Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Truyền thông từ sớm, từ xa

- Thứ Bảy, 18/12/2021, 09:54 - Chia sẻ
Tổ chức truyền thông từ sớm, từ xa các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm cung cấp thông tin chính sách, pháp luật đến người dân, doanh nghiệp... là một trong những mục tiêu được Bộ Tư pháp đặt ra trong quá trình xây dựng Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”

Truyền thông chưa xong, phổ biến chưa tới

Liên quan đến việc lấy ý kiến, truyền thông về chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có rất nhiều quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Đơn cử, Khoản 3, Khoản 6, Điều 5,  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2020 đã quy định nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL theo hướng bảo đảm tính minh bạch trong quy định của VBQPPL, tính công khai, dân chủ trong tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức. 

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được tổ chức thường xuyên

Nguồn ITN

Hay, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 13 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định các thông tin pháp luật phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, đoàn thể trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), trong đó có dự thảo VBQPPL để lấy ý kiến theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động truyền thông về chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL chưa được triển khai đồng bộ, có hiệu quả; việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo VBQPPL chủ yếu được thực hiện thông qua đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, hiệu quả còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, chủ yếu thực hiện phổ biến, tuyên truyền đối với các VBQPPL đã được ban hành.

Chẳng hạn, trên trang web duthaoonline.quochoi.vn, một số đề nghị xây dựng và dự thảo luật dự kiến thông qua tại Quốc hội Khóa XV không có ý kiến góp ý như: đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); đề nghị sửa đổi, thay thế Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh danh bất động sản 2014; Luật Kinh doanh bảo hiểm... Hay, trên Chuyên mục “Lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo VBQPPL” thuộc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ: Các dự thảo VBQPPL đã hết thời hạn góp ý nhưng không có lượt ý kiến góp ý như: Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 28.3.2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP…

Sự thiếu hụt này đã ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo của VBQPPL và trách nhiệm giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo VBQPPL của các cơ quan chủ trì soạn thảo; làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính công khai, minh bạch của văn bản, giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách sau khi được ban hành, qua đó tác động đến sự phát triển của đời sống, kinh tế, xã hội…

Cần đa dạng các hình thức truyền thông chính sách, pháp luật.
Nguồn ITN

Một số VBQPPL mặc dù đã thực hiện xong quy trình xây dựng dự thảo nhưng không được thông qua và ban hành do chất lượng soạn thảo và tính đồng thuận xã hội còn hạn chế; có VBQPPL do chưa thực hiện truyền thông định hướng, dẫn dắt ngay từ khâu soạn thảo nên ngay sau khi được ban hành đã xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách từ cộng đồng xã hội, từ đó làm giảm đến hiệu quả thi hành và chất lượng của văn bản.

Gắn trách nhiệm cho cơ quan chủ trì soạn thảo

Kinh nghiệm một số quốc gia như ở Canada, công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật từ khâu soạn thảo được thực hiện thông qua tham vấn cộng đồng dưới nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, hội thảo, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Thông tin điện tử, trang mạng xã hội; việc tham vấn rất chú trọng đối tượng là luật sư, cán bộ thi hành, bảo vệ pháp luật. Hay, ở Nhật Bản, các bộ thuộc Nội Các Nhật Bản là cơ quan chịu trách nhiệm về xây dựng pháp luật đều có một website riêng để thông tin chi tiết về tình hình soạn thảo các văn bản luật mới. Trong quá trình soạn thảo văn bản, mỗi Bộ thành lập một Hội đồng nghiên cứu tham gia xây dựng chính sách, dự thảo văn bản để tiến hành các cuộc tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng và phỏng vấn chuyên sâu về dự thảo chính sách pháp luật, làm cơ sở công bố báo cáo cuối cùng để đưa ra các chiến lược, chính sách, quy định khả thi. Đến giai đoạn trình dự thảo luật lên Quốc hội, Nội Các mở một địa chỉ website “Ý kiến cộng đồng” để người dân góp ý về dự thảo chính sách, quy định mới.

Gắn trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản
Nguồn ITN

Theo đề xuất tại Dự thảo Đề án, việc truyền thống được áp dụng đối với các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL với các tiêu chí:  các chính sách trong các dự thảo VBQPPL mà Luật Ban hành VBQPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL trước khi tiến hành soạn thảo; Tác động trực tiếp, cụ thể đến quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; Mức độ tác động của chính sách được xác định trên phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện kể từ khi cơ quan chủ trì soạn thảo lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL đến khi thông qua, ban hành VBQPPL.

Dự thảo Đề án cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, nhất của cơ quan chủ trì soạn thảo. Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo phải thực hiện các hoạt động nhằm cung cấp thông tin một cách rộng rãi đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội về nội dung của chính sách; đồng thời, tiếp nhận, xử lý, giải trình, trả lời các vấn đề được xã hội quan tâm liên quan đến nội dung chính sách thông qua hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, mạng xã hội. Để làm được điều này, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu đăng tải trên Cổng/Trang Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương, Cổng Thông tin điện tử quốc gia về PBGDPL; các ứng dụng mạng xã hội, các kênh báo chí, truyền thông.

Nguyễn Minh