Cánh hạc trên đồng cỏ
“Gặp mẹ trong mơ” là bài hát Mông Cổ trở nên nổi tiếng khi em bé mồ côi 12 tuổi Uudam thể hiện trong chương trình China Got’s Talent 2011. Ca khúc làm rung động hàng triệu con tim trên toàn thế giới bởi nét giai điệu đẹp, giọng hát hay và câu chuyện xúc động của em bé Uudam.
Ca từ bằng ngôn ngữ địa phương vùng Nội Mông, kể về em bé bất hạnh không còn mẹ, hằng đêm em mơ thấy được cưỡi chim hạc bay trong trời đất bao la đến gặp mẹ nơi thiên đàng.
Mẹ đã cho em dòng sữa mát lành. Mẹ cầu nguyện cho em. Mẹ che chở cho em. Mẹ hát cho em nghe những khúc hát êm đềm.
Trên thảo nguyên bao la, với những đồng cỏ xanh tươi ngút ngàn, em ngày đêm chờ đợi mẹ cưỡi chim hạc trở về với em trong căn lều yên ấm.
Uudam kể, buổi sáng khi thức dậy bao giờ em cũng hát bài này, em hát vì nhớ mẹ, hát để mẹ yêu dấu ở nơi thiên đàng nghe thấy em. Uudam mơ ước phát minh ra một loại mực mà khi đổ xuống đất nó sẽ biến cả mặt đất thành đồng cỏ xanh tươi, để nơi đâu trên trái đất này cũng giống như thảo nguyên quê hương em.
Đơn giản mà không đơn điệu
“Gặp mẹ trong mơ” được viết ở giọng La thứ, tempo chậm (56), nhịp 4/4, sử dụng hệ thống thang âm 6 âm điển hình của âm nhạc phương Đông nói chung và chất dân ca Mông Cổ nói riêng. Có lẽ vì thế mà ca khúc mang đậm chất thảo nguyên với nét nhạc buồn mênh mang và khoan thai, chẳng biết đâu là tận cùng, chẳng thấy đâu là bờ bến, chỉ thấy tựa như cảnh sắc, phong tục tập quán, đời sống du mục của người dân Mông Cổ.
Âm nhạc trong ca khúc không viết theo một cấu trúc nhất định, mà viết theo dòng chảy cảm xúc. Cả bài chỉ có ba câu nhạc vừa và ngắn, câu thứ hai thực chất chỉ là phát triển thêm trên cơ sở từ câu nhạc thứ nhất, câu thứ ba có thể hiểu như một điệp khúc; nghĩa là cấu trúc bài hát đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn được nữa.
Ở mỗi câu nhạc, xuất hiện một mô típ lặp đi lặp lại về mặt tiết tấu, giữa các câu vẫn là mô típ ấy nhưng chỉ phát triển thêm lên để diễn tả cảm xúc, kết thúc câu bao giờ cũng quay về âm chủ.
Một điểm đặc biệt nữa là cao trào luôn xuất hiện hết sức tự nhiên, không xây dựng hẳn chủ đề chính để đưa lên thành cao trào, cũng không có sự tái hiện.
Những thủ pháp đơn giản ấy tưởng sẽ gây nên sự nhạt nhẽo và nhàm chán. Nhưng hoàn toàn ngược lại, sự thống nhất về tiết tấu, về giai điệu, về đường hướng phát triển của tuyến giai điệu đã tạo nên tính ổn định cao, làm cho âm nhạc thật sự giàu cảm xúc. Chính vì thế mà ca khúc dễ nhớ, dễ hiểu, dễ cảm nhận, dễ lay động lòng người.
Từ thảo nguyên đến... sóng truyền hình
Bằng dáng vẻ chững chạc và bình tĩnh khác thường của đứa trẻ sống đời du mục, Uudam hát với niềm say mê tột cùng, chất chứa khát khao mãnh liệt bởi những tình cảm đau thương bị dồn nén lâu ngày... |
Uudam là đứa trẻ mồ côi bất hạnh. Lúc em 9 tuổi, mẹ em qua đời vì tai nạn giao thông. Hai năm sau lại đến lượt bố em bị tai nạn vĩnh viễn không bao giờ trở về nhà.
Một mình côi cút, bơ vơ trên thảo nguyên rộng lớn, bài hát đã trở thành sợ dây mỏng manh kết nối em với mẹ cha mỗi khi đêm về hay mỗi buổi sáng ban mai thức dậy.
