4 phương thức xét tuyển, tỷ lệ cao nhất dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT
Năm 2024, Trường Đại học Phenikaa dự kiến mở mới một số ngành gồm Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Thiết kế vi mạch bán dẫn), An toàn thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Marketing, Công nghệ tài chính, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện, Y học cổ truyền. Nhà trường tuyển sinh theo 4 phương thức, tổng số 9.896 chỉ tiêu.
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa: 5 - 10% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: 40 - 60% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT: 30 - 40% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội: 5 - 10% tổng chỉ tiêu.
Trường Đại học Phenikaa cho biết trong quá trình triển khai, nhà trường sẽ xem xét và điều chỉnh linh động tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức cho phù hợp với tình hình thực tế.
Về học phí, Trường Đại học Phenikaa cho biết học phí Khối ngành Kỹ thuật - Công nghệ dao động từ 25,2 - 46,2 triệu đồng/năm; Khối ngành Kinh tế - Kinh doanh học phí dao động từ 30,8 - 46,2 triệu đồng/năm; Khối ngành Khoa học xã hội và Nhân văn học phí dao động từ 25,2 - 30,8 triệu đồng/năm.
Riêng khối ngành Khoa học Sức khỏe dao động từ 28,6 - 96 triệu đồng/năm (cao nhất ở các ngành Y Khoa và Răng - Hàm - Mặt).
Trước đó, học phí trung bình ngành Y Khoa của Trường Đại học Phenikaa là 150 triệu/năm, ngành Răng - Hàm - Mặt là 160 triệu/năm.
Tuy nhiên, đối với K18 nhập học năm 2024, nhà trường sẽ áp dụng học phí như sau: năm đầu tiên được ưu đãi giảm 40% học phí; năm thứ 2, 3 được ưu đãi giảm 30% học phí; năm thứ 4, 5, 6 được ưu đãi giảm 20% học phí.
Điều kiện xét tuyển
Về điều kiện xét tuyển chung áp dụng đối với phương thức 1, 3, 4, điểm xét tuyển dựa vào kết quả học bạ của 3 học kỳ (HK) bao gồm HK1 lớp 11, HK2 lớp 11, HK1 lớp 12.
Điểm xét tuyển = Điểm tổ hợp xét tuyển + Điểm ưu tiên khu vực + Điểm đối tượng ưu tiên. Trong đó: Điểm tổ hợp xét tuyển = Điểm trung bình (TB) môn 1+ Điểm TB môn 2 + Điểm TB môn 3; Điểm TB môn 1 = (Điểm TB môn 1 HK1 lớp 11 + Điểm TB môn 1 HK2 lớp 11 + Điểm TB môn 1 HK1 lớp 12)/3; Điểm TB môn 2, 3 tương tự môn 1.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với thí sinh đăng ký xét tuyển khối ngành Khoa học Sức khỏe:
- Ngành Y Khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền: Học lực lớp 12 xếp loại Giỏi, đồng thời tổng điểm trung bình cộng (TBC) 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt 24,0 điểm trở lên.
- Ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật hình ảnh y học: Học lực lớp 12 xếp loại từ Khá trở lên, đồng thời tổng điểm TBC 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt 19,5 điểm trở lên.
Đối với khối ngành Ngôn ngữ (Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản, Ngôn ngữ Pháp), thí sinh xét tuyển theo phương thức 1: Điểm trung bình môn Ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 8,0 trở lên (áp dụng với đối tượng 1, 2, 3, 5, 6); Thí sinh xét tuyển theo phương thức 3, 4: Điểm trung bình môn Ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 6,5 trở lên.
Về điều kiện xét tuyển theo từng phương thức, với phương thức 1 (Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa), thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng ngoài đáp ứng được điều kiện chung cần thuộc một trong 9 đối tượng.
