- Trường ĐH Công nghệ: Tặng laptop trị giá 15 triệu đồng cho sinh viên năm nhất lên học tại Hòa Lạc
- Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội mở ngành học mới: Thiết kế công nghiệp và Đồ họa
- Sinh viên Trường ĐH Công nghệ giành Huy chương Bạc kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ICPC Châu Á - Thái Bình Dương 2024
Đào tạo từ đại học đến tiến sĩ
Ngay từ khi thành lập, với sứ mệnh hàng đầu là “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học - công nghệ tiên tiến”, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã sớm triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực có liên quan chặt chẽ tới lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.
Các chương trình đào tạo này có thể kể đến như: Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật máy tính (thuộc khoa Điện tử - Viễn thông), Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật năng lượng (thuộc khoa Vật lý kỹ thuật & Công nghệ Nano), Cơ kỹ thuật, Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử (thuộc khoa Cơ học kỹ thuật & Tự động hóa),...
Tham gia giảng dạy các học phần là các giảng viên, chuyên gia và nhà khoa học uy tín, có kinh nghiệm, chuyên môn sâu trong lĩnh vực bán dẫn của nhà trường.
Các chương trình đào tạo này đã được Trường Đại học Công nghệ đưa vào giảng dạy trong nhiều năm qua, góp phần đào tạo hàng nghìn nhân lực chất lượng cao có trình độ từ cử nhân, kỹ sư tới thạc sĩ, tiến sĩ, với trình độ và kỹ năng chuyên môn tốt, tham gia tích cực và hiệu quả vào các công đoạn khác nhau của nền công nghiệp bán dẫn và vi mạch.
Trường Đại học Công nghệ cũng thường xuyên gửi sinh viên tham gia các chương trình giao lưu trao đổi đào tạo, nghiên cứu, gần nhất là chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên do Hiệp hội bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) tổ chức tại Malaysia, nhằm khẳng định vị thế cũng như tinh thần hội nhập quốc tế của nhà trường.
Đầu tư phát triển mạnh các nhóm nghiên cứu
Bên cạnh các chương trình đào tạo, Trường Đại học Công nghệ trong nhiều năm qua đã ưu tiên đầu tư phát triển mạnh các nhóm nghiên cứu chuyên sâu và các phòng thí nghiệm hiện đại, gắn với lĩnh vực nghiên cứu về bán dẫn và vi mạch.
Hiện tại, trường có 4 nhóm nghiên cứu mạnh và 4 phòng thí nghiệm đang triển khai nghiên cứu về Thiết kế, chế tạo linh kiện bán dẫn, Hệ thống cơ điện tử tiên tiến, Vật liệu và linh kiện Micro-nano,...
Các lĩnh vực nghiên cứu về chip/bán của nhà trường có thế mạnh có thể kể đến như: thiết kế vi mạch tích hợp VLSI, thiết kế chip & hệ thống nhúng, thiết kế chế tạo linh kiện vi cơ điện tử và vi hệ thống, vật liệu và linh kiện nano, công nghệ quang tử, tự động hóa,...
Các lĩnh vực nghiên cứu này bước đầu đã đạt được các kết quả quan trọng với nhiều sản phẩm được thiết kế và chế tạo dựa trên công nghệ bán dẫn và hàng trăm công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín mỗi năm.
Hợp tác với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới
Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong những chiến lược quan trọng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận chuẩn quốc tế, nhất là đối với ngành công nghiệp công nghệ cao như bán dẫn và vi mạch.
Thời gian vừa qua, Trường Đại học Công nghệ đã hợp tác với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong đào tạo và nghiên cứu về bán dẫn và vi mạch như Samsung, Cadence, Qorvo, Synopsys,…
Đặc biệt trong đó là thỏa thuận hợp tác ký kết giữa Trường Đại học Công nghệ và Tập đoàn Samsung Electronics (Hàn Quốc), nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nhân tài trình độ thạc sĩ định hướng bán dẫn và vi mạch. Sự kiện này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Hợp tác với tập đoàn công nghệ hàng đầu, với các “ông lớn” như Samsung mang lại cơ hội và giá trị to lớn trong việc triển khai đào tạo, nghiên cứu tiếp cận chuẩn quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu, đáp ứng yêu cầu của đất nước và thế giới về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.
Định hướng trở thành một trong những trường đại học Công nghệ Kỹ thuật hàng đầu châu Á
Từ nhiều năm nay, Trường Đại học Công nghệ đã và đang triển khai toàn diện từ chương trình đào tạo, xây dựng các phòng thí nghiệm tiên tiến hiện đại, các nhóm nghiên cứu mạnh và hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn hàng đầu thế giới để triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn.
Bên cạnh đó, thế mạnh lớn nhất của nhà trường là đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản từ nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới và đặc biệt là chất lượng sinh viên đầu vào. Trường Đại học Công nghệlà một trong những trường đại học có điểm tuyển sinh đầu vào cao nhất cả nước trong hầu hết tất cả các ngành, lĩnh vực đang đào tạo.
Đây chính là những yếu tố then chốt bảo đảm chất lượng và tạo nên những cú hích tăng trưởng vượt bậc của nhà trường. Năm 2022, lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội dù “đi sau nhưng về trước” đã vươn lên xếp hạng top 386 trong bảng xếp hạng QS của thế giới.
Sau hơn 10 năm chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, trong năm 2023, quy mô tuyển sinh các ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật công nghệ đã chiếm 27% trong tổng quy mô tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội. Lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ, cùng với Y - Dược sẽ là những trụ cột, những đôi cánh để Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hiện nay, trước bối cảnh tự chủ đại học và cơ hội hội nhập chưa từng có, cũng như chiến lược phát triển mới của Đại học Quốc gia Hà Nội và của quốc gia trong giai đoạn tới, Trường Đại học Công nghệ xác định chiến lược đến năm 2035 sẽ trở thành một trong những trường đại học Công nghệ Kỹ thuật hàng đầu châu Á và khu vực, với tầm nhìn đến năm 2045 có một số lĩnh vực lọt vào top xếp hạng ranking 200 của thế giới.