Ngày 17.6, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng cho biết, vừa đạt kiểm định cơ sở giáo dục Đại học (chu kỳ 2) theo tiêu chuẩn châu Âu của Hội đồng Cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES), Cộng hòa Pháp.
Cùng nhận chứng nhận đạt kiểm định chuẩn châu Âu (HCERES) trong đợt này còn có ba cơ sở giáo dục Đại học lớn trên cả nước gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Đây là lần thứ hai, bốn cơ sở giáo dục đại học nói trên cùng đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo tiêu chuẩn châu Âu - HCERES và được cấp chứng nhận trong thời hạn 5 năm (10/4/2024 -10/4/2029). Sự kiện này là cột mốc quan trọng trong việc nâng cao uy tín và chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác quốc tế rộng lớn.
Bốn cơ sở giáo dục đại học đã có một quá trình phấn đấu bền bỉ, luôn lấy chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học làm mục tiêu hàng đầu trong tất cả hoạt động. Chứng nhận từ HCERES là sự công nhận của sự đáp ứng đầy đủ và chặt chẽ với các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc tế bao gồm: Quản lý chiến lược và điều hành; Chính sách về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và đưa khoa học vào cuộc sống; Chính sách về giáo dục, người học và môi trường. Điều này minh chứng cho cam kết của 4 cơ sở giáo dục đại học trong việc cung cấp một môi trường học tập và nghiên cứu đạt tiêu chuẩn tốt nhất.
Trước đó, vào tháng 6.2017, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Cộng hòa Pháp ra kết luận đánh giá đạt chuẩn kiểm định trường đại học với hiệu lực 5 năm, từ 2017 đến 2022 và sau đó được gia hạn đến cuối năm 2023.
Để chuẩn bị cho công tác tái kiểm định sau 5 năm, cả 4 cơ sở giáo dục đại học đã chuẩn bị báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của HCERES phiên bản mới năm 2022 gồm 3 lĩnh vực, 17 tiêu chuẩn, 122 tiêu chí.
Trong đó, lĩnh vực 1: Quản trị và điều hành; lĩnh vực 2: Chính sách nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; lĩnh vực 3: Chính sách giáo dục, người học và môi trường học tập.
Theo các chuyên gia, kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế được xem là thước đo mức độ hội nhập quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học. Việc được công nhận đạt chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục đại học chu kỳ 2 theo tiêu chuẩn HCERES khẳng định Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh luôn cam kết và phấn đấu liên tục trong việc xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu cũng như các hoạt động khác góp phần đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng đào tạo đối với người học và xã hội, trong nhiều năm qua, nhà trường luôn quan tâm không ngừng cải tiến, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
Công tác đảm bảo chất lượng luôn được nhà trường chú trọng. Trường đã có 26 chương trình đào tạo đại học và 4 chương trình đào tạo thạc sĩ được cấp chứng nhận chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế AUN-QA, CTI, ASIIN. Nhiều chương trình tái kiểm định chu kỳ 2, chu kỳ 3, chu kỳ 4.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, việc đạt kiểm định cơ sở giáo dục đại học (chu kỳ 2) theo tiêu chuẩn Châu Âu không chỉ khẳng định uy tín, chất lượng của các trường ở phạm vi trong nước, khu vực mà còn trên cả trường quốc tế, giúp tăng cơ hội hợp tác với giáo dục đại học nước ngoài, thu hút sinh viên các nước học tập, nghiên cứu, tiến tới quốc tế hóa chương trình đào tạo.
Đồng thời còn thể hiện cam kết của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong việc đã và đang tiếp tục nghiên cứu thực hiện tốt các khuyến nghị của các tổ chức kiểm định quốc tế.