Qua kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên và nghe báo cáo nhanh của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đánh giá cao tinh thần, sự chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong công tác phòng, chống lụt bão; đồng thời đề nghị tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, lờ là, tiếp tục gia cố các điểm xung yếu, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Ông Lê Minh Hưng cũng đề nghị Hà Nam có biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại những khu vực bị ngập lụt. Bên cạnh đó, tỉnh cân đối nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng, chủ động thích ứng và ứng phó với thiên tai.
Nhân dịp này, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã tặng quà động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Nam và các lực lượng tham gia công tác phòng chống lụt bão
Trước đó, báo cáo nhanh với Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng về công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy cho biết, tỉnh đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống lụt bão nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Tính đến chiều 12.9, Hà Nam đã triển khai di dời hơn 2.300 hộ dân trong tổng số hơn 9.300 hộ cần di dời đến nơi an toàn. Các hộ dân chưa di dời đều ở khu vực phía trong đê bối nước chưa ngập sâu, theo diễn biến lũ các địa phương sẽ chủ động triển khai phương án di dời. Tại các địa điểm sơ tán, đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt của các hộ dân.
Lực lượng chức năng và các địa phương đã di dời khoảng 227.700 con gia súc, gia cầm và khoảng hơn 4.200 vật dụng, tài sản của nhân dân; thực hiện chống tràn khoảng 3,8 km đê, kè và 1,7 km bờ bao khu công nghiệp Châu Sơn. Các địa phương đang tiếp tục huy động nhân lực, vật tư khẩn trương đắp các bao tải đất, cát chống nước tràn từ các hệ thống sông, công trình thủy lợi vào các khu vực dân cư, khu, cụm công nghiệp; triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, phương án đảm bảo an toàn công trình đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực đã xảy ra sự cố, trọng điểm xung yếu.