Truy đến cùng trách nhiệm

Hồng Loan 15/08/2016 08:48

“Mang niềm vui mới” là khẩu hiệu thương mại (slogan) của Nhà máy đạm Ninh Bình. Mục tiêu xây dựng Nhà máy cũng được mô tả bằng những lời có cánh, như: Cung cấp phân đạm urê cho các tỉnh phía Bắc, thay thế phân đạm nhập khẩu, tạo sự ổn định về giá cả và nguồn cung cấp dài hạn cho ngành nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên có sẵn của Việt Nam. Nhưng “niềm vui mới” ngắn chẳng tày gang, lại còn mang đến một nỗi lo đã cũ về hiệu quả đầu tư của hàng loạt dự án nghìn tỷ đồng có sử dụng vốn nhà nước.

Sau 4 năm hoạt động, đến nay Đạm Ninh Bình đã lỗ 2.000 tỷ đồng. Dù hoạt động cầm chừng trở lại từ giữa tháng 6 vừa qua sau một thời gian tạm đóng cửa, Đạm Ninh Bình vẫn đang trong thế tiến thoái lưỡng nan: Càng sản xuất càng lỗ nếu tạm dừng vận hành cũng phải cõng vài tỷ đồng lãi suất và chi phí khấu hao mỗi ngày. Đã vậy, Đạm Ninh Bình không còn khả năng tự quyết định tương lai của mình nữa mà phụ thuộc hoàn toàn vào giá đạm thế giới. Vì nhiều lý do không hề khách quan, giá thành sản xuất của Đạm Ninh Bình cao hơn nhiều so với Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ nên cạnh tranh trong nước cũng khó nói gì đến phân bón nhập khẩu. Trong khi đó, đạm urê trên thế giới đang bước vào chu kỳ giảm giá thê thảm, từ 430 USD/tấn trước năm 2012 nay chỉ còn 230 USD/tấn.

Cũng như Xơ sợi Đình Vũ hay Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình là dự án đầu tư để kinh doanh và thuộc về “ông chủ” Nhà nước, ở đây là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Nhà máy có tổng mức đầu tư 667 triệu USD nhưng Vinachem chỉ góp được 1/6 số đó, tương đương 100 triệu USD. Còn lại là 4,4 triệu USD vốn hỗ trợ của UBND tỉnh Ninh Bình, 250 triệu USD vay từ Trung Quốc và 312,6 triệu USD vay của một số ngân hàng trong nước.

Nhìn vào cơ cấu này, người ta giật mình vì “độ liều” của Vinachem. Vinachem đã đi vay phần lớn vốn để xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình, trong khi nguyên tắc đầu tư kinh doanh là vốn vay chỉ chiếm một phần nhỏ (càng ít càng tốt), chủ yếu phải là vốn tự có (càng lớn càng tốt). Vay nhiều thì nợ lắm, nếu làm ăn không hiệu quả, lụn bại vì nợ chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi. Cũng cần nhắc lại rằng, thời điểm Vinachem khởi công dự án (năm 2008) là lúc xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới. Kinh tế trong nước khi đó vô cùng khó khăn, vay hàng trăm triệu USD để đầu tư Đạm Ninh Bình có cần thiết, có nhất định phải tiến hành hay không?

 Truy đến cùng trách nhiệm ảnh 1
Nguồn: ITN

Số tiền 667 triệu USD đủ để chủ đầu tư Đạm Ninh Bình lựa chọn công nghệ, thiết bị tiên tiến của nhiều nước khác. Tuy nhiên, Vinachem đã chọn máy móc, công nghệ, nhà tổng thầu Trung Quốc, để rồi bây giờ suốt ngày “kêu ca” chất lượng dây chuyền sản xuất thuộc loại trung bình, lại thường xuyên hỏng hóc, xảy ra sự cố. Có vẻ như Vinachem muốn hướng dư luận tập trung vào phê phán việc sử dụng các yếu tố liên quan đến Trung Quốc như là nguồn gốc của mọi vấn đề. Nhưng nói cho công bằng, nhà thầu, thiết bị và công nghệ Trung Quốc hiện diện khắp nơi trên thế giới, kể cả ở nhiều nước tiên tiến. Sự thất bại của các dự án ở Việt Nam, trong đó có Đạm Ninh Bình do vậy không hẳn hoàn toàn đều ở yếu tố Trung Quốc mà trước tiên và chủ yếu là do các yếu tố chủ quan ở phía Việt Nam.

Vinachem là doanh nghiệp nhà nước, vì thế trong trường hợp Tập đoàn này không trả được nợ đã vay, Chính phủ sẽ phải đứng ra gánh trách nhiệm chi trả dù không trực tiếp bảo lãnh. Có lẽ tâm lý “rủi ro đã có Nhà nước lo” đã góp phần “khích lệ” Vinachem “liều mạng” đánh đổi cả chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào những dự án mơ hồ về hiệu quả; đồng thời thôi thúc các ngân hàng mạnh tay bơm vốn để giờ đây ngồi trên đống lửa nhìn Đạm Ninh Bình trong cơn thất bát.

Những người ngoài cuộc nói rằng, xây dựng, vận hành Đạm Ninh Bình là bài học đắt giá cho chủ đầu tư Vinachem và cả Bộ Công thương. Không biết, những người trong cuộc - nay đã về hưu hoặc được luân chuyển sang vị trí khác cao hơn - có nghĩ như vậy? Vẫn biết đầu tư kinh doanh có thua có lỗ. Nhưng khi phần lớn các dự án sử dụng vốn nhà nước đều trục trặc, thua lỗ, hay đắp chiếu như thực tế đang diễn ra, thì cần làm rõ hiệu quả của từng dự án, tìm xem thất thoát, lãng phí ở đâu và truy đến cùng trách nhiệm của chủ đầu tư, người phê duyệt... Không thể để những cá nhân có liên quan vô trách nhiệm với các quyết định của mình, vô trách nhiệm với việc đã tiêu những đồng thuế mồ hôi nước mắt của dân theo cách ném tiền qua cửa sổ.   

    Nổi bật
        Mới nhất
        Truy đến cùng trách nhiệm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO