Truyền thông của một nền văn hóa phải có văn hóa
PGs, Ts Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, trong sự phát triển của báo chí Việt Nam, việc truyền thông những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo Việt Nam muốn truyền thông về văn hóa phải giải mã, nhận diện được bản sắc văn hóa Việt.
Nhiệm vụ xuyên suốt nền báo chí hiện đại Việt Nam từ khi ra đời, là truyền thông về nền văn hóa Việt, với tất cả sinh hoạt văn hóa của người Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dựa trên nền tảng hai mối quan hệ lớn nhất về ứng xử văn hóa: đó là ứng xử của người Việt với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nhằm tạo lập hai loại giá trị trong lịch sử tồn tại của mình: giá trị văn hóa vật chất và tinh thần. Kể từ tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ thuộc nửa đầu thế kỷ XX, văn hóa Việt Nam đã được nhận diện và truyền thông, dù bấy giờ, Việt Nam là thuộc địa của thực dân Pháp, giao lưu với văn hóa phương Tây. Trong suốt giai đoạn cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, diễn đàn báo chí truyền thông Việt vẫn cố gắng nhận diện văn hóa truyền thông nhằm thúc đẩy văn hóa hiện đại phát triển, hội nhập bối cảnh mới.
Câu hỏi lớn nhất đặt ra cho văn hóa Việt hiện đại, trong phát triển và hội nhập quốc tế hôm nay là làm cách nào để hiểu văn hóa Việt, và văn hóa Việt sẽ phát triển như thế nào? Phát biểu tại hội thảo Cơ sở lý luận và thực tiễn, các phương pháp tiếp cận và phương pháp luận nghiên cứu về văn hóa truyền thông đại chúng vừa diễn ra ở Hà Nội, PGs, Ts Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: không dễ khi đi tìm bản sắc văn hóa Việt, hơn nữa, truyền thông một nền văn hóa trước hết phải có văn hóa. Vì thế, phải bắt đầu bằng cách đổi mới tư duy, ngay từ lĩnh vực giáo dục. Đây là nhiệm vụ lớn nhất mà giới truyền thông Việt phải đảm đương. Đó là phải truyền thông về sự phát triển văn hóa Việt trên cơ sở hiểu được bi kịch của sự phát triển, chỉ khi ấy mới có văn hóa thực sự trong truyền thông.
Trong ứng xử với môi trường tự nhiên, từ ăn, mặc, đi lại... vốn tạo lập giá trị văn hóa vật chất cho sự phát triển xã hội hiện đại, đã và đang hiện diện những thói hư tật xấu cần phê phán và loại bỏ. Rồi cách ứng xử văn hóa với môi trường xã hội, bắt đầu từ gia đình đến xã hội. Do đó, đổi mới tư duy hiện đại mới giải quyết được bi kịch về văn hóa trong sự phát triển của văn hóa Việt. Theo Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ, báo chí truyền thông đang sáng tạo ra văn hóa, người làm truyền thông ngoài việc hiểu văn hóa, có tư duy mới, cũng cần phân biệt đâu là văn hóa và phản văn hóa để truyền thông tin tới đối tượng chúng ta mong muốn. Với khối lượng thông tin khổng lồ được chuyển tải từng giây, từng phút qua các phương tiện thông tin đại chúng, internet, điện thoại thông minh... công chúng có thể tiếp cận tất cả thông tin tại bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, và vì thế không đủ khả năng kiểm soát luồng thông tin đó. Vì vậy, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong kỷ nguyên số cần đưa lên hàng đầu. Ở đây, nhận diện được văn hóa chuẩn là cần thiết, người làm truyền thông khi đó mới thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và đạo đức công dân, thông tin đưa ra bảo đảm không có hại cho xã hội.
Trong bối cảnh kinh tế dựa chủ yếu vào tri thức thì quan niệm văn hóa là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trở nên thuyết phục. PGs.Ts Phạm Thái Việt, khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao cho rằng, nên chăng cần xây dựng nền công nghiệp văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu truyền thông đại chúng hiện nay. Nếu quan niệm lĩnh vực văn hóa chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng đạo đức, lối sống con người, thì chưa đủ. Văn hóa còn là động lực phát triển kinh tế. Việc gắn kết văn hóa với kinh tế đang là xu thế được quan tâm để hướng tới phát triển kinh tế nhân văn, khơi dậy các nguồn lực văn hóa của dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, bảo vệ môi trường sinh thái. Do đó, cần nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia quá trình phát triển công nghiệp văn hóa. Trước hết, thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo, quản lý; quy hoạch lại lĩnh vực công nghiệp văn hóa, xác định những lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên đầu tư. Cần có chủ trương và biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh về vai trò đặc biệt của các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa. Các chủ thể sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ trên lĩnh vực này không thể chạy theo lợi nhuận đơn thuần, mà phải tính đến những tác dụng khác của sản phẩm truyền thông như: giáo dục, chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sốëng, bản sắc văn hóa...