ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội): Đúng là nên đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa!
Trước hết, phải khẳng định rằng, chủ đề Diễn đàn là “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” đã xác định rõ yếu tố cốt lõi trong phát triển kinh tế. Đó là phải ổn định kinh tế vĩ mô - nền tảng cho sự ổn định kinh tế quốc gia.
Điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang trong một thế giới có rất nhiều biến đổi khó lường. Điều rất quan trọng đối với chúng ta là khả năng chống chịu, khả năng quản trị rủi ro. Chúng ta rất khó kiểm soát được những diễn biến của môi trường kinh doanh đầu tư. Vì vậy, để kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn sau đại dịch, cũng như có sức chống chịu tốt hơn trong tương lai khi kinh tế thế giới đang thay đổi không ngừng thì phải lưu ý đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong điều hành chính sách vĩ mô cần có sự kết hợp với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, tôi nhất trí với khuyến nghị của các chuyên gia trong phiên tọa đàm cấp cao, rằng chúng ta nên đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa bởi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, và ngay lập tức chúng ta phải xây dựng chương trình quản trị rủi ro cho cả nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội phải xây dựng phương án quản trị rủi ro. Và trong hoạt động của doanh nghiệp cũng vậy. Đây được coi là năng lực cạnh tranh cốt lõi cho doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân. Do đó, trong quản lý vĩ mô cũng như trong quản lý về doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Hỗ trợ doanh nghiệp để giữ đà tăng trưởng
Tại Diễn đàn cũng như trong các nhận định của giới phân tích đã nói rất nhiều đến tăng trưởng bền vững, ổn định vĩ mô, nhất là sau những biến động do đại dịch Covid-19 gây ra.
Kinh tế Việt Nam đang trong đà tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới vừa có lạm phát cao vừa có tín hiệu về suy thoái, điều này sẽ tác động rất mạnh đến kinh tế Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là sự sụt giảm thị trường tiêu dùng quốc tế làm cho xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Lạm phát của thế giới cũng đẩy sức ép đối với đồng tiền của Việt Nam, và như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến việc bảo đảm chỉ số lạm phát.
Rõ ràng, chúng ta đã thấy những bất ổn của kinh tế thế giới cũng có tác động tới kinh tế Việt Nam, trước hết là đến cầu tiêu dùng của xuất khẩu, tiếp theo là đến tỷ giá, và từ đó sẽ tác động đến lạm phát.
Vì vậy, tôi cho rằng, Việt Nam đang trong đà tăng trưởng tốt thì cần phải có các nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng đó. Nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới đang thu hẹp, chúng ta phải đa dạng hóa thị trường thế giới, doanh nghiệp phải có đủ tiềm lực để tiếp cận và giữ chân thị trường. Đó sẽ là những cơ sở quan trọng để tiếp tục duy trì được thị trường cho nền kinh tế không chỉ đến cuối năm 2022 mà còn sang năm 2023.
Chương trình hỗ trợ để phục hồi kinh tế đã được triển khai khá toàn diện kể cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc triển khai các chính sách chưa được nhiều, còn khá chậm. Do đó, kỳ vọng thời gian tới các chính sách hỗ trợ đó cần được thúc đẩy để giúp cho các đối tượng doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng, bảo đảm kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định.
PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính: Cung cấp nhiều thông tin quý cho đại biểu Quốc hội
Diễn đàn tập hợp tiếng nói, trí tuệ của nhiều bên: Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; của cả các cơ quan thực thi chính sách, cơ quan làm chính sách, các nhà khoa học và chuyên gia. Sự lắng nghe từ nhiều bên sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách tìm ra được đối sách phù hợp nhất.
Đặc biệt, thông qua Diễn đàn này đã truyền tải được thông điệp quan trọng của nước ta trong giai đoạn 2022 - 2025. Đó là Việt Nam tiếp tục duy trì, ổn định nền kinh tế vĩ mô; Việt Nam không đánh đổi, không hy sinh việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô cho các mục tiêu trước mắt. Trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định, thì việc bảo đảm, củng cố kinh tế vĩ mô rất quan trọng, là nền tảng. Và cũng qua Diễn đàn này, các đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều thông tin để đánh giá báo cáo kinh tế - xã hội, chất vấn vào kỳ họp cuối năm sắp tới.
Liên quan đến chủ đề của phiên thảo luận 2, tôi cho rằng các chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả, tôi cho việc lập kế hoạch trước khi thực thi rất quan trọng. Lập kế hoạch càng cụ thể, chi tiết thì khi thực hiện sẽ càng thuận lợi. Ví dụ như việc giải ngân chậm là do công tác lập kế hoạch đầu tư công chưa cụ thể, chi tiết, từ đó khiến việc giải ngân rất khó. Do đó, nguyên tắc chung là ngay từ đầu việc lập kế hoạch càng cụ thể, chi tiết thì triển khai giải ngân càng thuận lợi, nhanh gọn hơn.