Bộ GD-ĐT cần thực hiện vai trò quản lý Nhà nước trong tuyển sinh
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, hiện nay với việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho trường đại học, các trường xây dựng phương thức tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, điều này dẫn tới một số vấn đề.
Đơn cử, nhiều trường xét tuyển đầu vào cho một ngành học, một khối ngành nhưng chỉ dùng kết quả của một môn - như xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Hay có những khối ngành đặc thù như Sức khỏe - vốn các môn Tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh rất quan trọng để xét tuyển, nay có những trường lấy cả kết quả môn Xã hội như Ngữ văn để tuyển sinh.
“Vì vậy, tôi nghĩ đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải thực hiện vai trò quản lý Nhà nước trong vấn đề tuyển sinh”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nói.
Bày tỏ ủng hộ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GD-ĐT tổ chức, Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ, Đại học Đà Nẵng quyết định dùng kết quả kỳ thi này là kênh chính để tuyển sinh, thay vì việc tự thành lập một Trung tâm khảo thí (sẽ tốn kém, mất rất nhiều công sức).
“Bộ GD-ĐT đã có nhiều năm tổ chức kỳ thi này, từ kỳ thi “3 chung” cho đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia rồi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để tổ chức kỳ thi phải đầu tư rất nhiều công sức, nguồn lực và phải có rất nhiều kinh nghiệm. Kết quả kỳ thi này là kết quả đáng tin cậy, vì vậy chúng tôi rất muốn tiếp tục kỳ thi này và thậm chí phải trả lại cái tên “kỳ thi THPT quốc gia”, với 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học - làm cơ sở phân hóa để các trường đại học tuyển sinh”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng cho rằng việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp thí sinh không phải tham gia quá nhiều kỳ thi. Hiện nay, rất nhiều trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, nếu sắp tới thêm nhiều trường tổ chức, thí sinh có thể phải tham gia rất nhiều kỳ thi để tăng cơ hội trúng tuyển, dẫn tới lãng phí.
Hơn nữa, các trường đại học nếu tận dụng kết quả kỳ thi của Bộ GD-ĐT sẽ có thể tập trung hoàn toàn nguồn lực vào vấn đề đào tạo, thay vì phân tán nguồn lực (cơ sở dữ liệu, phần mềm, người ra đề thi,...) để tổ chức thi riêng.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng đề xuất, đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT nên có tính phân loại hơn, đáng tin cậy hơn để làm cơ sở cho các trường đại học xét tuyển.
Bên cạnh đó, ông đề xuất Bộ nên có vai trò quản lý để các phương thức tuyển sinh riêng của các trường đại học phải đạt chất lượng tối thiểu, thậm chí chất lượng đầu vào phải bằng hoặc cao hơn kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ đó mới có thể khiến xã hội tin cậy, không cảm thấy băn khoăn về chất lượng tuyển sinh.
Về cấu trúc định dạng đề thi, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng Bộ GD-ĐT cần tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến tham vấn hết sức cẩn thận, cần chuẩn bị mọi thứ rất tốt trước khi đưa vào sử dụng. Khi đã đưa vào sử dụng rồi càng phải đảm bảo sự ổn định, tránh tình trạng thay đổi mỗi năm sẽ khiến các trường đại học khi xét tuyển cũng phải thay đổi phương thức theo.
“Tôi rất mong rằng trong các năm đã chốt phương thức rồi thì phải hoàn thiện, phương thức phải ổn định”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nói.
Đề thi tốt nghiệp THPT cần phân hóa tốt hơn
Cùng chia sẻ tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế cho biết đến năm 2023 vừa qua, Trường ĐH Y Dược Huế vẫn đang sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là kênh xét tuyển chính, bên cạnh tỷ lệ rất thấp thí sinh được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển.
“Chính vì vậy, nếu kỳ thi Bộ GD-ĐT dự trù tổ chức từ năm 2025 đạt được các yêu cầu, mục đích đã nêu thì chúng tôi nghĩ rằng các trường sẵn sàng sử dụng kết quả này để tuyển sinh”, GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy nói.
Theo GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, với 2 môn lựa chọn và 2 môn bắt buộc, số lượng các tổ hợp xét tuyển kể từ năm 2025 trở đi thực tế sẽ thấp hơn các năm trước đó.
Do vậy, thí sinh sẽ phải định hướng kỹ hơn, tốt hơn, xác định chắc chắn hơn các tổ hợp để trúng tuyển những ngành bản thân mong muốn. Điều này có bất lợi là sẽ hạ điểm các tổ hợp, nhưng ngược lại thuận lợi là giảm tỷ lệ ảo rất nhiều cho hệ thống đăng ký, hệ thống xét tuyển vào các trường.
GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy đề xuất Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT để các trường đại học tiếp cận kết quả phân tích đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 về độ khó, độ phân cấp, phân hóa. Đây là cơ sở để các trường có thể tin tưởng chắc chắn vào đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025.
Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy đề xuất đề thi tốt nghiệp THPT phân hóa tốt ở phân khúc 2 nhóm điểm thành phần: Nhóm 5 - 7,5 điểm và Nhóm từ 7,5 đến 10 điểm, để thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường đại học.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn đề thi tốt nghiệp THPT có độ phân cách, phân hóa tốt hơn, để các trường đại học, trong đó có các trường Y thuận lợi hơn trong xét tuyển.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, phương thức tuyển sinh được các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo Luật Giáo dục Đại học.
Tuy nhiên thực tiễn hiện nay, cần thống nhất tăng cường công tác quản lý Nhà nước về các phương án tuyển sinh, trong đó khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Theo Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã từng bước tăng cường sự tin cậy của kết quả thi tốt nghiệp THPT và tới đây đề thi có độ phân hoá cao hơn, theo hướng hạn chế tối đa học tủ, học lệch học mẹo, hướng tới học thật, thi thật, kết quả thật.
Do đó, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp là một trong những phương thức cho tuyển sinh đại học sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, cho chính các trường đại học và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.