18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn
Theo đó, trong danh sách dự kiến 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có Trường Đại học Điện lực.
Theo Quyết định, mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn.
Trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Căn cứ khả năng cân đối, ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại khoảng 18 cơ sở giáo dục đại học công lập ở 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Đến năm 2050, phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Các cơ sở đào tạo, đặc biệt các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Trường Đại học Điện lực đã nghiên cứu hàng trăm đề tài các cấp. Các kết quả nghiên cứu đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị phát triển khoa học và ứng dụng trong thực tế cao
Với truyền thống hơn 120 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Điện lực là một trường đại học công lập đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, EPU cũng là một trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của ngành năng lượng Việt Nam.
Đến nay trường đã nghiên cứu hàng trăm đề tài các cấp. Các kết quả nghiên cứu đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị phát triển khoa học và ứng dụng trong thực tế cao. Đại diện cho các sản phẩm nghiên cứu đó là thương phẩm công tơ điện tử, dàn nước nóng năng lượng mặt trời, lưới điện thông minh, máy tạo dòng 4000A, hợp bộ thí nghiệm Vôn-Ampe, máy bắn bóng bàn,... Bên cạnh các kết quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng, các nhà khoa học của trường còn công bố các kết quả đó trong hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước.
Nhà trường hiện có 491 cán bộ viên chức lao động, trong đó có 4 Giáo sư, 26 Phó Giáo sư, 125 Tiến sĩ, và 246 Thạc sỹ. 100% giảng viên của Nhà trường đạt trình độ chuẩn theo quy định, được bố trí giảng dạy đúng chuyên môn đào tạo
Nhà trường có 62 phòng thí nghiệm, thực hành được trang bị các thiết bị hiện đại và 01 khu thực tập đường dây, trạm biến áp với diện tích 10.424m2 với đầy đủ các tuyến đường dây từ 0,4kV đến 500kV đủ phục vụ cho tất cả các chuyên ngành như hệ thống điện, nhiệt điện, thuỷ điện, tự động hóa, điện tử viễn thông... Nhà trường đã đầu tư xây dựng 131 phòng học lý thuyết với diện tích 17.602m2 trong đó được trang bị đầy đủ các thiết bị như máy chiếu, âm thanh và 01 thư viện điện tử với trên 13.000 đầu sách và rất nhiều đầu sách sách điện tử đã đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên.