Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Y tế Việt Nam đã có những tiến bộ "đáng kinh ngạc"

Nguyễn Liên 21/04/2023 22:02

Đầu những năm 1960, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam chỉ là 60 tuổi. Ngày nay, một em bé sinh ra ở Việt Nam có thể sống ít nhất 75 năm - nhờ những tiến bộ trong sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Ngày 21.4, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp nhóm Đối tác y tế với sự chủ trì của Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cùng bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.

Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các vụ/cục/viện, lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Đại sứ nhiều nước, đại diện nhiều cơ quan/tổ chức hợp tác song phương và đa phương, các ngân hàng phát triển, các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam.

Y tế Việt Nam trong những thập kỷ gần đây đã có tiến bộ "đáng kinh ngạc”

Phát biểu tại cuộc họp, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, câu chuyện về y tế ở Việt Nam trong những thập kỷ gần đây là câu chuyện về “những tiến bộ đáng kinh ngạc”.

“Đầu những năm 1960, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam chỉ là 60 tuổi. Ngược lại, một em bé sinh ra ở Việt Nam ngày nay có thể sống ít nhất 75 năm - nhờ những tiến bộ trong sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sự giảm bớt đáng kể của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, cải thiện dịch vụ y tế và tiến bộ trong việc giảm nghèo”, bà Angela Pratt nói.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Y tế Việt Nam đã có những tiến bộ
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

Trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam cũng chia sẻ, trong 3 năm qua, nhìn từ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, Việt Nam hoàn toàn nên tự hào về phản ứng mạnh mẽ của mình đối với Covid-19. Điều này thể hiện năng lực mạnh mẽ của đất nước trong việc quản lý các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Bên cạnh đó, bà Angela Pratt nhấn mạnh khả năng của Việt Nam trong việc thu hút sự tham gia của toàn xã hội để đảm bảo tuân thủ các biện pháp y tế công cộng và xã hội khi cần thiết.

“Và tất nhiên, việc triển khai vắc xin cực kỳ ấn tượng của Việt Nam - được hỗ trợ bởi nhiều đối tác có mặt tại đây hôm nay là một trong những câu chuyện thành công rực rỡ của ứng phó hiệu quả”, bà Angela Pratt cho hay.

Hướng đến mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, nhìn lại năm 2022, dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành y tế Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Toàn ngành đã thực hiện vượt và đạt 13/16 chỉ tiêu do Quốc hội, Chính phủ giao.

Các vấn đề về xây dựng thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện; kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành cũng như mới nổi; kịp thời chuyển hướng, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời, tăng cường hiệu quả và chất lượng công tác khám chữa bệnh, từng bước khắc phục những tồn tại của ngành; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực y tế; xây dựng chuẩn năng lực và chương trình đào tạo, chính sách đối với nhân viên y tế, trong đó có y tế cơ sở; đổi mới công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong y tế, bảo hiểm y tế và tài chính y tế.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Y tế Việt Nam đã có những tiến bộ
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ tại cuộc họp

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sang năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới sau đại dịch, với nhiều tồn tại và thách thức, ngành y tế vẫn kiên trì hướng đến mục tiêu chung là phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch mới phát sinh.

Cụ thể, toàn ngành sẽ tập trung cho việc hoàn thiện thể chế, các dự án luật, văn bản dưới luật để tạo hành lang pháp lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành (như Hướng dẫn triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh; sửa đổi Luật Dược, Luật Dân số, Luật Bảo hiểm y tế).

Ngành y tế cũng xây dựng, hoàn thiện các Quy hoạch, chiến lược phát triển ngành trong thời gian tới. Trong đó, có Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,…

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Nghiên cứu, đề xuất các chính sách nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế;

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; Chú trọng công tác đào tạo nhân lực ngành y tế.

Bô trưởng cũng cho biết, ngành y tế sẽ tập trung khắc phục hệ quả và tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, cụ thể hóa thành các ưu tiên trong các lĩnh vực để triển khai thực hiện trong năm 2023, tiến tới hoàn thành kế hoạch 5 năm ngành y tế.

Tại cuộc họp, các đại biểu đến từ các nhóm Đối tác y tế, các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã cùng thảo luận về những vấn đề quan tâm liên quan đến lĩnh vực y tế như phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác, già hoá dân số, y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ thích ứng với biến đổi khí hậu, tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19, môi trường và phòng chống bệnh nghề nghiệp,…

Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục có các cuộc họp nhóm, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các nội dung chuyên môn.

Từ đó, đề ra các giải pháp nhằm giải quyết từng vấn đề thuộc lĩnh vực y tế trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Y tế Việt Nam đã có những tiến bộ "đáng kinh ngạc"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO