Trước thềm đàm phán Mỹ - Iran: Khó có đột phá
Hôm nay, 23/5, tại thủ đô Rome của Italy sẽ diễn ra vòng đàm phán thứ 5 giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân. Đây là nỗ lực mới nhất của hai nước nhằm tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng hạt nhân kéo dài nhiều năm qua.

Tuy nhiên, những bất đồng sâu sắc và những tuyên bố cứng rắn hai bên đưa ra trước thềm vòng đàm phán này cho thấy triển vọng đạt được thỏa thuận vẫn còn nhiều thử thách.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran, với vai trò trung gian của Oman đã diễn ra được 4 vòng từ giữa tháng 4 tới nay. Vòng đàm phán thứ 5 này được kỳ vọng sẽ tiếp tục làm rõ các nguyên tắc cơ bản và mục tiêu của hai bên, mở đường cho các cuộc thảo luận chi tiết hơn trong tương lai nhằm tìm kiếm một giải pháp cho chương trình hạt nhân Iran và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Lằn ranh đỏ
Mục đích của bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Iran là nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Các nguồn tin ngoại giao và Chính phủ Iran cho biết, trong 4 vòng đàm phán trước, bất đồng sâu sắc liên quan đến mức độ làm giàu urani và thứ tự dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vẫn là rào cản chính, ngăn trở việc đạt được thỏa thuận cuối cùng. Mỹ không chấp nhận việc Iran tiếp tục làm giàu urani, trong khi Iran tuyên bố không chấp nhận bất kỳ giới hạn nào với chương trình hạt nhân dân sự của mình.
Vòng đàm phán thứ 5 được dự báo sẽ vô cùng khó khăn khi trước thềm đàm phán, cả Mỹ và Iran vẫn tiếp tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn và điều kiện tiên quyết nhằm gây áp lực đối với đối phương.
Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran ngày 20/5 cho biết, ông không mong đợi các cuộc đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ đạt được kết quả cụ thể, khi Mỹ đưa ra yêu cầu để đạt được thỏa thuận là Iran không được làm giàu urani. Ông Ali Khamenei gọi đây là một “sai lầm lớn” và khẳng định Tehran sẽ không phụ thuộc vào sự cho phép của Mỹ về vấn đề này.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cũng đã khẳng định quốc gia Trung Đông này sẽ không bao giờ ngừng làm giàu urani: “Chúng tôi đã từng phản hồi yêu cầu vô lý này. Việc lặp lại một lập trường phi thực tế, phi logic và phi lý không có tác dụng hợp pháp hóa lập trường đó. Bất kể các quan chức Mỹ có lặp lại bao nhiêu lần thì bản chất của vấn đề cũng không thay đổi được. Lập trường của chúng tôi hoàn toàn rõ ràng: việc làm giàu urani ở Iran sẽ tiếp tục, bất kể có thỏa thuận hay không”.
Từ trước đến nay, Iran luôn khẳng định nước này có quyền làm giàu uranium vì mục đích hòa bình theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của Liên Hợp Quốc và cho biết sẽ không từ bỏ quyền đó trong bất kỳ trường hợp nào.

Quan điểm cứng rắn này cho thấy lằn ranh đỏ của Iran trong các cuộc đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân. Trong khi đó về phía Mỹ, cho đến nay, giới chức Mỹ vẫn nhiều lần khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận mới nào giữa Mỹ và Iran phải bao gồm một thỏa thuận về kiềm chế làm giàu urani, vốn được cho là có thể tiến tới phát triển bom hạt nhân.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội Mỹ hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tiếp tục nhấn mạnh: “Hy vọng là chúng tôi có thể khuyến khích họ, chỉ cho họ con đường hướng tới thịnh vượng và hòa bình, cho phép họ phát triển nền kinh tế, nếu họ muốn có một chương trình năng lượng hạt nhân dân sự giống như các quốc gia khác trên thế giới mà không cần làm giàu urani”.

Khó có đột phá
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được Iran ký kết với các cường quốc thế giới đã giới hạn mức độ làm giàu urani của Tehran ở mức 3,67% và giảm kho dự trữ urani của nước này xuống 300 kg. Mức này đủ cho các nhà máy điện hạt nhân, nhưng thấp hơn nhiều so với mức cấp độ vũ khí là 90%. Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân sụp đổ vào năm 2018 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, Iran đã từ bỏ mọi giới hạn đối với chương trình hạt nhân và làm giàu urani ở mức tinh khiết 60%.
Áp lực đang ngày càng gia tăng khi Iran tăng cường làm giàu urani lên mức gần cấp độ vũ khí và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ám chỉ đến hành động quân sự nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ. Tuy nhiên, việc các bên vạch ra lằn ranh đỏ khiến đàm phán dù trải qua nhiều vòng vẫn khó có thể đạt đột phá.

Trong khi đó, tình hình chính trị trong nội bộ mỗi nước hiện tại cũng càng khiến các bên khó có thể đi tới thỏa hiệp.
Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Trump đang chịu áp lực từ những người theo đường lối cứng rắn trong Quốc hội, đòi hỏi một lệnh cấm hoàn toàn Iran làm giàu urani. Hơn 200 nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa gần đây đã gửi một lá thư kêu gọi Mỹ không được nhượng bộ về vấn đề này.
Trong khi đó, Iran cũng phải đối mặt với áp lực nội bộ trong việc bảo vệ “quyền làm giàu urani” - điều mà nhiều người dân nước này coi là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc. Ông Robert Einhorn, cựu cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân cho biết: “Có những hạn chế nghiêm trọng trong nội bộ Iran ngăn cản khả năng giới lãnh đạo thỏa hiệp với Mỹ về vấn đề cơ bản này. Tất cả người dân Iran, ở mọi phe phái chính trị, đều rất tự hào về chương trình làm giàu urani”.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, một kịch bản khả quan nhất là trong các vòng đàm phán tiếp theo Mỹ và Iran có thể đạt được một khuôn khổ chính trị ban đầu - giống như thỏa thuận tạm thời năm 2013, tạo nền tảng cho đàm phán chi tiết sau đó. Tuy nhiên, với môi trường địa chính trị hiện nay phức tạp hơn và lòng tin giữa hai bên ở mức thấp, các nhà ngoại giao cảnh báo rằng tiến trình này có thể kéo dài hơn rất nhiều so với trước đây.