Truyền thông trong đại dịch Covid-19

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 04:15 - Chia sẻ
“Chính phủ cần có một chiến lược truyền thông đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như cho phục hồi kinh tế”, ĐBQH Đặng Xuân Phương (Nghệ An) nêu ý kiến như vậy trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều ngày 9.11.2021. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, nỗ lực phòng, chống dịch bệnh cần gắn liền với chiến lược truyền thông minh bạch, khoa học và chuyên nghiệp.

Virus Corona được ví như kẻ thù vô hình mà kẻ thù ấy chỉ có thể bị đánh bại bởi truyền thông minh bạch và tri thức khoa học. Thông tin khoa học có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hướng dẫn hành vi phòng, chống dịch đồng thời đẩy lùi thông tin sai lệch, lừa dối về dịch bệnh. Việc thiếu thông tin khoa học đầy đủ về loại virus này khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát đã khiến nhiều quốc gia buộc phải áp dụng chiến lược “thử và sai” và một số quốc gia đã phải trả giá cho những sai lầm không thể khắc phục.

Từ tháng 3.2021 đến tháng 7.2021, người viết đã thực hiện một khảo sát toàn quốc với 1.260 người ở các tổ chức công, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi chính phủ, công nhân trong các khu công nghiệp và lao động tự do về hành vi tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh của họ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, truyền hình là nguồn tin chủ yếu của người dân về đại dịch (76,3%), tiếp đó là mạng xã hội (76%) và báo mạng điện tử (75,2%). Trong khi đó, chỉ có 9,8% số người được khảo sát sử dụng báo in như nguồn tin chính về đại dịch.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra mối tương quan thuận chiều giữa truyền thông về dịch bệnh và niềm tin của người dân vào Chính phủ. Hoạt động truyền thông về dịch bệnh của Chính phủ càng dễ hiểu và minh bạch bao nhiêu thì người dân càng tin Chính phủ bấy nhiêu. Chính phủ không chỉ cần truyền thông về diễn biến dịch, các giải pháp phòng chống dịch mà còn cần phổ biến thông tin khoa học về bản chất của dịch bệnh. Trong bối cảnh tin giả, thông tin sai lệch về dịch bệnh tràn lan, thông tin chính thống cần dễ hiểu, đáng tin cậy, minh bạch và nhất quán.

Niềm tin của người dân vào Chính phủ phụ thuộc vào cách thức Chính phủ cung cấp các thông tin khoa học và kỹ thuật về dịch bệnh. Những thông tin này là nền tảng cho các quyết sách, giải pháp ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ. Điều này cũng có nghĩa là, quyết sách, giải pháp của Chính phủ cần dựa trên các cơ sở khoa học vững vàng. Khi tri thức khoa học hòa quyện với ý chí chính trị thì các quyết sách, giải pháp sẽ đi vào thực tiễn và được người dân ủng hộ. Đây cũng là lý do tại sao ở một số quốc gia trên thế giới, người dẫn dắt chiến dịch chống dịch là một hoặc một nhóm các nhà khoa học, chứ không phải các nhà chính trị.

Ở Việt Nam, các cơ quan báo chí đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Đây là lợi thế của Việt Nam trong quá trình điều phối chiến dịch thông tin về dịch bệnh so với các quốc gia có nền báo chí tư nhân. Tuy nhiên, lợi thế này chỉ có thể được phát huy một cách thực chất và hiệu quả khi chúng ta có một chiến lược rõ ràng, nhất quán, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Muốn như vậy, thông điệp về dịch bệnh cần đơn giản để làm sao những người dân bình thường nhất có thể hiểu được, hiểu như nhau và chỉ hiểu theo một cách duy nhất.

Trong nghiên cứu Truyền thông Chính phủ và sự ủng hộ chính sách của người dân tại Hàn Quốc, hai nhà nghiên cứu Dong-Young Kim và Junseop Shim chỉ ra, khi người dân đánh giá tích cực truyền thông Chính phủ, họ sẽ cho rằng, Chính phủ linh hoạt, đáng tin cậy, cởi mở và công bằng. Ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, Chính phủ tuyên bố, Việt Nam công khai, không có gì giấu diếm Nhân dân, giấu diếm thế giới. Đến thời điểm này khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu khi nào sẽ kết thúc, chiến lược truyền thông không chỉ cần công khai mà còn cần thực chất, khoa học và chuyên nghiệp.

TS. Vũ Thanh Vân