Trước thềm đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Kỳ vọng và hoài nghi
Cuối tuần này, các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra tại Thụy Sĩ. Những bước đi tích cực có thể hướng tới giải quyết cuộc chiến thương mại đang làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu - dù mang nhiều kì vọng - vẫn chưa thể khiến thị trường yên tâm.
Tín hiệu lạc quan
Phát biểu trước đàm phán, ngay sau lễ công bố thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh kì vọng về cuộc đàm phán thương mại ngày 10/5 với Trung Quốc: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ có một cuối tuần tốt đẹp với Trung Quốc. Tôi nghĩ họ sẽ đạt được nhiều lợi ích”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng hai bên có thể đạt tiến triển thực chất nhằm giảm mức thuế cao mà Washington đang áp dụng đối với Bắc Kinh. Ông cũng cho biết có thể sẽ điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau các cuộc đàm phán.
Động thái này được xem là tín hiệu tích cực đầu tiên sau nhiều tuần bế tắc, cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều sẵn sàng tái khởi động đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang có nguy cơ tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu.

Liên Hợp Quốc (LHQ) đã hoan nghênh nỗ lực đối thoại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Phó phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, ông Farhan Haq, bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán sẽ giúp hai nước hướng tới một mối quan hệ thương mại bình thường hơn, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước đang phát triển.
Theo kế hoạch, cuộc gặp tại Thụy Sĩ sẽ có sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer, trong khi đoàn phía Trung Quốc do Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, với tư cách là người phụ trách các vấn đề kinh tế và thương mại Trung - Mỹ, dẫn đầu. Theo ông Bộ trưởng Tài chính Mỹ, mục tiêu của cuộc gặp là “giảm leo thang” căng thẳng, chứ không nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện ngay lập tức.

Còn đó những hoài nghi
Thị trường hiện lạc quan hơn về sự tan băng trong căng thẳng thương mại toàn cầu so với hai tuần trước, khi chính quyền Mỹ và Trung Quốc có những động thái nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Tuy nhiên vẫn còn đó những hoài nghi sau những kỳ vọng ban đầu.
Đồng USD vẫn tăng so với đồng Euro, đạt mức cao nhất trong một tháng qua. Đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần tại các thị trường nước ngoài.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 1,5% nhưng ở các nước châu Á khác mức tăng yếu hơn, trong khi các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc, trong đó cả Hang Seng của Hong Kong, đều giảm. Thị trường Phố Wall hôm nay đi ngang, trong khi thị trường chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến mức tăng không đáng kể.
Các nhà giao dịch dầu thô có vẻ lạc quan, đẩy giá dầu thô ngọt nhẹ giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa hóa NewYork (NYMEX) tăng hơn 3%, trong khi giá vàng giảm nhẹ so với mức đỉnh điểm của tháng trước.

Chuyên gia phân tích thị trường Thiago Duarte của công ty tài chính Axi cho biết, mặc dù cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng kỳ vọng về một sự đột phá vẫn ở mức thấp.
Trước đó, các quan chức Trung Quốc xác nhận rằng nước này sẽ tham gia lại các cuộc đàm phán, đồng thời cũng cảnh báo rằng sẽ không có thỏa thuận nếu có bất kỳ sự ép buộc nào. Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã phát biểu cứng rắn rằng, Trung Quốc hoàn toàn tự tin vào khả năng quản lý các vấn đề thương mại với Mỹ: “Chúng tôi hoàn toàn tự tin. Chúng tôi không muốn bất kỳ cuộc chiến tranh thương mại với quốc gia nào nhưng đối mặt với thực tế, chúng tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng vào khả năng vượt qua mọi khó khăn. Những gì Mỹ đang thực thi sẽ phải thay đổi”.

Giới quan sát nhận định, với những phát biểu như vậy, Trung Quốc không muốn thể hiện một hình ảnh yếu đuối trước Mỹ, nên hai bên khó có thể đạt thỏa thuận đột phá nào, nhất là khi các bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh đang rất sâu sắc đến mức khó có thể giải quyết trong ngắn hạn.
Trung Quốc hiện đang phải chịu mức thuế 145% đối với toàn bộ hàng xuất khẩu sang Mỹ, trong khi Bắc Kinh áp mức thuế trả đũa 125% đối với hàng hóa Washington.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong dự báo hồi tháng trước, kinh tế Trung Quốc có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 4% trong năm nay, thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Về phía Mỹ, nền kinh tế nước này cũng không tránh khỏi nguy cơ giảm tốc với dự phóng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt 1,8% trong năm nay, giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1.