Trong phóng sự có tựa đề "Việt Nam kỷ niệm 79 năm ngày độc lập" Voces Del Periodista - diễn đàn học thuật và là tiếng nói của các nhà báo Mexico, nhắc lại nội dung trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó khẳng định quan điểm nhất quán luôn coi “dân là gốc” là nguồn cội cho mọi chiến thắng của cách mạng Việt Nam, cả trong quá khứ cũng như hiện tại.
Mở đầu bài viết trên Voces Del Periodista, tác giả Mouris Salloum George kể lại cho đọc giả Mexico và Mỹ Latin về bối cảnh ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những ngày tháng 9 lịch sử cách đây tròn 79 năm, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Theo tác giả, đây không chỉ là thời điểm khai sinh của một quốc gia độc lập, mà còn là của một chính thể cách mạng mà sau này đã trở thành hình mẫu cho nhiều phong trào tiến bộ trên thế giới.
Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc và sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, vẫn còn nguyên giá trị. Từ đó đến nay, chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng.
Theo tác giả Mouris Salloum George, đồng thời là Chủ tịch Hội nhà báo Mexico, những giá trị mang tính cốt lõi đó đóng vai trò như “con thuyền” vững chãi, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn sóng gió, thử thách đến chiến thắng trong 2 cuộc chiến giành độc lập, cũng như đạt được nhiều thành tựu phi thường trong công cuộc tái thiết và phát triển đất nước.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hoá, xã hội. Tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, lạm phát được kiểm soát, tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng được cải thiện.
Trên thực tế, những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, trong đó gần nhất là Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 4.2024, đưa Việt Nam vào top 10 với dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6,4% trong giai đoạn 2024-2029.
Bên cạnh đó, hai hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là S&P và Fitch Ratings đều xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức BB+ với triển vọng “Ổn định”, trong khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã nâng Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII) trong năm 2023 của Việt Nam thêm 2 bậc, xếp 46/132 nền kinh tế.
Đặc biệt, theo báo mới nhất của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Việt Nam được xếp trong nhóm các nước có Chỉ số Phát triển con người (HDI) cao với 0,726 điểm trong năm 2022, tăng 8 bậc, đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là bước tiến thần kỳ khi HDI của quốc gia Đông Nam Á này năm 1990 mới chỉ ở mức 0.492 điểm.
Đề cập tới trường phái ngoại giao cây tre vô cùng độc đáo của Việt Nam, Voces Del Periodista, diễn đàn của 45.000 nhà báo chuyên nghiệp tại Mexico, diễn giải việc dùng hình ảnh cây tre để làm biểu tượng, bản sắc ngoại giao Việt Nam là bởi cây tre có gốc vững, thân chắc và cành uyển chuyển, trong đó gốc vững chính là thực lực, thân vững chính là lợi ích quốc gia và cành lá uyển chuyển là cách thức ứng xử trong ngoại giao.
Theo đó, Voces Del Periodista khẳng định trường phái "ngoại giao cây tre" rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi thế giới chứng kiến nhiều biến động, do đó các quốc gia cần linh hoạt ứng phó hiệu quả với những biến đổi của tình hình. Đây là hình mẫu đối ngoại đầy hiệu quả và mang tính tham chiếu cho nhiều quốc gia trên thế giới.