Trường hợp kỳ lạ của David Fincher
Đạo diễn David Fincher với The Social Network được các nhà chuyên môn xem như một trường hợp kỳ lạ, giống với tên bộ phim mà anh từng thực hiện The curious case of Benjamin Button. Và cái cách mà David Fincher làm việc trong từng bộ phim cũng thế, rất kỳ lạ.
![]() |
Mạo hiểm và bất ngờ là những từ dành cho những người cầm lá phiếu bầu giải thưởng Oscar sắp tới, và cả những hãng phim dự định cộng tác với David Fincher.
Cách đây một năm rưỡi, đạo diễn 48 tuổi này đã quyết định chuyển câu chuyện của tỷ phú máy tính lên màn ảnh rộng. Và kết quả là The Social Network. Đây là những thay đổi lớn trong sự nghiệp của David Fincher. Trước đây, anh từng là một đạo diễn ca nhạc và phim thương mại khá thành công. Bộ phim đầu tay Alien 3 thực hiện khi anh mới 27 tuổi. Và anh cũng có một “quá khứ lừng lẫy” với hãng 20th Century Fox khi “chiến đấu” quyết liệt và bị sa thải tới 3 lần. Nhà sản xuất của The Social Network Scott Rudin nhận xét: “Anh ấy là người thành công từ khi còn trẻ. Và đương nhiên có nhiều người muốn lấy đi điều đó từ anh. Tuy nhiên, anh lại là con người cứng cỏi và bất cần, có thể làm nổ tung bất kỳ hệ thống nào”.

Fincher cũng là người khá trái tính trái nết, không làm theo mong muốn của người khác, từ chối các cuộc phỏng vấn, thậm chí bất hợp tác với những người ủng hộ mình. “Tôi đã phải chịu nhiều thất bại từ những gì xã hội kỳ vọng vào mình. Từ đó không ai khiến cho tôi quan tâm nữa”. Năm 1982, Fincher tham gia lễ ra mắt bộ phim The King of Comedy của Martin Scorsese và chợt nghĩ, tại sao mình không làm phim theo cách này: đưa khán giả tới chỗ phải nghĩ ngợi thật nhiều. Hai bộ phim Seven (1995) và Fight Club (1999) được làm theo đúng phong cách như vậy, và cũng phần nào thể hiện công việc của David Fincher lúc đó: tối tăm, càn rỡ và rất xa cách.
Sau thất bại của Zodiac, bộ phim hình sự kinh dị năm 2007, với chỉ 33 triệu USD vé bán trong nước, David Fincher bắt tay làm The Curious Case of Benjamin Button năm 2008, và đây là bộ phim đưa anh trở lại với đấu trường điện ảnh sôi động, thông qua câu chuyện về một người đàn ông có tuổi đi ngược lại quy luật của thời gian. Bộ phim được 13 đề cử Oscar và thu về 127 triệu USD tại thị trường trong nước. Có nhiều ý kiến bình luận khác nhau về bộ phim, nhưng đều cho thấy, những ngôi sao ăn khách kiểu như Brad Pitt (xuất hiện trong cả Seven và The Fight Club) luôn luôn thể hiện mình rất tốt theo đúng mong muốn của David Fincher. Tuy nhiên The Curious Case of Benjamin Button lại nếm đủ cả vị đắng và vị ngọt, bởi được đề cử nhiều và bội thu tiền vé nhưng chỉ giành được 3 giải Oscar. Khi nhắc lại câu chuyện này, Fincher vẫn còn than thở: “Tôi phải mất tới 3 năm mới lọt được qua cánh cổng của sự khởi đầu. Thực sự kiệt sức đấy!”
Khát vọng trở lại khi David Fincher có cơ hội tiếp cận kịch bản của The Social Network do Aaron Sorkin chấp bút. Ban đầu, Sony lựa chọn chính Aaron Sorkin làm đạo diễn, nhưng rồi David Fincher đã thuyết phục cả hãng phim lẫn nhà biên kịch để vị trí đó lại cho mình. Anh kể: “Tôi nói với họ, tôi muốn làm bộ phim này. Chúng tôi đã phải bắt tay gần như từ con số 0 và bằng tất cả nỗ lực phi thường của mình”.
Sony đồng ý, và sau đó là cuộc mặc cả về chi phí cho bộ phim, ban đầu hãng phim chỉ đồng ý chi 25 triệu USD, sau đó Fincher thương lượng tăng thêm thành 42 triệu USD, và 3 tháng sau đó bộ phim được khởi quay. Không giống như Zodiac, hãng phim hoàn toàn đồng ý với mọi yêu cầu của đạo diễn. Toàn bộ kịch bản của Sorkin là 162 trang, chưa chỉnh sửa. Và sau 68 ngày quay liên tục từ Boston đến Los Angeles, cuối cùng bộ phim đã hoàn thành và thực sự gây ấn tượng trong mùa giải thưởng điện ảnh năm nay.
David Fincher đang tiếp tục hợp tác với Sony làm bộ phim The girl with dragon tattoo, kể về một hacker đồng tính và một phóng viên cùng nhau làm sáng tỏ vụ giết người bí ẩn. Đây là dự án lớn, với phần lớn cảnh quay được thực hiện tại Stockholm, Zurich và Anh. Điều mà đạo diễn bướng bỉnh này luôn tâm niệm: “Bạn có trách nhiệm với công việc, nhưng phải nằm ngoài sự điều khiển của người khác. Không ai điều khiển được bạn cả. Đó là cách tôi làm việc”.