Trường Sơn Đông - con đường từ lịch sử đến tương lai

Ghi chép của Trung Thành 21/03/2015 08:36

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn và Đoàn công tác của QH vừa có chuyến khảo sát công trình đường Trường Sơn Đông. Từ con đường huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược của quân và dân ta, nay, trong thời bình, Trường Sơn Đông lại mang trên mình một sứ mệnh mới: tuyến giao thông có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược phòng thủ quốc gia, củng cố quốc phòng an ninh và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

56 năm trước, ngày 19.5.1959, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quyết định sáng suốt và táo bạo: mở tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam ở hai cánh Đông và Tây Trường Sơn. Đây là quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng và thống nhất đất nước. Đường Trường Sơn đã trở thành một trong những huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta. Sau 40 năm giải phóng, trục giao thông phía Đông Trường Sơn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị thiên tai phá hỏng hoàn toàn khiến những địa phương trước đây có đường đi qua trở thành vùng sâu, vùng xa, đời sống tinh thần, vật chất của người dân càng thêm khó khăn. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông và giao Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư thực hiện dự án này.

Đường Trường Sơn Đông đi qua 7 tỉnh, gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng, kết nối 9 Quốc lộ (QL), gồm QL 14B, 14E, 40B, 24, 19, 25, 26, 29, 27, với tổng chiều dài là 657km. Đây là tuyến giao thông chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về xây dựng Dự án Đường Trường Sơn Đông, đường Trường Sơn Đông có hướng tuyến cơ bản bám theo tuyến đường Z114 đã từng được mở trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên trải qua nhiều năm, tuyến Z114 không được duy tu, bảo dưỡng nên nhiều đoạn chỉ còn lại cốt đường, có thể tận dụng để nâng cấp nhưng nhiều đoạn đã bị mưa lũ xói mòn, phải làm mới hoàn toàn.

Gần 1 tuần rong ruổi trên những cung đường Trường Sơn Đông, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn và Đoàn công tác của QH đã tận mắt chứng kiến những thay đổi rõ nét trong cuộc sống của người dân nơi đây, con đường chạy đến đâu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội được khơi dậy đến đó.

Điểm dừng chân đầu tiên của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn và Đoàn công tác của QH trong chuyến khảo sát đường Trường Sơn Đông là thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam - điểm đầu của tuyến đường. Báo cáo với Phó chủ tịch QH, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, đường Trường Sơn Đông đi qua địa phận 5 huyện của Quảng Nam gồm: Nam Giang, Nông Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My và Nam Trà My với chiều dài 145km. Đến nay, công trình đã cơ bản thực hiện được 13 gói thầu với tổng chiều dài khoảng 67km/145km, trong đó có 7 gói thầu đã hoàn thành và được nghiệm thu, đưa vào sử dụng... Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam hồ hởi báo cáo với Phó chủ tịch QH: từ ngày có đường Trường Sơn Đông, khoảng cách từ trung tâm hành chính huyện đến các xã vùng sâu, vùng xa đã được rút ngắn hơn rất nhiều. Giao thông thuận lợi hơn nên các hoạt động giao lưu văn hóa xã hội, thông thương hàng hóa của người dân địa phương với các vùng lân cận ngày càng nhộp nhịp hơn. Đường Trường Sơn Đông đoạn qua 5 huyện của Quảng Nam đã tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện này, từ đó, góp phần lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh.

Chia vui với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và nhân dân các huyện Nam Giang, Nông Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My và Nam Trà My đã có đường mới đẹp hơn, hiện đại hơn, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng nêu rõ, các địa phương có đường Trường Sơn Đông đi qua hầu hết là thuộc địa bàn vùng sâu, vùng cao, trong đó có những địa bàn là căn cứ địa cách mạng chiến lược, đã có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Đường Trường Sơn Đông, cùng với rất nhiều công trình hạ tầng khác đang được triển khai xây dựng trên khắp mọi miền đất nước chính là một trong những tiền đề cơ bản để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân sau ngày giải phóng đất nước. Và thực tế, khảo sát dọc tuyến Trường Sơn Đông, Phó chủ tịch QH vui mừng nhận thấy, tuyến đường hoàn thành đến đâu, đời sống của người dân khu vực đó thay đổi và khởi sắc đến đó. Xã Ngọc Tem, Kon Plông, Kon Tum - xã vùng sâu, vùng xa và có địa hình đi lại khó khăn bậc nhất của tỉnh Kon Tum là một trong những ví dụ sinh động cho sự khởi sắc đó. Báo cáo với Phó chủ tịch QH, Phó bí thư Đảng ủy xã Y Xai nêu rõ: từ khi có con đường đẹp và rộng này, đời sống của người dân đã từng bước thay đổi; hàng hóa nông sản trước đây làm ra không bán được thì nay, người dân đã có thể mang đi nơi khác bán hoặc có người đến tận nhà mua, thu nhập nhờ đó tăng lên nhiều; trẻ em đến trường không còn phải đi trên những con đường nhỏ, hẹp đầy cát bụi mùa khô, và trơn trượt bùn lầy những ngày mưa gió... nên bà con rất phấn khởi. 

Gia Lai là địa phương có đường Trường Sơn Đông đi qua dài nhất với tổng chiều dài lên tới 247km. Theo Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin, đường Trường Sơn Đông đi qua 6 huyện của Gia Lai gồm: K’Bang, Đắk Pơ, Kông Chro, Iapa, Ayun Pa, Krông Pa và 26 xã, trong đó, chủ yếu là các xã thuộc diện nghèo, khó khăn. Trước khi tuyến đường được khởi công, cuộc sống các đồng bào các dân tộc nơi đây gần như bị cô lập bởi giao thông đi lại khó khăn, cách trở; giao thương, buôn bán trì trệ. Đến nay, mặc dù tuyến đường mới hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao được 12/15 gói thầu với tổng chiều dài 200km, nhưng hiệu quả mà tuyến đường mang lại có thể nhìn thấy rõ, hàng hóa của người dân sản xuất ra không còn bị thương nhân ép giá, thông thương hàng hóa thuận tiện hơn, từ đó, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Tại Đắk Lắk, 130km đường Trường Sơn Đông nằm trọn vẹn ở 2 huyện nghèo nhất và khó khăn nhất về giao thông của tỉnh là M’Đrắk và Krông Bông. Báo cáo với Phó chủ tịch QH, đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk hồ hởi: khi đường Trường Sơn Đông hoàn thành, dự kiến sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 40% dân số của các huyện; cùng với Quốc lộ 26, đường Trường Sơn Đông sẽ kết nối hai huyện này với các huyện khác trong tỉnh và với các huyện, tỉnh khác trong khu vực. Riêng xã Krông Á, huyện M’Đrắk - xã căn cứ cách mạng trước đây, mặc dù được đánh giá có tiềm năng lớn về rừng, chăn nuôi, nông sản... nhưng lâu nay, do cách trở về giao thông nên nơi đây vẫn là vùng kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vì thế, đường Trường Sơn Đông đi qua khu vực này hoàn thành và được đưa vào sử dụng sẽ mang lại nguồn sinh khí mới cho đồng bào Krông Á phát huy được các tiềm năng của địa phương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần.

Trò chuyện với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, đại diện Bộ Quốc phòng và các cán bộ, kỹ sư, công nhân đang ngày đêm nỗ lực hoàn thành tuyến đường đúng tiến độ, Phó chủ tịch QH nêu rõ, sứ mệnh của đường Trường Sơn Đông là phải trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương mà nó đi qua vì phát triển được kinh tế - xã hội, bảo đảm được đời sống ấm no cho đồng bào cũng chính là góp phần củng cố, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các địa bàn quan trọng này. Tuy nhiên, điều khiến Phó chủ tịch QH lo ngại là, khối lượng công việc để hoàn thành tuyến đường qua Đắk Lắk và Gia Lai còn khá nhiều, đặc thù thi công tại vùng này cũng gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, địa hình... liệu công trình có thể hoàn thành đúng tiến độ được hay không? Với những đoạn tuyến đã hoàn thành, chủ đầu tư dự án, các nhà thầu đã có kế hoạch để bảo vệ chất lượng công trình trước khi bàn giao hay chưa? Phương án thay đổi quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai như thế nào cho phù hợp để phát huy được thế mạnh của đường Trường Sơn Đông? Phó chủ tịch QH lưu ý, đây là những vấn đề quan trọng mà lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần quan tâm giải quyết không chỉ trong quá trình thi công mà ngay cả khi tuyến đường đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

Tại xã Đưng K’Nớ, Lạc Dương, Lâm Đồng, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đã cắt băng thông xe kỹ thuật đoạn tuyến cuối cùng của đường Trường Sơn Đông với chiều dài khoảng 52km. Hiện nay, đoạn tuyến đã hoàn thành được 41km, gồm 16km mặt đường bê tông nhựa, 25km mặt đường bê tông. Dọc theo tuyến đường, những ngôi nhà của người dân đã mọc lên san sát. Nếu trước đây, người dân Đưng K’Nớ sống chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thì giờ đây, đa số đã tự lo được cuộc sống của mình, thậm chí có những hộ đã thoát cảnh nghèo đói, có của ăn của để. Đó chính là hiệu quả cụ thể, thiết thực nhất mà đường Trường Sơn Đông đã mang lại cho người dân Đưng K’Nớ - lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vui mừng báo cáo với Phó chủ tịch QH.

Trong số 657km toàn tuyến, đến nay, đường Trường Sơn Đông đã thông tuyến được 460km, trong đó đã hoàn chỉnh 411km mặt đường cao cấp, 2 đường đôi lưỡng dụng, gần 100 cây cầu các loại và 1 hầm. Tuy nhiên, để đường Trường Sơn Đông được hoàn thành đúng tiến độ và phát huy tối đa hiệu quả, vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhấn mạnh điều này, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị, cấp ủy, chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban quản lý dự án, thực hiện nhanh gọn, dứt khoát công tác di dời, giải phóng và bàn giao mặt bằng, vừa bảo đảm tiến độ thi công công trình, vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân. Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần xem xét lại vị trí các đoạn tuyến chạy qua các khu vực đông dân cư, các khu vực đã được nâng cấp hành chính (từ thị trấn lên thị xã, từ xã thành thị trấn...) để đề xuất điều chỉnh thiết kế cho phù hợp, tránh hiện tượng vừa xây dựng xong đã trở nên quá tải, lại phải nâng cấp, mở rộng,  gây lãng phí nguồn lực. Phó chủ tịch QH cũng lưu ý, chủ đầu tư dự án cần chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương kết nối những đoạn tuyến đang bị cắt khúc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu, không để tình trạng đường đã xong nhưng người dân vẫn phải đi vòng qua sông, qua suối như tại xã Hiếu, Kon Plông, Kon Tum...

Trong kháng chiến, đường Trường Sơn là biểu trưng cho ý chí và niềm tin quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Và tương lai ấy đã và đang trở thành hiện thực với đồng bào vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng khi đường Trường Sơn Đông được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trường Sơn Đông - con đường từ lịch sử đến tương lai
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO