Truy vết đến cùng

- Chủ Nhật, 20/12/2020, 06:20 - Chia sẻ

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô sau hơn 1 tháng nhận được kết luận điều tra vụ án từ Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an. Trong đó có yêu cầu xác định rõ những trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.

Với hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả đã cấp, Trường Đại học Đông Đô đã gây nên sự hỗn loạn cho môi trường giáo dục. Sở dĩ, số lượng người đổ xô đi mua bằng cử nhân tiếng Anh giả nhiều như vậy là bởi, tuy có giá trị tương đương như các chứng chỉ B1, B2, nhưng nếu các chứng chỉ B1, B2 cứ 2 năm phải thi lại một lần, thì bằng đại học ngoại ngữ trong nước cấp (tương đương với bằng đại học được đào tạo ở nước ngoài) thì có giá trị vĩnh viễn. Cho nên có bằng cử nhân tiếng Anh thì có cơ hội thành nghiên cứu sinh, có cơ hội thành tiến sĩ, có cơ hội được thăng chức nâng lương, thoải mái sử dụng bất kể lúc nào.

Trong số đó, Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo. Rất nhiều trường hợp trong số này đã sử dụng bằng giả để đi học tiến sĩ, hoàn thiện hồ sơ cán bộ nhằm chui sâu trèo cao ở các đơn vị nhà nước và được xưng tụng là những người có uy tín xã hội. Bằng cấp giả đã, đang len lỏi trong đội ngũ cán bộ. Vậy họ là ai? ở đâu? Vì sao lâu nay vẫn chưa công khai danh tính được?

Việc công khai danh tính những người mua bằng giả trên thực tế cũng giống như công khai danh sách những người mua điểm cho con để vào đại học. Người học đã chủ động bỏ tiền ra để mua bằng thật. Điều này cho thấy, những cá nhân này không phải là nạn nhân, mà họ chính là đồng phạm. Khi mọi sự trót lọt, những cá nhân ấy có thể trở thành những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội, đó là mối nguy hại lớn cho đất nước. Vì vậy, việc tìm ra danh tính những người mua bằng để xử lý nghiêm trên tinh thần không bao che và xem xét việc công khai danh tính để làm gương cho những người khác, tránh tạo tiền lệ xấu. Thậm chí, còn truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có căn cứ.

Động thái từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng với việc Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu tiếp tục làm rõ số cá nhân được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả cho thấy tính chất vụ án là nghiêm trọng, và nếu dễ dãi trong điều tra thì rất có thể lọt lưới không ít đối tượng vi phạm. Do đó, các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với cơ quan điều tra để sớm tìm được những ai liên quan, cùng phải chịu trách nhiệm trong vụ mua bán bằng này. Muốn loại bỏ nhu cầu mua bằng, đầu tiên ở chính chế tài nghiêm khắc với những người vi phạm, để người đi sau biết trước chuyện gì sẽ đến nếu họ mua bằng.

Nhân sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng rà soát hoạt động của các đơn vị. Hiện nay vẫn tồn tại kẽ hở trong công tác tuyển sinh của các trường mà nguyên nhân một phần đến từ sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ. Vụ việc xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô là một bài học cho toàn ngành, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trong các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2. Để dẹp bỏ vấn nạn bằng giả, học giả, chỉ trông chờ vào trách nhiệm minh bạch, giải trình của cơ sở đào tạo là chưa đủ, cái gốc là phải siết lại cách thức đào tạo hiện nay.

Duy Anh