Truông Bồn - huyền thoại máu và hoa

- Thứ Sáu, 30/04/2021, 16:12 - Chia sẻ
Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, trời xứ Nghệ trong xanh, gió Lào lướt nhẹ, chúng tôi về thăm lại Truông Bồn - nơi lưu giữ bản hùng ca bất tử trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đã từng không ít đến nơi đây, nghe kể lại về một thời hoa lửa nhưng mỗi lần về lại mảnh đất này, ai trong chúng tôi cũng có những cảm xúc khó tả… Chợt nghĩ, giá như tháng Mười năm ấy không có ngày 31, hẳn các anh, các chị đã tiếp tục lứa tuổi mười tám, đôi mươi với rất nhiều khát vọng!
	Truông Bồn hôm nay đã phủ một màu xanh đầy sức sống
Truông Bồn hôm nay đã phủ một màu xanh đầy sức sống

Bản hùng ca bất tử

Trước mười ba pho tượng bán thân/ Một huyền thoại của Truông Bồn bất tử/ Đã bao người nằm xuống suốt tháng năm/ Trên mảnh đất thiêng liêng mà khốc liệt... Bước chân thật khẽ từng bậc tam cấp lên Khu tưởng niệm 13 liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP), dòng người như lắng đọng, không ai trong chúng tôi cầm được nước mắt bởi giọng nói đậm chất xứ Nghệ của cô thuyết minh viên nhắc lại thời khắc sáng ngày 31.10.1968, khi Truông Bồn phải hứng chịu 3 đợt oanh kích của không quân Mỹ…

Không nghẹn lòng sao được, khi chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc, chỉ ngày mai nữa thôi, 7 nữ chiến sĩ của đại đội TNXP 317 sẽ xuất ngũ. Người thì lên đường nhập học; anh Cao Ngọc Hòa - chị Nguyễn Thị Tâm sẽ tổ chức lễ cưới: Đường làng tháng giêng dài ra hút tắt/ Em không về, vắng một cuộc đưa dâu! Nhưng các chị, các anh vẫn cầm súng, cuốc, xẻng ra chiến hào. Bởi với họ, tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc… Vì huyết mạch Truông Bồn, 13 chiến sĩ - 13 cuộc đời, 13 tuổi thanh xuân, 13 ước mơ và khát vọng ấy mãi mãi gác lại ở độ tuổi mười tám, đôi mươi cùng với lời hứa “đường chưa thông, không tiếc máu xương”, viết nên một huyền thoại cho mảnh đất này.

Ánh nắng trở nên gay gắt, những vạt mây như bị xua đi chỉ để lại bầu trời xanh ngắt. Không gian hiện ra linh thiêng, tĩnh mịch như thể lắng nghe được tiếng cỏ cây thầm thì. Tiếng lòng rưng rưng, thổn thức của những lớp người ở lại… Lẫn trong màn khói trầm hương, chúng tôi được chứng kiến cuộc hạnh ngộ xúc động của những người lính TNXP năm xưa. Đối với họ, tháng Tư về như một lời hẹn ước thiêng liêng, dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ trở về sum họp với đồng đội. Những người lính tóc đã ngả màu sương, nhẹ nhàng trầm lặng bước đi giữa hàng bia mộ. Lúc này, không khí im ắng bị xé tan bởi lời thơ thổn thức được cất lên từ một cựu chiến binh: Em hát lời đất mẹ/ Truông đỏ máu kiên cường/ Tôi ru lời lặng lẽ/ Khấn mười ba linh hồn...

Hòa cùng dòng người hành hương về thăm lại địa chỉ đỏ Truông Bồn hôm ấy, chúng tôi đã gặp cựu TNXP Trần Thị Loan (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Hướng mắt về phía bia mộ, nước mắt tuôn trào, bà chia sẻ: "Tôi may mắn hơn đồng đội vì được trở về. Tháng Tư năm nào tôi cũng về đây thăm đồng đội. Các anh, các chị đã hóa thành khúc tráng ca bất tử".