Tuổi thơ nghèo khó nhọc nhằn, em không có điều kiện học nhạc, em chỉ biết hát “Gặp mẹ trong mơ” bằng những rung động sâu sắc từ trái tim em.
Trước đó 3 năm, Uudam được nghe anh Baator Dorji hát trong dàn đồng ca thiếu nhi Colorful Hulunbeier của Mông Cổ. Uudam cũng được tham dự dàn đồng ca này. Baator hát “Gặp mẹ trong mơ” ở giọng Đô thứ, với chất giọng chuyên nghiệp, cao vút, trong trẻo đầy mê hoặc. Ai nghe Baator hát cũng phải khóc, chính Baator mỗi lần hát xong cũng khóc.
Uudam tự học hát “Gặp mẹ trong mơ” và cũng hát ở giọng Đô thứ, nhưng em đặt cả trái tim mình vào đó. Giọng Uudam lên cao sẽ khó khăn hơn Baator, không khỏe và trong trẻo bằng Baator. Bù lại, bằng dáng vẻ chững chạc và bình tĩnh khác thường của đứa trẻ sống đời du mục, Uudam hát với niềm say mê tột cùng, chất chứa khát khao mãnh liệt bởi những tình cảm đau thương bị dồn nén lâu ngày.
Với chất giọng mềm mại, du dương và truyền cảm đậm sắc thảo nguyên Mông Cổ, giọng hát của Uudam như mũi dao sắc cứa vào con tim tất cả người nghe. Bởi thế mà trong phòng hòa nhạc hôm ấy, cả Ban giám khảo và 1.300 khán giả chẳng ai hiểu nội dung ca từ bằng tiếng Nội Mông, nhưng Uudam đã làm cả khán phòng bật khóc.
Ca sĩ Yi Neng Jing đã ôm chặt Uudam vào lòng mà thốt lên rằng, em có thể gọi cô là “Yi Mama” - nghĩa là người mẹ yêu quý.
Chỉ tiếc rằng khi phát sóng chương trình China Got’s Talent, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã thay giọng hát của Uudam bằng giọng của Baator. Một lần nữa Uudam lại bất hạnh bởi sự nổi dậy của khán giả Trung Quốc khi chưa hiểu hết đầu đuôi câu chuyện.
Thật may mắn, khi giới chuyên môn đã tập trung phân tích, tất cả đều công nhận giọng hát của Uudam tuy không khỏe, không chuyên nghiệp bằng Baator nhưng khi xếp cùng nhau sẽ một chín một mười.
Trong một cuộc phỏng vấn, Baator đưa ra ý kiến: Tôi biết Uudam từ nhỏ, em có giọng hát truyền cảm và đặc biệt, em hoàn toàn có thể hát rất hay ca khúc “Gặp mẹ trong mơ”; việc em đến với cuộc thi có thể chỉ với mục đích dùng tiếng hát của em để thể hiện tình cảm với người mẹ đã mất; vấn đề ở chỗ không hiểu sao đài truyền hình lại làm như thế đối với Uudam?…
Lu Wei, giám đốc tổ chức “Talent Show” đã khẳng định, tại sân khấu, Uudam hát thật. Theo ông, việc cậu bé Uudam 12 tuổi không được học nhạc mà hát nhép qua mặt được 1.300 khán giả và ba chuyên gia âm nhạc làm giám khảo là không thể.“Khi nghe cậu bé nghèo khổ mồ côi cả cha lẫn mẹ hát bài “Gặp mẹ trong mơ”, không chỉ có tôi bật khóc, mà cả khán phòng đều bật khóc. Vậy nên ai đó bảo Uudam hát nhép, hay cố tình làm việc gì đó không hay phía sau, như thế là quá tàn nhẫn với Uudam!” - Giám đốc Lu Wei cho biết.
Sự cố lồng tiếng sau đó của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc là rất tiếc. Nhưng bỏ lại tất cả những chuyện ầm ĩ không hay ở phía sau, bài hát “Gặp mẹ trong mơ” cùng với Uudam và Baator đã vượt ra khỏi biên giới Nội Mông, ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, đến mọi nơi trên thế giới và được đông đảo công chúng đón nhận với niềm xúc động lạ kỳ.
Ca khúc được viết thêm lời tiếng Anh và tiếng Việt, được nhiều ca sĩ ở cả Việt Nam và thế giới thể hiện, trong đó có ca sĩ Hải Yến, Thùy Chi và bé Bảo An. Nhưng chỉ trong nguyên bản tiếng Mông Cổ, mới có được những luyến láy nhỏ rất hay mà chẳng ngôn ngữ nào có thể có được.