Truyện Kiều - Thiên thu tuyệt diệu từ

GS. Phong Lê
Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam
03/12/2015 08:32

Truyện Kiều của Nguyễn Du có sức sống vượt thời gian, bởi đó là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao tuyệt vời vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt. Một tiếng Việt rất bác học và rất dân gian, rất cổ điển và rất hiện đại.

Chủ nghĩa nhân văn sâu sắc

Nếu cần một câu thơ đúc kết được trọn vẹn thành tựu vượt thoát của Nguyễn Du, thì đó là: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Chỉ 8 chữ mà gắn nối được phương thức tư duy của chủ nghĩa hiện thực với đích đến là chủ nghĩa nhân đạo.

Chủ nghĩa hiện thực, theo tôi nghĩ, đó là một thành tựu lớn của tư duy nghệ thuật nhân loại, ở cả phương Tây và phương Đông. Ở phương Tây, chủ nghĩa hiện thực đạt đỉnh cao sáng tạo vào thế kỷ XIX, với các đại diện kiệt xuất như H.Bandăc (1799 - 1850), Xtăngđan (1783 - 1842), L.Tonxtôi (1828 - 1910), F.Dotstoiepxki (1821 - 1881)…; rồi chuyển sang Chủ nghĩa tự nhiên với E.Zola (1840 - 1902) và Chủ nghĩa hiện đại, rồi Hậu hiện đại... Do sự phát triển của phong trào vô sản nên có một nhánh phát triển khác, bắt đầu từ Công xã Paris (1870 - 1871), qua Cách mạng tháng Mười Nga - 1917 mà thành chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với các đại diện: M.Gorky (1868 - 1936), M.Solokhôp (1905 - 1984). L.Aragông (1897 - 1982)…

Văn học Việt Nam đến với thời hiện đại dưới áp lực của chủ nghĩa thực dân và thông qua xã hội thuộc địa nên buộc phải bỏ qua rất nhiều chặng trên con đường đó, cho đến đầu thế kỷ XX; nhưng chủ nghĩa hiện thực về “những điều trông thấy” vẫn luôn là mục tiêu mà chỉ những thiên tài như Nguyễn Du (và về sau là Cao Bá Quát) mới có thể vươn đến, một cách không tự giác, nhờ vào một chủ nghĩa nhân đạo quá rộng lớn và sâu sắc so với tất cả những người cùng thời. Ở kết quả này, ta sẽ thấy nhận xét của Tiên phong Mộng Liên Đường chủ nhân ngay từ năm 1820 - năm Nguyễn Du qua đời, là sâu sắc biết chừng nào: “nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.

Truyện Kiều còn, tiếng ta còn!

Như vậy, nói Nguyễn Du, qua Truyện Kiều là nói một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và rộng lớn gắn với tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ để nói về đóng góp của Nguyễn Du và giá trị của kiệt tác Truyện Kiều. Truyện Kiều có sức sống vượt thời gian, bởi đó là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao tuyệt vời vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt. Một tiếng Việt đến từ các truyền thuyết giữ nước và dựng nước của cha ông, nhờ đó mà lưu giữ được cho muôn đời sau truyện con Rồng cháu Tiên, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, các vua Hùng, nó là biểu trưng và kết tinh cho sự chống chọi với âm mưu xâm lược và đồng hóa của phương Bắc trong hàng nghìn năm. Một tiếng Việt trong 254 bài của Quốc âm thi tập có giá trị không thua Bình ngô đại cáo của cùng một danh nhân Nguyễn Trãi, thế kỷ XV. Một tiếng Việt rất bác học và rất dân gian, rất cổ điển và rất hiện đại trong 3.254 câu thơ Kiều, xứng danh là “thiên thu tuyệt diệu từ”, là khúc “nam âm tuyệt xướng”, sau Quốc âm thi tập ngót 400 năm. 3.254 câu với 22.778 chữ gần như tất cả cứ mới mẻ, cứ nguyên vẹn, cứ tinh khôi như thế mà có ở khắp cửa miệng mọi người dân Việt suốt hơn 200 năm qua; mà in sâu vào bộ nhớ của bất cứ ai sinh ra trên dải đất hình chữ S này.

Gian trưng bày Truyện Kiều và một số bản dịch tại Bảo tàng Văn học Việt Nam
Gian trưng bày Truyện Kiều và một số bản dịch tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Hơn ai hết, Nguyễn Du là bậc thầy tuyệt vời nhất, là đại diện sáng giá nhất cho tất cả những ai chọn nghề viết văn, làm thơ, tức là chọn ngôn ngữ làm phương tiện cho nghề và nghiệp của mình. Thời 1930 - 1945, khi đất nước còn bị nô lệ, Hoài Thanh đã có một lý giải rất hay cho thành công của Thơ mới: “Họ (những nhà Thơ mới) đã dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”. Trước đó ngót 20 năm, có một câu nói gây tranh cãi gay gắt: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Sự thể quả khó tránh bởi nó được phát ngôn vào thời điểm không thích hợp. Nhưng xét rộng ra, và nhìn vào hành trình dài của lịch sử, câu nói đó không phải không có một phần sự thật.

 Truyện Kiều vừa được tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới xác lập là “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”. Theo đánh giá của Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới, Truyện Kiều là một kiệt tác văn học đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua. Tác phẩm cũng được chuyển ngữ sang hơn 20 ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch.

Trước đó, Truyện Kiều được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập tới 26 kỷ lục quốc gia, trong đó có nhiều kỷ lục đặc biệt như: Thi phẩm đã đưa tác giả lên hàng Danh nhân Văn hóa thế giới; Quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo “Vịnh Kiều”; Tác phẩm tạo ra nhiều câu đố nhất...

Dự kiến, kỷ lục thế giới sẽ được Liên minh Kỷ lục Thế giới trao trong Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 31, tháng 3.2016 tại Việt Nam.

Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới (1765 - 2015) sẽ được tổ chức vào ngày 5.12, tại TP Hà Tĩnh, do tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, với sự chỉ đạo, phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan TƯ với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đại biểu quốc tế, trong nước.

Đây là điểm nhấn của Tuần văn hóa kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, diễn ra từ ngày 28.11 - 5.12, tại Hà Tĩnh, với nhiều hoạt động như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng các tỉnh với chủ đề Tiếng tơ Tiên Điền; Hội thi thuyết minh viên du lịch Hà Tĩnh; chiếu phim chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều; trưng bày các ấn phẩm văn chương của Đại thi hào Nguyễn Du và Văn phái Hồng Sơn; biểu diễn trò Kiều…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Truyện Kiều - Thiên thu tuyệt diệu từ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO