“Tham quan không gian tái hiện Tết cổ truyền, tôi được hòa mình vào không khí Tết, hiểu rõ ý nghĩa của nhiều hoạt động trong ngày Tết như gói bánh chưng, làm cây nêu, bày mâm ngũ quả, phong tục Tết của những vùng miền khác nhau… Điều đó giúp mình thêm yêu Tết Việt hơn” - Trần Minh Anh, 23 tuổi, Hà Nội chia sẻ. Đó cũng là cảm xúc của nhiều người khi tham gia chương trình Happy Tết 2024, tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
Chương trình do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức. Với chủ đề Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống, chương trình là kết hợp truyền thống Tết Cung đình xưa với văn hóa Tết nay tạo nên không gian lan tỏa, sống động.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, Tết đánh dấu thời khắc giao mùa, khép lại năm cũ, mở ra năm mới, với bao mong muốn an lành, may mắn. Những nét tinh hoa được thể hiện trong Tết Việt chính là giá trị của văn hóa dân tộc. Lịch chương trình Happy Tết 2024 diễn ra từ 24 - 28.1, tức 14 - 18 tháng Chạp, nhưng Ban tổ chức quyết định kéo dài thời gian đến hết ngày 30.1 (20 tháng Chạp), để người dân và du khách có thêm cơ hội vui chơi, tìm hiểu phong tục Tết cổ truyền ba miền.
“Chương trình thu hút rất đông người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nét văn hóa Tết Việt thể hiện qua Chuyến tàu quê hương, Không gian nhà Hà Nội xưa, Không gian Tết ba miền Bắc, Trung, Nam, Không gian Tết sắc màu Dân tộc, Không gian ẩm thực… đã góp vào hành trình truyền tải linh hồn của ngày Tết cổ truyền đến với đông đảo công chúng”, bà Nguyễn Thị Mai Anh nói.
Mong muốn truyền tải linh hồn của ngày Tết cổ truyền đến với công chúng cũng là lý do Bảo tàng Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề Phong vị Tết xưa Hà Nội. Theo Giám đốc Nguyễn Tiến Đà, những hoạt động gợi lại các phong tục đẹp của Tết cổ truyền Hà Nội sẽ giúp kết nối con người đến gần hơn với giá trị của cha ông. Hình ảnh giới thiệu phong tục gói bánh chưng; tục dựng cây nêu; chơi câu đối, chơi tranh, xin chữ ngày Tết; thú chơi cây cảnh ngày Tết; pháo Tết; chợ Tết (xưa và nay)… quy tụ trong một không gian như một sự nhắc nhớ, như thông điệp truyền tải đến công chúng những ý nghĩa tốt lành, mong ước năm mới Giáp Thìn may mắn, hạnh phúc, sung túc và hiểu thêm về Tết Việt, thêm yêu Tết Việt.
Từ giữa tháng Chạp, rất nhiều hoạt động tái hiện không gian Tết xưa cùng nhiều nét đẹp văn hóa ngày Tết được các tổ chức, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hà Nội thực hiện. Như chương trình Trải nghiệm Tết Việt tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Tết làng Việt 2024 tại Làng cổ Đường Lâm; Tết Việt - Tết Phố 2024 tại Phố cổ Hà Nội… Các hoạt động văn hóa đều “đậm đặc” hương vị Tết, một mặt góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh truyền thống, vừa góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Theo TS. Trần Đoàn Lâm, thành viên Câu lạc bộ Đình làng Việt, khi Hà Nội phát triển đô thị mạnh mẽ, một số phong tục Tết truyền thống đã có nhiều thay đổi theo hướng tối giản các bước chuẩn bị hay biến mất. Trước nguy cơ có, việc tái hiện không gian Tết truyền thống có ý nghĩa tinh thần rất lớn.
“Tết là một di sản văn hóa lớn và chúng ta khai thác ở khía cạnh nào cũng mang nhiều ý nghĩa. Sự phát triển của cuộc sống tất yếu sẽ làm biến đổi phong tục cũ và nảy sinh nhiều cái mới. Việc chọn lọc, khai thác những mặt tích cực, phong tục đẹp chính không chỉ giúp mọi người, nhất là người trẻ được tìm hiểu văn hóa mà còn rút ra những bài học, giáo dục tình yêu đối với di sản, đối với truyền thống và rộng hơn là tình yêu đối với dân tộc”, TS. Trần Đoàn Lâm nói.