Đối tượng 1: Thí sinh đạt giải Nhất/Nhì/Ba kỳ thi Học sinh giỏi (HSG) cấp Tỉnh/Thành phố trở lên được xét tuyển thẳng vào các ngành/chương trình đào tạo có môn đạt giải nằm trong tổ hợp môn xét tuyển đối với ngành/chương trình đào tạo đăng ký. Riêng thí sinh đạt giải môn Tin học được tuyển thẳng vào tất cả các ngành/chương trình đào tạo.
Đối tượng 2: Thí sinh đạt giải Nhất/Nhì/Ba/ trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cấp Tỉnh/Thành phố trở lên được xét tuyển thẳng vào các ngành/chương trình đào tạo có giải thuộc lĩnh vực dự thi phù hợp với ngành/chương trình đào tạo đăng kí.
Đối tượng 3: Thí sinh đạt giải Nhất/Nhì/Ba trong các cuộc thi văn hóa – văn nghệ - thể thao cấp Quốc gia trở lên, đồng thời có điểm xét tuyển đạt từ 23,0 điểm trở lên.
Đối tượng 4: Thí sinh có điểm tổ hợp xét tuyển đạt từ 26,0 điểm trở lên đồng thời có một trong những chứng chỉ ngoại ngữ sau được xét tuyển thẳng vào ngành có môn ngoại ngữ tương ứng trong tổ hợp xét tuyển của ngành đó: Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL iBT, PTE Academic, và Cambridge) tương đương IELTS từ 6.0 trở lên; Chứng chỉ tiếng Trung Quốc từ HSK4 trở lên; Chứng chỉ tiếng Hàn Quốc từ TOPIK4 trở lên; Chứng chỉ tiếng Nhật từ N3 (JLPT) trở lên; Chứng chỉ tiếng Pháp DELF B1 trở lên hoặc TCF từ 300 điểm trở lên.
Chứng chỉ SAT đạt điểm từ 1100/1600 hoặc 1450/2400 trở lên; Chứng chỉ ACT đạt điểm từ 24/36 trở lên. Lưu ý, các chứng chỉ quốc tế phải còn thời hạn sử dụng tính đến ngày 30.6.2024.
Đối tượng 5: Học sinh trường THPT chuyên các Tỉnh/Thành phố hoặc thuộc các lớp chuyên do UBND các Tỉnh/Thành phố công nhận, học sinh THPT thuộc Hệ thống giáo dục Phenikaa có điểm tổ hợp xét tuyển đạt từ 26,0 điểm trở lên.
Đối tượng 6: Học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ và có điểm tổ hợp xét tuyển đạt từ 26,0 điểm trở lên.
Đối tượng 7: Có bằng đại học hệ chính quy từ loại Khá trở lên.
Đối tượng 8: Người Việt Nam tốt nghiệp THPT ở nước ngoài hoặc các trường quốc tế tại Việt Nam có chứng nhận văn bằng của cơ quan có thẩm quyền.
Đối tượng 9: Thí sinh là người nước ngoài có kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực Tiếng Việt đáp ứng quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT.
Với phương thức 2 (Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024), điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi của tổ hợp xét tuyển ứng với ngành do thí sinh đăng ký; cộng điểm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên. Tổng điểm được tính trên thang điểm 30 và không nhân hệ số với bất kỳ môn nào.
Với phương thức 3: (Xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT), thí sinh đăng ký xét tuyển ngoài đáp ứng được điều kiện chung đã nêu phải có điểm tổ hợp xét tuyển đạt mức điểm sàn như sau: Khối ngành Sức khỏe: Đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng yêu cầu của Bộ GD-ĐT; Khối ngành khác: 20,0 điểm.
Với phương thức 4 (Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội), thí sinh xét tuyển đạt mức điểm sàn tương ứng dựa vào 1 trong 2 tiêu chí: Kết quả thi ĐGNL của Đại học Quốc gia Hà Nội: 70 điểm (điểm tối đa 150); Kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội: 50 điểm (điểm tối đa 100).