Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020)

Truyện Kiều và nỗi nhớ Tố Như

- Thứ Năm, 29/10/2020, 19:22 - Chia sẻ
Chẳng biết ba trăm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng? Cảm xúc từ bài thơ “Độc tiểu thanh ký” của đại thi hào như còn vang vọng, để rồi sau 200 năm, chúng ta lại tiếp nhận di sản văn chương, giá trị văn hóa, nghệ thuật “Truyện Kiều“. Nhớ Nguyễn Du, tôn vinh “Truyện Kiều” rộng ra là tôn vinh văn hóa truyền thống, di sản văn chương dân tộc.

Không gian mang tâm hồn Việt

Chuỗi sự kiện mang đầy tính văn hóa, tôn vinh và khẳng định giá trị 'Truyện Kiều', giá trị di sản của đại thi hào Nguyễn Du” - Đó là nhận định của nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn khi tham dự Lễ khai mạc chuỗi sự kiện “Ai nhớ Tố Như” do Maihabooks tổ chức sáng 29.10, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội. Một không gian văn hóa được mở ra, dẫn công chúng đến với di sản "Truyện Kiều", thông qua những cánh cửa thấm đượm tâm hồn Việt.

Sưu tập ấn phẩm về truyện Kiều qua các thời kỳ

Đó là không gian của các bộ sưu tập ấn phẩm về "Truyện Kiều" và Nguyễn Du qua các thời kỳ. "Truyện Kiều" bằng chữ Nôm đặt cạnh "Kim Vân Kiều" của Thanh Tâm Tài Nhân, tranh dân gian họa Kiều, thư pháp chữ Hán Nguyễn Du và "Truyện Kiều"... trên phong giấy vàng phai gợi nhắc bao nhiêu thế hệ đã qua cùng đọc, cùng ngẫm về tác phẩm, ngẫm cả về một thời đại đã qua với bao dấu ấn. Như các ấn phẩm Kiều giai đoạn 1900 - 1945 mang đến cảm quan của buổi giao thời giữa hai nền văn hóa Đông - Tây đầu thế kỷ XX. Sau 100 năm ra đời, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du bừng dậy trong một hình thức thể hiện mới: "Truyện Kiều" bằng chữ quốc ngữ. "Truyện Kiều" trở thành một tuyệt phẩm ngôn ngữ Việt, được dịch sang tiếng Pháp và thế giới biết đến...

Điều đặc biệt là song hành với những ấn phẩm nguyên bản, bình chú, lẩy Kiều, tập Kiều... là các tác phẩm họa Kiều. Tranh họa Kiều của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng. Rồi tiếp đến, giai đoạn 1946 - 1954 là họa Kiều ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Dù trong chiến tranh ác liệt, người Việt Nam vẫn giữ tình yêu thương trọn vẹn cùng niềm tự hào về những câu Kiều thấm hồn dân tộc. Các họa sĩ tiếp tục tìm thấy nguồn cảm hứng từ chất thi họa của "Truyện Kiều". Đó là chất thi họa mang theo tinh thần dân tộc.

Họa câu thơ "Mai cốt cách tuyết tinh thần/ Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười"
Họa câu Kiều "Mai cốt cách tuyết tinh thần/ Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười"

Nối tiếp những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, ấn phẩm và họa Kiều của các học giả, họa sĩ miền Nam, miền Bắc vẫn ra đời. 20 năm đất nước chia cắt, bằng giá trị riêng có, Truyện Kiều và Nguyễn Du vẫn luôn là sợi dây nối kết người Việt vào tình yêu tiếng Việt, hòa vào một thể thống nhất của tâm hồn, số phận và tâm tình dân tộc.

“Hôm nay, thay chữ 'khóc' trong câu kết của 'Độc tiểu thanh ký' bằng chữ 'nhớ', để cùng 'ai nhớ Tố Như', để cùng nhìn nhận, tiếp nhận di sản văn chương Nguyễn Du, giá trị văn hóa, nghệ thuật "Truyện Kiều" trong tâm thế trân trọng của con người thời đại hôm nay”, nhà phê bình Mai Anh Tuấn nói.

