Giáo dục

Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đưa vào vận hành phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia

Tấn Tài 05/07/2025 19:57

Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và ứng dụng sẽ chính thức phục vụ sinh viên từ năm học 2025–2026. Đây là không gian đổi mới sáng tạo, kết nối công nghệ và nâng tầm chất lượng đào tạo kỹ sư thế hệ mới.

Ngày 5/7, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập. Sự kiện là dịp để ôn lại hành trình phát triển từ những ngày đầu thành lập trong khó khăn, đến khi trở thành một trong những đại học kỹ thuật trọng điểm của cả nước.

Tham dự lễ kỷ niệm có: Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Ngô Đông Hải; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cùng đại diện chính quyền một số địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

tường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập.
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập.

Tiền thân là Viện Đại học Đà Nẵng, trường được thành lập năm 1975 với chỉ 329 sinh viên và 4 khoa ban đầu. Trải qua nửa thế kỷ, đến nay, trường đã có 14 khoa, 9 đơn vị chức năng, 11 trung tâm nghiên cứu - đào tạo; đào tạo 41 ngành/chuyên ngành đại học, 18 ngành thạc sĩ và 16 ngành tiến sĩ, với quy mô gần 18.000 sinh viên, học viên. Đội ngũ cán bộ giảng dạy có tỷ lệ tiến sĩ đạt hơn 74%, thuộc nhóm cao nhất toàn quốc.

Đáng chú ý, trong 5 năm qua, nhà trường đã mở mới 11 ngành đào tạo đại học ở các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, cơ khí hàng không, vi điện tử, logistics, xây dựng đường sắt tốc độ cao… góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và công nghiệp hiện đại.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 97%, là minh chứng cho chất lượng đào tạo gắn với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế như CTI (Pháp), ASIIN (Đức), AUN-QA (ASEAN), và toàn trường đã được công nhận đạt chuẩn HCERES (chu kỳ 2).

bk-03.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tham quan phòng thí nghiệm

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu khẳng định quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái giáo dục mở, linh hoạt, kết nối chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn. Nhà trường hướng tới mục tiêu đào tạo ra những kỹ sư có khả năng cạnh tranh toàn cầu, nhưng đồng thời giàu bản lĩnh, trách nhiệm xã hội và khát vọng cống hiến.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trường Đại học Bách khoa trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ vùng miền Trung – Tây Nguyên.

bk-04.jpg
Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và Ứng dụng là một dự án quan trọng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đầu tư.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thứ trưởng đề nghị nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống, đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng tự chủ, tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân tài.

Theo định hướng này, nhà trường đang đẩy mạnh nhiều giải pháp: phát triển các chương trình đào tạo tài năng, phân tầng đào tạo sau đại học theo hướng nghiên cứu và ứng dụng; thu hút giảng viên tinh hoa từ trong và ngoài nước; kết nối mạng lưới cựu sinh viên và doanh nghiệp để tăng cường năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, phục vụ sự phát triển bền vững của khu vực và quốc gia.

Nửa thế kỷ phát triển đã đưa Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng trở thành cái nôi đào tạo hàng chục vạn kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhân dịp này, nhà trường đã khánh thành Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và Ứng dụng, một dự án quan trọng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đầu tư theo Quyết định số 884/QĐ-BGDĐT ngày 21/3/2024.

bk05.jpg
Một số trang thiết bị trong phòng thí nghiệm.

Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Cơ điện tử phục vụ cho nền sản xuất công nghiệp của đất nước, đồng thời thúc đẩy chính sách sử dụng chung trang thiết bị thí nghiệm, thực hành để thu hút, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo.

Dự án được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025 với tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng, bao gồm: đầu tư mua sắm, lắp đặt đồng bộ thiết bị thí nghiệm lĩnh vực Cơ điện tử và ứng dụng; Cải tạo, sửa chữa cơ bản cho phòng thí nghiệm trước khi lắp đặt trang thiết bị. Dự án gồm các phòng thí nghiệm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: phòng thí nghiệm Robots, phòng thí nghiệm IoTs, phòng thí nghiệm Khoa học vật liệu, Khuôn mẫu, Thiết kế mô phòng...

Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và ứng dụng sẽ chính thức phục vụ sinh viên từ năm học 2025–2026. Đây là không gian đổi mới sáng tạo, kết nối công nghệ và nâng tầm chất lượng đào tạo kỹ sư thế hệ mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đưa vào vận hành phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO