Cơ quan phụ trách công tác dân nguyện giúp UBTVQH giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri
Nghị quyết dành một chương riêng (Chương VI) quy định về giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Trong đó nêu rõ, cơ quan phụ trách công tác dân nguyện có trách nhiệm giúp UBTVQH giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thực hiện các nhiệm vụ như: Xây dựng, tổ chức triển khai chương trình, kế hoạch giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Xây dựng báo cáo giám sát kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và dự thảo nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Tổng hợp đánh giá của Đoàn ĐBQH về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Trong quá trình giúp UBTVQH tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, cơ quan giúp UBTVQH giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri có trách nhiệm tổ chức các phiên làm việc, trao đổi, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri có trách nhiệm tham gia làm việc, trao đổi, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Về trách nhiệm tham gia giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Nghị quyết quy định, ĐBQH, đại biểu HĐND căn cứ nội dung kiến nghị của cử tri và kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và tham gia các hoạt động giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri theo quy định của pháp luật.
Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội căn cứ vào nội dung kiến nghị, trả lời kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc do UBTVQH phân công, nghiên cứu, xây dựng chương trình và tiến hành các hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Đoàn ĐBQH căn cứ vào nội dung kiến nghị của cử tri tại địa phương xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát của Đoàn; trong trường hợp cần thiết phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
Theo yêu cầu của UBTVQH, căn cứ kiến nghị của cử tri địa phương và kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở Trung ương, Đoàn ĐBQH có trách nhiệm đánh giá kết quả giải quyết và gửi kết quả đến UBTVQH.
Ban của HĐND căn cứ vào nội dung kiến nghị, trả lời kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc do Thường trực HĐND phân công, nghiên cứu, xây dựng chương trình và tiến hành các hoạt động giám sát của Ban.
Tổ đại biểu HĐND căn cứ vào nội dung kiến nghị của cử tri tại địa phương xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát của Tổ.
Theo yêu cầu của Thường trực HĐND, căn cứ kiến nghị của cử tri tại địa phương và kết quả giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương, Tổ đại biểu HĐND có trách nhiệm đánh giá kết quả giải quyết và gửi kết quả đến Thường trực HĐND.
UBTVQH trình Quốc hội báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri
Nghị quyết cũng quy định về xem xét kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp Quốc hội, Kỳ họp HĐND.

Tại Kỳ họp Quốc hội, UBTVQH trình Quốc hội báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri để xem xét, thảo luận. Trong trường hợp cần thiết, UBTVQH đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Tại Kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND trình HĐND báo cáo giám sát kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Trong trường hợp cần thiết, Thường trực HĐND đề nghị HĐND ban hành nghị quyết về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Nghị quyết cũng nêu rõ, UBTVQH xem xét, thảo luận về nội dung kiến nghị của cử tri và Nhân dân; tình hình tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại báo cáo về công tác dân nguyện.
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tham dự phiên họp và báo cáo, giải trình với UBTVQH về các nội dung thuộc thẩm quyền.
Đoàn ĐBQH xây dựng báo cáo tổng hợp về nội dung kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại địa phương theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 39 của Nghị quyết này.
Cơ quan phụ trách công tác dân nguyện báo cáo UBTVQH về nội dung kiến nghị của cử tri, tình hình tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại báo cáo về công tác dân nguyện.
Nghị quyết xác định, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ĐBQH, các Đoàn ĐBQH; Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND cấp tỉnh tập hợp các kiến nghị, vướng mắc để báo cáo UBTVQH, Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét, hướng dẫn.
Nghị quyết này thay thế Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 -ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27.9.2012 của UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH và Nghị quyết số 753/2005/UBTVQH11 ngày 2.4.2005 của UBTVQH ban hành Quy chế hoạt động của HĐND. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.