Nối dài theo thời gian và không gian

Kiều trong cuộc sống hôm nay là không gian phong phú và đặc sắc ấn phẩm Kiều cùng những công trình khảo cứu về Nguyễn Du, là những thư họa Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và dịch giả, thư pháp gia Châu Hải Đường. 20 bức tranh là sự kết hợp giữa trường phái hội họa lập thể của phương Tây và thư pháp truyền thống của phương Đông trong những họa hình tinh tế về Kiều, được thể hiện trên chất liệu giấy dó truyền thống. Những câu thơ của "Truyện Kiều" được lựa chọn làm chủ đề cho bức tranh, như một sự tôn vinh vẻ đẹp và ý nghĩa "Truyện Kiều".

Theo dịch giả, thư pháp gia Châu Hải Đường, việc lựa chọn những câu thơ tâm đắc để viết thư pháp và họa theo đó cũng giống như cách dân gian lấy câu Kiều ứng vào hát xẩm, chèo, cải lương hay loại hình được ưa chuộng nhất là ngâm Kiều. “Tất cả nhằm tạo cho "Truyện Kiều" mang đầy đủ phong vị”.

Ngâm Kiều trong Lễ khai mạc chuỗi sự kiện "Ai nhớ Tố Như"
Ngâm Kiều trong Lễ khai mạc chuỗi sự kiện "Ai nhớ Tố Như" sáng 29.10

Sự kiện “Ai nhớ Tố Như” diễn ra từ 29.10 - 31.10, gồm tọa đàm; trưng bày thư, họa về thơ Nguyễn Du và "Truyện Kiều" cùng kỹ nghệ giấy dó truyền thống Việt Nam; Chương trình “Giới thiệu thư họa Kiều của Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn - Thư pháp gia Châu Hải Đường” (30.10); Chương trình “Ai nhớ Tố Như: Nghệ thuật Kiều” (31.10). Trong khuôn khổ sự kiện, MaiHaBooks cũng ra mắt 3 tác phẩm: "Kim Vân Kiều" (tái bản theo bản in 1951), "Lãm Thúy Tập" và "Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du".

Phong vị ấy, nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn, có nhiều năm nghiên cứu "Truyện Kiều", thì chính là sự “nối dài” giá trị theo thời gian và theo không gian. 200 năm nhìn lại, "Truyện Kiều" đã đi ra rất nhiều nước, tạo ra giới Kiều học không chỉ ở Việt Nam. "Truyện Kiều" cũng không còn thuần túy văn chương nữa mà từ lâu đã phủ lên rất nhiều hình thức văn hóa khác nhau, từ bình Kiều, ngâm Kiều, họa Kiều... “Khi 'Truyện Kiều' lan tỏa theo từng năm tháng, thế kỷ, khi sự lan tỏa đó còn trên phạm vi tiếp nhận của thế giới, thì theo đó mà văn hóa Việt cũng được tỏa lan”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn nhận định.

Họa sĩ Lê Thiết Cương lại nhìn "Truyện Kiều" ở góc độ hội họa. Theo ông, đến giờ đó không phải là cái nhìn mới nhưng những tác phẩm mới họa Kiều thì liên tục ra đời. Họa Kiều không chỉ là vẽ về "Truyện Kiều", mô phỏng theo một chi tiết, một phong cảnh, một trường đoạn nào đó của thi ca, mà nó đã thực sự tách ra, có đời sống riêng, giá trị và ý nghĩa riêng. “Nói đến tận cùng của minh họa đẹp thì đấy chính là thứ lẩy Kiều bằng hội họa, phải coi đó là thứ văn bản hai - văn bản hội họa đặt cạnh văn bản thi ca ấy. Từ các bậc thầy của hội họa hiện đại Việt Nam đã đi theo những câu thơ Kiều để gợi ý cho tạo hình, tạo bố cục... đến giờ đây các họa sĩ lại nối tiếp tinh thần đó. Tôi coi đó là sự phiên dịch của 'Truyện Kiều' từ thi ca sang hội họa”.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng, cách tiếp nối đó chính là điều làm nên lớp lớp văn hóa mà giá trị "Truyện Kiều", cùng những áng văn chương của Nguyễn Du, mang lại. Dù rằng đời sống văn hóa đương đại còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận giới trẻ hôm nay, nhưng nhiều hình thức mới đã được đưa ra: Kiều lên sân khấu, lên điện ảnh... “Điều đó làm cho việc tiếp cận 'Truyện Kiều' phong phú hơn, đến với nhiều đối tượng hơn. 200 năm nhìn lại, chúng ta nhớ Nguyễn Du, tôn vinh 'Truyện Kiều' rộng ra là tôn vinh văn hóa truyền thống, di sản văn chương dân tộc”.

Hải Đường