Truyền tình yêu cồng chiêng cho con trẻ
Sau mấy lần hẹn, tôi cũng gặp được nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm ở nhà văn hóa cộng đồng buôn M’duk, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, giữa đám trẻ 7 - 8 tuổi, mỗi đứa cầm một cái chinh Kram (chiêng tre), tay nhịp gõ tạo nên âm thanh rộn ràng. Ông nói: “các buôn xa gần gọi đi tập chiêng cho lũ trẻ liên miên, buôn nào gần thì cũng đến khuya mới về. Bữa nay về tập mấy bài chiêng mới cho lũ trẻ trong buôn”.
![]() Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm hướng dẫn cách đánh chiêng |
Y Hiu nói, ở Tây Nguyên, chiêng của các dân tộc Êđê, Ba Na, M’nông, Ja Rai, Xê Đăng, Mạ, Chu Ru... có bản sắc, cách diễn xướng riêng. Chính những nét khác biệt đó dung hòa và tạo nên không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên độc nhất vô nhị. Nhưng thời kinh tế hội nhập, văn hóa cồng chiêng bắt đầu bị mai một, người biết chơi chiêng cũng thưa vắng dần. Lũ trẻ bây giờ thích các loại nhạc pop, rock hơn âm nhạc truyền thống. Trước đây nhà nào cũng có một bộ chiêng, như là báu vật gia truyền, thì nay cộng cả 3 buôn M’duk, Alê A và Alê B cũng chỉ còn dăm bộ, nhưng cũng không còn đủ số lượng, bị lạc tiếng... Làm gì để cho thứ âm thanh của nguồn cội vang mãi trong các buôn làng Tây Nguyên là trăn trở của những nghệ nhân như Y Hiu. Bắt đầu tập đánh chiêng cho con cháu mình, rồi những đứa trẻ hàng xóm, Y Hiu nhận ra rằng, muốn bọn trẻ yêu cồng chiêng phải tạo cho chúng niềm đam mê, hứng thú; sao cho chúng xem mỗi bài chiêng như một câu chuyện thú vị chẳng kém gì truyện tranh hiện đại của Nhật Bản.
Từ năm 2002 đến nay, Y Hiu truyền dạy cồng chiêng cho bọn trẻ trong buôn. Ông giải thích ý nghĩa lời chiêng, qua đó mỗi bài chiêng là một câu chuyện hùng tráng, hấp dẫn, thấm đẫm văn hóa dân tộc. Lúc đầu chỉ dăm đứa học miễn cưỡng, về sau hàng chục đứa trong buôn, thậm chí nhiều đứa trẻ ở buôn lân cận cũng sang xin học ké. Ông mở lớp ngay tại nhà, dạy đánh chiêng miễn phí cho bọn trẻ. Không có chiêng đồng, ông chế tác chiêng tre để bọn trẻ thực hành. Khi bọn trẻ đã thành thạo chơi chiêng tre, Y Hiu đi mượn, hoặc bỏ tiền thuê các bộ chiêng đồng về dạy cho chúng diễn tấu những bài chiêng cổ được xem là kinh điển của dân tộc mình. Trước Y Hiu, nhiều nghệ nhân cũng dạy cồng chiêng cho trẻ em, nhưng do không thể truyền niềm đam mê chiêng cho chúng, nên hầu hết các lớp dạy chiêng đứt gánh giữa đường. Thông thường trong đội chiêng, mỗi người chỉ giỏi sử dụng một chiếc chiêng ở vị trí nhất định. Vậy nên để dạy cho đội chiêng có từ 7 người trở lên, người dạy phải vừa tinh thông nghệ thuật đánh chiêng, vừa có thể chơi giỏi tất cả các vị trí. Y Hiu là một trong rất ít người làm được điều đó. Ông cho biết, bí quyết là dạy chiêng phải đi đôi với nghiên cứu, khám phá, đúc rút kinh nghiệm, để đạt trình độ giỏi hơn và tìm ra phương pháp dạy phù hợp nhất.
Hơn 10 năm, Y Hiu không nhớ có bao nhiêu đội chiêng trẻ của các buôn làng được ông đào tạo và thành danh. Lần theo quyển sổ cũ kỹ ghi lại lịch hẹn dạy chiêng, chúng tôi ước tính đã có hơn 600 đứa trẻ khắp các buôn Êđê gần xa ở Đăk Lăk được Y Hiu thổi niềm đam mê và dạy diễn tấu cồng chiêng. Riêng đội chiêng trẻ của buôn M’duk từ năm 2004 đến nay, năm nào cũng giành giải vàng, bạc tại các liên hoan cồng chiêng cấp thành phố, cấp tỉnh. Tuy vậy, nghệ nhân Y Hiu vẫn lo lắng về sự mai một của nghệ thuật cồng chiêng. Cuộc sống hiện đại với nhiều thứ văn hóa du nhập, lối sống xô bồ đang làm cho giới trẻ xa dần văn hóa truyền thống. Việc truyền dạy cồng chiêng của ông hoàn toàn tự thân, tự nguyện và miễn phí. Đến tiền thuê cồng chiêng đồng để dạy cho bọn trẻ cũng do ông bỏ ra. Vậy nên, để những người như Y Hiu thực sự cống hiến hết mình cho công tác bảo tồn di sản không gian văn hóa cồng chiêng, chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan cần hỗ trợ về công cụ giảng dạy, thù lao... Khi không còn lăn tăn chuyện cơm, áo, gạo, tiền, họ sẽ dành hết tâm huyết cho niềm đam mê.