Truyện Kiều ở Nam bộ

Hồng Hà 04/03/2022 19:20

Tại tọa đàm “Tiếp nhận Truyện Kiều ở Nam Bộ” sáng 4.3, TS. Nguyễn Thanh Phong, giảng viên Khoa Sư phạm, Trường ĐH An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã trả lời một số thắc mắc như "Truyện Kiều" du nhập vào phương Nam từ bao giờ, con người ở vùng đất này đã tiếp nhận, thưởng thức kiệt tác này ra sao.

"Truyện Kiều" là tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam được dịch ra nhiều ngôn ngữ với 23 thứ tiếng và trên 60 bản dịch (Pháp, Anh, Trung Quốc, Nhật, Nga, Đức, Hàn Quốc, Hungary, Italy, Mông Cổ, Cuba, Tây Ban Nha...). Với vô số công trình nghiên cứu, đặc biệt sở hữu riêng ngành khoa học - Kiều học, tới nay "Truyện Kiều" chưa ngừng phát huy giá trị.

Từ kết quả điều tra điền dã tại vùng đất Nam bộ, Tây Nam bộ và thu thập kho tư liệu Hán Nôm, sách cổ liên quan đến Truyện Kiều trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XIX đến 1975, TS. Nguyễn Thanh Phong đã có một số kết luận khá thú vị, làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo sau khi cuốn sách Truyện Kiều ở Nam bộ của ông được xuất bản tháng 10.2021.

Một số vở cải lương được chuyển thể từ "Truyện Kiều" biểu diễn tại Nam bộ
Một số vở cải lương được chuyển thể từ "Truyện Kiều" biểu diễn tại Nam bộ

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, do đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học bằng lời ăn tiếng nói dân tộc, bằng ngôn ngữ bình dân dễ hiểu, "Truyện Kiều" trở thành món ăn vừa hợp khẩu vị, vừa quen thuộc với cư dân Nam Bộ. “Nó có cốt truyện lôi cuốn, sinh động, dễ hiểu, gần gũi với tâm lý thưởng thức văn nghệ của quần chúng. Đặc biệt, phận đời trôi dạt tha phương đầy cay đắng của Kiều dễ tìm thấy sự đồng cảm thân phận với cư dân Nam bộ, gồm cả người Việt lẫn người Hoa di cư, những người vốn cũng đã trải qua muôn vàn sóng gió để tìm thấy mảnh đất sinh cơ của mình…”.

Quá trình tiếp nhận "Truyện Kiều" vì thế theo gu của người miền Nam. Tình yêu của người Nam bộ dành cho "Truyện Kiều" cao đến mức muốn đồng hóa nhân vật trong tác phẩm thành người của vùng đất mình đang sinh sống.

Từ ý thức muốn thưởng thức "Truyện Kiều" theo phong cách riêng của mình, người Nam bộ đã sáng tạo ra những phó phẩm, tức vừa viết lại câu theo lời ăn tiếng nói của người Nam bộ, vừa cải biên theo thể loại văn hóa, văn nghệ... mà người dân nơi đây yêu thích. Hơn thế nữa, họ còn phiên giải, chuyển thể cho tác phẩm dễ thuộc, dễ nhớ, như học giả Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên phiên giải "Truyện Kiều" sang chữ Quốc ngữ (1875); học giả Huỳnh Tịnh Của là người đầu tiên lấy các câu trong "Truyện Kiều" làm văn liệu khi biên soạn Đại Nam quốc âm tự vị (1895) và Phạm Kim Chi phiên chú và phát hành Truyện Kiều Quốc ngữ ở Nam Bộ (trước 1945)…

Cũng xuất phát từ nhu cầu thưởng thức "Truyện Kiều" theo cách của người Nam bộ, Nho sĩ trí thức nơi đây yêu thích ngâm vịnh "Truyện Kiều" với tập Kim Vân Kiều thi tập (gồm 35 bài thơ vịnh Kiều). Sự xuất hiện của cuộc bút chiến bằng thơ vịnh Kiều giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường; thơ đề vịnh về nhân vật Thúy Kiều của Nho sĩ trí thức Nam bộ; thơ bàn luận "Truyện Kiều" trong các tôn giáo nội sinh Nam bộ cũng cho thấy khi vào miền Nam, cư dân nơi này đã thưởng thức "Truyện Kiều" không đóng khung trong phạm vi tác phẩm.

Bên cạnh đó, "Truyện Kiều" còn được vận dụng qua nhiều hình thức nghệ thuật khác như các thể loại phú, ca, tập án, tuồng hát bội, cải lương, hội họa… kể cả ảnh hưởng trong ca dao, dân ca... TS. Nguyễn Thanh Phong dẫn chứng, thời kỳ này, nhiều tác phẩm ca dao, dân ca Nam bộ nói về nỗi ám ảnh chia lìa đôi lứa, ngợi ca tình nghĩa gắn bó Kim Kiều, hay những câu hò đối đáp giao duyên nam nữ về "Truyện Kiều"… Vở Tuồng Kiều do Cao Đình Hưng sao chép từ một bản cổ khuyết danh vào năm Nhâm Ngọ 1942; các vở cải lương Vương Thúy Kiều, Kim Vân Kiều, Thúy Kiều… từng được người dân Nam bộ say mê một thời.  

TS. Nguyễn Thanh Phong nhận xét: “Là một trong những thành tựu hiếm hoi của văn học miền Bắc được truyền đến Nam bộ đương thời, "Truyện Kiều" là cầu nối văn học giữa hai miền sau một thời gian dài bị chia cắt về địa lý lẫn văn hóa”. Giống như cách nói của nhà nghiên cứu Ngô Văn Phát, “nhờ 'Truyện Kiều' mà người dân ở Đồng Nai biết ở phương Bắc chúng ta có một xứ ngàn năm văn vật như thế, cũng nhờ 'Truyện Kiều' mà người nước ngoài biết đến người miền Nam chúng ta nho nhã”.

Điều này GS. Nguyễn Văn Sâm cũng đã nhấn mạnh trong Lời tựa cuốn Truyện Kiều ở Nam bộ: “Và tôi biết tinh thần đó vẫn có tiềm tàng khi nhìn thấy các bài ca tài tử và vọng cổ gần đây được viết bằng tư liệu Kiều vẫn được thưởng thức trên các băng tần phát sóng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Các nhà nghiên cứu cho đây là công việc có tính chất mở đầu, cần được tiếp tục nghiên cứu.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Truyện Kiều ở Nam bộ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO