẩm mang thương hiệu Mèo Mốc. Điều tôi ấp ủ là làm sao ý tưởng sáng tạo của các họa sĩ được đi vào cuộc sống, tạo nên nhiều sản phẩm chất lượng, đóng góp vào thị trường truyện tranh Việt Nam.
- Xin cảm ơn họa sĩ!