Quả thật, có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hi sinh không sử sách nào ghi hết. Các chiến sĩ TNXP đã không tiếc máu xương và cả thời trai trẻ để hiến dâng cho Tổ quốc. Tất cả đã viết nên một huyền thoại Truông Bồn trong thế kỷ XX… Để rồi, mỗi chuyến hành hương về nơi đây, chúng tôi càng thấm thía giá trị của mỗi ngày đang sống, càng có thêm sức mạnh đi tới ngày mai và cũng chợt hiểu sâu sắc hơn về những câu thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, khói hương chưa bao giờ tắt ở nơi chiến trường từng một thời khói lửa. Cùng với Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô, Thành Cổ Quảng Trị và nhiều địa danh khác, Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Máu, mồ hôi và nước mắt của họ đã hòa quyện nơi đất thiêng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà… Như khẳng định của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc trong một lần về thăm nơi đây: Truông Bồn mãi mãi là địa chỉ đỏ giáo dục cho các thế hệ con cháu của chúng ta về truyền thống anh hùng của dân tộc, về tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước, góp phần làm cho dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển rực rỡ, vinh quang.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

	Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại sáng ngời
Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại sáng ngời

Về Truông Bồn những ngày này, không chỉ có các cụ ông, cụ bà hay các cựu TNXP mà nhiều bạn trẻ cũng không giấu được niềm xúc động. Chị Hoàng Thị Thủy (huyện Thanh Chương, Nghệ An) bày tỏ: Về thăm mảnh đất này, tôi hiểu hơn về sự hy sinh của các chiến sĩ, họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho công cuộc giải phóng dân tộc. Câu chuyện về những chiến sĩ năm xưa sẽ là bài học lịch sử có giá trị cho thế hệ ngày hôm nay và mai sau.

Cùng chung tâm trạng, em Phan Thị Hoàng Vân (sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Về thăm khu di tích là một chuyến trải nghiệm hữu ích để hiểu hơn về lịch sử đấu tranh cách mạng của cha ông, hiểu hơn về đất và người xứ Nghệ. “Đứng trước mộ của các TNXP, nghe kể về Truông Bồn em không cầm được nước mắt. Xin dâng nén hương thơm gửi đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Vân chia sẻ.

Những câu chuyện về năm tháng chiến tranh khốc liệt ngày ấy cùng mùi hương trầm hòa trong không gian thiêng liêng đã khiến thời gian như ngưng đọng. Chúng tôi rời đi, dường như nhẹ bước chân hơn, bởi như bên tai có ai đó nhắc nhở: Phần mộ các chị các anh vẫn nằm đó/ Hai tiếng Truông Bồn/ Vẫn oai hùng và giản dị/ Như những ngày các chị các anh đi… Lần giở từng trang sổ vàng tại Khu di tích, vẫn còn đó những dòng lưu niệm chứa chan của các cựu TNXP, của du khách gần xa và nhất là các bạn trẻ. Còn nhớ, trong một lần về thăm Truông Bồn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã viết: “Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ và biết ơn các chị, các anh đã ngã xuống trên mảnh đất này. Bài ca Truông Bồn là khúc tráng ca của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam và truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh”.

Chúng tôi cũng không khỏi xúc động khi đọc lại dòng bút tích của một du khách người Mỹ, ký tên là Alfred Postell: "Tôi đã từng đi thăm nhiều đài tưởng niệm chiến tranh tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng không có nơi nào mang lại xúc cảm mãnh liệt như Truông Bồn. Nó mang lại cho người ta cảm giác vừa đau đớn, vừa kinh ngạc. Từ một đài tưởng niệm hữu hình, nó khắc ghi trong tim mỗi người một đài tưởng niệm vô hình mà day dứt, không thể nào quên"!

Chiến tranh đã và đang dần lùi vào quá khứ. Từ mảnh đất được mệnh danh “túi bom, chảo lửa” năm xưa, Truông Bồn giờ đây đã phủ một màu xanh đầy sức sống – màu xanh của bất tử cùng với những đổi thay, phát triển của quê hương, đất nước. Trên cung đường huyết mạch năm xưa, nay là những rừng cây, trường học, nhà ở, thôn xóm yên bình... Như chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý: Kế thừa và phát huy truyền thống Xô-viết anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; từng bước khai thác những tiềm năng, lợi thế, phát triển vững chắc, mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân… sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của miền Bắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. 

Chia tay xứ Nghệ, giai điệu bài hát “Ru em nắm đất Truông Bồn” của ca sỹ Phạm Phương Thảo bỗng vang lên trong mỗi chúng tôi: Ai qua mảnh đất Truông Bồn/ Có nghe hàng phi lao dào dạt/ Giữa đại ngàn có bản hùng ca/ Có bản hùng ca vang lên ngàn đời…/ Ơi, Cô gái Truông Bồn…/ Ru em ru em ngủ giữa trời quê/ Giữa trời quê mình yêu thương… Nếu ai đó có dịp về Nghệ An, ghé thăm Truông Bồn, hãy nhớ rằng mảnh đất này là chứng tích lịch sử huyền thoại góp phần quyết định vào chiến thắng trên chiến trường miền Nam, tạo đà cho non sông thống nhất!

Ghi chép của DIỆP ANH